Để làm mới không gian mà mình sinh sống, người Sài Gòn trong đó có các bạn trẻ, người lớn, trẻ em… đều chung tay tạo nên những bức tranh xinh xắn cho con hẻm của mình. Và đó là cách mà họ “đối xử” với những bức tường rêu phong chi chít những chữ quảng cáo. Từ lâu, hẻm đã trở thành phần “hồn” không thể thiếu ở Sài Gòn. Những con hẻm với văn hóa đặc trưng của nó là một cấu trúc không gian đô thị quan trọng trong lòng thành phố. Bên cạnh những con hẻm mới hình thành khoảng vài chục năm nay, Sài Gòn còn rất nhiều con hẻm đã hàng trăm năm tuổi. Những con hẻm cũ của Sài Gòn đã lâu không được sửa sang, khiến chúng trở nên xuống cấp và ẩm mốc, bám đầy rêu xanh. Bên cạnh đó nhiều bức tường còn bị dán chi chít những tờ quảng cáo, những dòng chữ viết bậy gây mất mỹ quan đô thị. Với mong muốn thay đổi diện mạo cho những con hẻm Sài Gòn, những câu lạc bộ Mỹ Thuật, sinh viên ĐH Kiến Trúc cùng với người dân đã chung tay “khoác áo mới” cho những con hẻm xuống cấp. Đối với họ, không sửa sang thì thôi, nhưng đã sửa, thì phải làm cho thật đẹp, thật phong cách! Một bức tường tại con hẻm 19 Trần Đình Xu, quận 1 được tô vẽ cảnh đồng quê, để che lấp những mảng rêu phong cũ kỹ ở đây. Những bức tranh độc đáo ở hẻm 59 đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1. Chị Lê Bảo (chủ nhiệm Clb mỹ thuật Ếch Con) tâm sự: “Trong những ngày trang trí cho các ngõ hẻm, tôi quyết định tạo điều kiện cho các em nhỏ tham gia vẽ cùng mọi người vì tôi luôn tin những điều kỳ diệu mà các em có thể làm được. Đồng thời tạo điều kiện cho các bé và mọi người được gần nhau hơn”. Hẻm số 6 đường Cách mạng tháng 8, quận 1 thì được vẽ phong cách trẻ con, nhí nhảnh hơn vì trong hẻm có nhiều trẻ em. Việc vẽ một bức tranh lớn trên tường đòi hỏi nhiều về công sức và thời gian đôi khi phải làm việc ngoài trời nắng. Nhiều phụ huynh không đồng ý cho con em mình tham gia vào công việc này, vì cho rằng đây là những công việc của người lớn. Thế nhưng chị bảo vẫn luôn khuyến khích các em tham gia vào chương trình ý nghĩa này. “Tôi muốn thông qua việc các em cầm cọ tự vẽ lên những nét vẽ có giá trị ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em trở nên tự tin hơn, và biết đâu lại khám phá ra những tài năng tiềm ẩn trong chính con người các em” – chị Bảo chia sẻ. Đây là những bức tranh được sự đóng góp của rất nhiều trẻ em trong xóm cùng vẽ nên. Con hẻm này hoàn thành trang trí trên tường chỉ mới 1 tuần trước. Trải qua nắng gió mỗi ngày nhưng những hình vẽ vẫn còn rất đẹp, không bị phai mờ đi. Bên cạnh việc tạo sân chơi cho các em nhỏ, hoạt động trang trí, vẽ tường này còn giúp mọi người ý thức được rằng phải giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống, không viết bậy vẽ bậy lên tường làm mất mỹ quan đô thị. Và quan trọng là công việc ấy cần sự chung tay của cả cộng đồng chứ không phải nghĩa vụ của riêng ai. Từ khi bắt đầu chương trình, nhóm của chị Lê Bảo đã thực hiện được kha khá bức tranh tại những con hẻm trên địa bàn phường Bến Thành, Cầu Kho, Nguyễn Thái Bình, Đa Kao…Trung bình nhóm mất khoảng một ngày để cùng người dân hoàn thành tác phẩm. Nhưng những ngày mưa thì có thể kéo dài sang ngày thứ hai. Bên trong con hẻm 30 đường Phó Đức Chính, quận 1. Người dân sống trong hẻm đều rất thích cách trang trí xinh xắn này. Không chỉ có nhóm của chị Bảo, thời gian vừa qua, hoạt động này còn được nhân rộng ở nhiều hội nhóm khác nhau, với sự góp sức của phần lớn là các đoàn thanh niên tình nguyện, nhóm mùa hè xanh… Họ đã khảo sát những con hẻm bị xuống cấp, cũ kỹ để tu sửa và vẽ nên những bức tranh sinh động che lấp vết bẩn trên tường. Nhìn những bức tranh này, người ta sẽ ý thức rằng mình phải luôn giữ gìn môi trường sống xung quanh. Một chiếc máy điều hòa cũng được vẽ trang trí cho đồng bộ với bức tường bên dưới. Con hẻm số 5A đường Nguyễn Đình Chiểu được vẽ tông nền đen rất phong cách. Từ khi những bức tranh được vẽ lên tường các con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, tình trạng người ta dán tờ rơi quảng cáo, viết chữ bậy lên tường cũng đã không còn. Người Sài Gòn đã tự tay tạo nên những bức tranh đầy màu sắc cho con hẻm mà mình sinh sống. Mong rằng những bức vẽ, những chậu cây xinh xắn này không chỉ làm thay đổi diện mạo cho thành phố mà còn giúp thế hệ tương lai phát triển trong nhận thức và biết trân trọng môi trường mình đang sống. Theo Toàn Nguyễn/Tri thức trẻ