Tăng lương cơ sở là cấp thiết song không phải là giải pháp lâu dài


Trên thực tế, đại đa số cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang sống nhờ vào lương và thu nhập chính thức song các chính sách về thu nhập đã không còn tương xứng và quá thấp so với nhu cầu đời sống.

Tang luong co so la cap thiet song khong phai la giai phap lau dai hinh anh 1Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại kỳ họp Quốc hội, đa số các đại biểu đã nhất trí với đề xuất mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) vào năm 2023 là hợp lý.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng để cán bộ, công chức, viên chức sống bằng thu nhập chính thức đồng thời toàn tâm, toàn ý với chức năng, nhiệm vụ được giao thì biện pháp tăng lương cơ sở như hiện nay là chưa đủ.

Mức lương hiện tại không còn phù hợp

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cho biết theo lộ trình và kế hoạch của Chính phủ, kế hoạch tăng lương cơ sở có từ những năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mọi nguồn lực của Trung ương và địa phương đều tập trung cho phòng, chống và giải quyết hậu quả của dịch bệnh để tăng cường và phát triển kinh tế nên việc tăng lương chưa thực hiện được như dự kiến ban đầu.

Điều chỉnh tiền lương cơ sở: Tăng bao nhiêu và khi nào là hợp lý?

Do đó, bà Nga cho rằng đề xuất tăng lương cơ sở ở thời điểm này là rất cần thiết, bởi việc tăng lương đã chậm một nhịp so với kế hoạch. Thêm vào đó, dịch bệnh đã tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đại đa số nhân dân, trong đó có tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức. Cộng thêm bối cảnh nguồn lực sau khi khống chế được dịch bệnh, kinh tế trong nước đã bắt đầu đi vào phục hồi.

Với góc nhìn xa hơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra các chính sách về thu nhập (của công chức, viên chức) hiện nay không còn tương xứng và quá thấp so với đời sống. Nhất là những người có thời gian làm việc chưa được nhiều năm, thu nhập của họ thậm chí đang thấp hơn nhu cầu cuộc sống.

“Tiền lương có thể không có ý nghĩa đối với một bộ phận nào đó, song số này không nhiều. Trên thực tế, đại đa số cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang sống nhờ vào lương và thu nhập chính thức. Và, họ có nguyện vọng tập trung vào công việc chuyên môn với mức thu nhập chính thức ổn định cuộc sống,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Không để “chảy máu chất xám”… vì lương

Về thực trạng, một số người lao động trong khu vực Nhà nước có xu hướng chuyển sang khu vực tư nhân.

Với quan điểm cá nhân, ông Nghĩa nêu ra một số nguyên nhân, trong đó trực tiếp và cơ bản là do thu nhập chính thức vẫn thấp hơn mức cần phải có để đảm bảo cuộc sống tối thiểu (mặc dù thời gian qua Nhà nước và các cơ quan cũng hết sức nỗ lực tìm thêm cách này, cách khác cải thiện nguồn thu cho người lao động).

Nguyên nhân khác là từ hoạt động tăng cường xử lý trách nhiệm, chống tham nhũng, tiêu cực… Theo ông Nghĩa phân tích, một số cá nhân đã phát sinh tâm lý tiêu cực khi thu nhập thấp song công việc lại chịu nhiều sự rằng buộc. Thực tế, một số trường hợp sai sót trong công việc (đôi khi không cố ý và không dính đến tham nhũng) song vì trách nhiệm, người lao động vẫn bị xử lý. Trước tình hình đó, một số cá nhân lựa chọn biện pháp xin nghỉ việc.

Về vấn đề này, bà Nga nhìn nhận việc “chảy máu chất xám” ở các cơ quan Nhà nước là hiện tượng rất đáng buồn.

Theo bà Nga, các vấn đề dẫn đến tình trạng này đều bắt nguồn từ việc tiền lương ở khu vực công quá ít ỏi so với khu vực tư. Đáng quan ngại hơn, việc “chảy máu chất xám” không chỉ dừng lại ở việc di chuyển khu vực làm việc, mà nhiều người đã bỏ luôn nghề để chuyển công việc khác có thu nhập tốt hơn hay đỡ vất vả hơn.

Tang luong co so la cap thiet song khong phai la giai phap lau dai hinh anh 2Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: Quochoi.vn)

“Cả hai vấn đề này đều rất đáng suy nghĩ, bởi nó đều liên quan đến tiền lương, tiền công được nhận không thỏa đáng và không thể nuôi sống được gia đình trong điều kiện thực tiễn,” bà Nga nói.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Hiện tượng dịch chuyển công việc từ khu vực công sang tư là bình thường, nhưng vì lý do thu nhập thì Nhà nước cần lưu tâm.”

Bài toán cải cách tiền lương

Với thực trạng trên, bà Nga cho rằng cải cách tiền lương sẽ là một trong giải pháp “giữ chân những nhân tài” trong khu vực công.

Song, bà Nga cho rằng để cải cách tiền lương, Nhà nước phải có nguồn lực đủ mạnh nên nhất thiết phải đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang rất nỗ lực cải cách tiền lương song hành với việc sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế, bởi “nuôi” một bộ máy cồng kềnh rất tốn kém.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nghĩa cũng chỉ ra một điểm mà lâu nay chưa được đề cập, đó là mức chi tiêu trong khu vực thành thị (thành phố lớn) cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Điều kiện để có thu nhập bổ sung ở thành phố cũng không bằng các vùng, miền địa phương (có thể trồng trọt, chăn nuôi…). Hơn thế nữa, số lượng và áp lực công việc của cùng một vị trí việc làm ở thành phố lớn hơn rất nhiều so với các địa phương.

Về lâu dài, ông Nghĩa cho rằng để cán bộ, công chức, viên chức sống bằng thu nhập chính thức đồng thời toàn tâm, toàn ý với chức năng, nhiệm vụ được giao thì biện pháp tăng lương cơ sở như hiện nay là chưa đủ.

“Để giải bài toán này, cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng. Vì nếu cán bộ, công chức, viên chức không thể sống bằng lương sẽ có hệ lụy, nguyên nhân phát sinh tiêu cực, như tham nhũng,” ông Nghĩa nói.

Về giải pháp tăng tiền lương cơ bản, ông Nghĩa nhấn mạnh tình trạng thu nhập thấp của người hưởng lương và về hưu là không giống nhau, do quá trình công tác, chức vụ của các cá nhân. Vì vậy, nếu tăng lương bình quân thì tầng lớp người lao động thu nhập thấp sẽ không được bao nhiêu, trong khi những đối tượng đang có mức lương cao lại càng được tăng nhiều hơn./.

Quảng + Hạnh (Vietnam+)

Theo: vietnamplus.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: