Bội thực với dòng phim chưởng Kim Dung


Với gần chục dự án chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã ra mắt hoặc đang sản xuất, khán giả của dòng phim võ hiệp Trung Quốc cảm thấy bội thực.

Lâm Phong và Khâu Ý Nùng trong “Ỷ Thiên Đồ Long ký” 2022. Ảnh: Sina.

Trong nhiều năm trở lại đây, thế giới võ hiệp kinh điển do Kim Dung tạo ra là nguồn tài nguyên vô tận của nhà làm phim Trung Quốc. Như một truyền thống, mỗi năm người ta lại thấy vài phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết của “võ lâm minh chủ” ra đời.

Theo Sohu, hiện tượng đáng chú ý là hai năm trở lại đây số lượng phim ăn theo tiểu thuyết Kim Dung tăng đột biến, xuất hiện dày đặc trên màn ảnh Trung Quốc. Đặc biệt là trong năm nay với gần 10 dự án phim chưởng Kim Dung được sản xuất khiến khán giả bối rối, không thể nhận diện tác phẩm nào là tác phẩm nào.

Khán giả “quá tải” với hàng tá phim Kim Dung

Theo Sina, nhà sản xuất Trung Quốc nỗ lực khai thác triệt để mỏ vàng của họ khi liên tục mang tiểu thuyết võ hiệp kinh điển Kim Dung lên màn ảnh.

Gần đây, 3 dự án phim chưởng của cố nhà văn Hong Kong được sản xuất gồm Thiên long bát bộ: Kiều Phong truyện (Chân Tử Đan, Trần Ngọc Kỳ), Thần điêu đại hiệp (Triệu Vi Hoa, Vương Tử Thuần) và series Anh hùng xạ điêu gồm 5 phần phim là Thiết huyết đan tâm, Đông Tà Tây Độc, Nam Đế Bắc Cái, Cửu Âm Chân KinhHoa Sơn luận kiếm.

Đây chỉ là phần nhỏ tiểu thuyển Kim Dung được chuyển thể trong năm nay, chưa tính web-drama. Trước đó, Phi hồ ngoại truyện (Tần Tuấn Kiệt, Lương Khiết, Hình Phi, Lâm Vũ Thân), Tuyết sơn phi hồ 2022 (Triệu Hoa Vi, Trần Tử Hàm và Trần Vũ Tư), Ỷ Thiên Đồ Long ký 2022 gồm 2 phần là Cửu Dương Thần Công, Thánh Hỏa Hùng Lâm (Lâm Phong, Cổ Thiên Lạc, Khâu Ý Nùng, Chân Tử Đan) cũng gây chú ý khi lên sóng.

Theo Sina, trước đây, mỗi năm chỉ có trung bình 1-2 phim điện ảnh hoặc truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung được làm lại. Nhưng năm nay, khán giả hầu như không có thời gian để thở với sự xuất hiện trên màn ảnh tổng cộng gần 10 lần của các anh hùng võ lâm trong truyện Kim Dung.

Việc sản xuất phim chưởng Kim Dung, bao gồm các phần ngoại truyện, cải biên đến remake (làm lại) trong một thời gian ngắn được đánh giá nhồi nhét đến mức “đáng báo động”. Trong đó, có những tác phẩm được chuyển thể, làm lại cả chục lần như Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ hay Ỷ Thiên Đồ Long ký.

“Tiểu thuyết Kim Dung chưa từng lúc nào được nghỉ ngơi. Quách Tĩnh, Dương Quá mọc lên như nấm sau mưa”, Thanh Niên Bắc Kinh nhật báo bình luận.

Lý giải nguyên nhân nhà sản xuất luôn ưu tiên lựa chọn tiểu thuyết Kim Dung để hòa mình vào xu hướng làm lại đang phổ biến trên thế giới, Sohu cho biết truyện võ hiệp của “võ lâm minh chủ” là thương hiệu lớn, kinh điển trên văn đàn Trung Quốc. Các nhân vật Quách Tĩnh, Âu Dương Phong, Tiểu Long Nữ, Dương Quá… gắn liền với nhiều thế hệ. Chưa kể, sự nổi tiếng của Kim Dung cũng được xem như tấm bảo hiểm giảm thiểu độ rủi ro cho nhà làm phim Trung Quốc.

Theo Sina, ai cũng thích nhìn thấy tác phẩm kinh điển khoác lên mình diện mạo mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người làm nghệ thuật nên sản xuất hàng chục tác phẩm võ hiệp từ tiểu thuyết Kim Dung trong một năm. Hiện tượng làm lại ồ ạt dẫn đến việc chuyển thể vô tội vạ, xào nấu quá đà với những thước phim đầy rẫy tình tiết giật gân và phản cảm.

Điều này khiến phim chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung dần mất đi sức hút vì có quá nhiều phiên bản nhưng không có tác phẩm làm mới nào đủ chất lượng thay thế bản cũ, làm hài lòng và tái tạo cảm xúc của người xem.

Khi chữ “tân” gắn liền với thảm họa

Theo Bắc Kinh nhật báo, điều khiến các nhà phê bình và công chúng lo lắng khi có một tác phẩm võ hiệp được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung thông báo khởi quay là liệu nhà sản xuất sẽ vẫn giữ nguyên tinh thần bản gốc, hay xây dựng phiên bản mới?

Nếu giữ nguyên cốt truyện gốc, khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán bởi những áng văn kinh điển đã được người xem thuộc lòng sau khi làm đi làm lại chục lần trên màn ảnh.Vì vậy, hầu hết nhà sản xuất lựa chọn làm mới tiểu thuyết Kim Dung khi chuyển thể.

Tuy nhiên, không phải ý tưởng xào nấu nguyên tác nào cũng được công chúng đón nhận. Việc xuyên tạc trong các phim “tân” võ hiệp Kim Dung thường xuyên xảy ra và bị khán giả la ó.

Là bộ phim có sự đầu tư rất kỹ lưỡng, quy tụ dàn sao Hong Kong như Lâm Phong, Cổ Thiên Lạc, Chân Tử Đan, Khâu Ý Nùng nhưng Ỷ Thiên Đồ Long ký 2022 vẫn bị chê khi lên sóng vào đầu năm nay.

Phim khiến khán giả bật cười vì Trương Vô Kỵ biết biến thân thành con quay xoay tròn, thi triển chiêu thức 6 tay như Na Tra hay phân thân. Ngoài ra, những cảnh tình cảm quá hiện đại như tình một đêm của Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược cũng bị mổ xẻ, chỉ trích.

Năm 2021 được gọi là năm thảm họa của Kim Dung. Tác phẩm nào lên sóng cũng bị phản ứng tiêu cực vì loạn biên. Toutiao gọi Thiên long bát bộ 2021 (Dương Hựu Ninh, Văn Vịnh San, Bạch Chú) là phiên bản “thất bại nhất của thất bại”.

Trên Nhật báo Văn Hối, Tiến sĩ Văn học Tô Triển chỉ trích Thiên long bát bộ bản mới bóp méo nguyên tác, phản cảm. Điển hình là tình tiết Đoàn Dự tè ra quần vì rung động trước nhan sắc của Vương Ngữ Yên. Hành vi lố lăng này của nhân vật phá nát hình tượng kinh điển, không hợp nhãn khán giả.

Tính cách của Hoàng Dược Sư (Nguyên Khoan) trong Anh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo cũng bị thay đổi méo mó, tiêu cực so với nguyên tác. Phim biến Hoàng Dược Sư từ người đàn ông chung thủy thành kẻ ngoại tình, có tình cảm mập mờ với học trò Mai Siêu Phong, lợi dụng trí nhớ của vợ Phùng Hành để có được bí kíp võ công Cửu Âm Chân Kinh.

 

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: