Ông trở vào với mớ tép bạc tươi rói còn nhảy tanh tách cố gắng bật ra khỏi miệng rá. Ông cười, khoe với mạ con tôi: “Tép đầu mùa đạ ngon, mớ tép ni thì mạ mi tha hồ nấu canh đọt ớt…”. Đó là món sở trường của mạ tôi trong mấy chục năm trời mạ theo ba gả về đây, cũng là món giúp cả nhà tôi ấm bụng mỗi mùa mưa gió. Ngồi trên cái đòn con, ba tôi lặt những vụn gốc lúa, lá tre ra khỏi mớ tép. Nhiều người thắc mắc là trời mưa, nước chảy xiết, cá tôm cũng theo dòng mà trôi đi, cất rớ cả ngày cũng nỏ có nhưng với thâm niên gắn bó ở khúc sông quanh làng từ tấm bé, đến nay đã hơn 60 năm nên mỗi lần cất rớ ba tôi đều trở về với đầy ắp thành quả. Ba nói “phải chọn khúc nước cong cong, dòng chảy giảm chậm – nơi tôm tép thích bơi vào trú ẩn thì chả mấy chốc mà đầy rá mang về”. Ba hốt một mớ tép vào lòng bàn tay, nhìn kỹ rồi xuýt xoa “tép đầu mùa, từ nguồn và ruộng đồng kéo về nên tươi rói, sạch, to đều mười con như một”. Mạ tôi cười giòn. Đón mớ tép đã được rửa sạch, mạ giã nắm hột ném rồi cho vào tép ướp chung với nước mắm, ớt bột, thêm một chút muối vừa ăn. Mạ để cái tô đầy tép đang ướp ở đó chờ thấm gia vị rồi ra góc vườn hái đọt ớt. Nhà tôi chuộng ăn cay, đặc biệt là ba, bữa cơm nào cũng cần vài trái ớt tươi, nên dù không phải mùa trồng ớt thì mạ tôi cũng cố gắng ươm hạt ở vạt đất cao ráo, cột cây ớt vào từng thanh tre thẳng tắp, tránh cho cây ớt không bị đổ ngã và ngập úng chết non khi mùa mưa về. Những hôm nắng nóng, mạ tưới nước một ngày hai lần. Năm nào mạ cũng dày công vun trồng nên nhà tôi luôn có ớt trái mùa để ăn, từ đọt đến trái. Trái ớt cay nồng nhưng đọt nấu canh mang đến vị rất ngọt lành. Tép bạc và đọt ớt Hôm qua, sau nhiều tháng nắng nóng, mưa đổ xuống cả ngày, vạt ớt của mạ được “uống” nước mưa vươn lên xanh tốt. Mạ cẩn thận chọn những đọt non mơn mởn, hái đầy một rá. Cây ớt sau khi hái đọt cũng mau ra bông kết quả. Mạ nói “ni có bữa canh ngon rồi”.. Đọt ớt đã rửa sạch, rảy ráo nước, cũng là lúc cơm, đồ kho đã chín. Mạ bắc lên bếp cái nồi với ít dầu ăn, cho nén giã vào phi thơm, bỏ thêm chút ít ớt bột cho màu đẹp, rồi đổ vào hai tô nước. Chờ nước sôi sùng sục, mạ cho tô tép đã ướp thấm vào. Lại chờ sôi, mạ tiếp tục cho rá đọt ớt vào rồi nhấc xuống. Mạ không cần nêm nếm thêm mà múc ra tô, như một sự tự tin về món canh có thâm niên hơn 30 năm. Mâm cơm vừa dọn ra hơi khói từ tô canh đã tỏa ra, thơm mùi đặc trưng của đọt ớt. Tôi đón lấy chén canh từ mạ, vừa thổi vừa húp, vị ngọt của tép đầu mùa rất đặc biệt kết hợp với đọt ớt xanh rờn, lá mềm, cọng lá giòn, mới đầu có vị hơi nhặng nhưng ngọt hậu. Ba tôi tấm tắc khen “mạ mi nấu canh tép đọt ớt là đỉnh nhất, sáng sớm trời mưa lâm thâm mà có chén canh ni là ấm bụng…”. Mạ kể, ngày xưa mạ mới về làm dâu, làng rất nghèo. Không thể chỉ trông chờ tới mùa gặt, người làng dựa vào con sông chảy quanh để làm sinh kế. Ba tôi chăm chỉ nên trời thương, quanh năm đều có “lộc” trời. Ngày đó, tôm cá ê hề nhưng thiếu rau vì mưa gió triền miên, rau cỏ chết úng, chỉ có vài cây ớt mạ trồng trên ụ đất cao, bên cây rơm vẫn vươn lên xanh mướt. Mạ mới nghĩ bụng, ớt ăn được thì ăn đọt cũng không chết nên thử hái vài lá nấu canh chung với tép. Ba tôi ăn rồi khen tấm tắc, từ đó hễ mùa mưa là nhà tôi lại có canh đọt ớt nấu tép. Tuổi thơ của tôi cũng lớn lên với món canh này. Hôm nay trời vẫn mưa, sau cơm sáng ba tôi ngồi ở hiên đan thúng, còn mạ loay hoay với đàn gà vịt, che chắn cho vạt ớt khỏe mạnh vượt qua mùa mưa bão. Ngày mai, tôi lại rời làng, mang theo ước mơ của riêng mình lên thành phố. Những tảo tần của ba mạ, vị ngọt thơm của canh tép đọt ớt đầu mùa mưa cùng theo tôi trên mọi dặm đường. Theo: Thanh Niên