Ba Son, Thủ Thiêm được đề xuất đưa vào ngân hàng tên đường: Nguồn gốc địa danh


Địa danh Ba Son và Thủ Thiêm được đề xuất đưa vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng TP.HCM, là cơ sở để đặt tên cho 2 cây cầu đã hoàn thành bắc qua sông Sài Gòn.

Ngày 16.11, Sở VH-TT TP.HCM – Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định bổ sung địa danh Thủ Thiêm và Ba Son vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng.

Đề xuất này đưa ra sau khi đa số thành viên hội đồng thống nhất bổ sung 2 địa danh nêu trên vào ngân hàng tên đường.

Cũng liên quan đến 2 địa danh này, UBND TP.HCM đã gửi văn bản lấy ý kiến Bộ VH-TT-DL về việc đặt tên Thủ Thiêm cho cây cầu nối từ đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, hiện gọi là cầu Thủ Thiêm 1) và đặt tên Ba Son cho cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng (Q.1) qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (hiện gọi là cầu Thủ Thiêm 2).


Cầu Thủ Thiêm 2 được đề xuất lấy tên là Ba Son, gắn với lịch sử xưởng đóng tàu có từ thời chúa Nguyễn Ánh

NGỌC DƯƠNG

Nguồn gốc địa danh Ba Son và Thủ Thiêm

Ba Son là xưởng đóng tàu bên bờ sông Sài Gòn, được chúa Nguyễn Ánh quyết định thành lập từ năm 1790 phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Ngoài tàu chiến, xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém gì tàu nước ngoài. Đội hải thuyền trang bị cho các đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa.

Khi thực dân Pháp xâm lược, tháng 4.1863, Chính phủ Pháp chính thức tổ chức, xây dựng và điều hành nhà máy đóng tàu và cảng mang tên Arsenal de Saigon đồng thời mang tên Việt, thủy xưởng Ba Son.

Ba Son cũng được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Sau năm 1975, Hải quân công xưởng Ba Son không chỉ sửa chữa, mà còn đóng mới tàu và các phương tiện nổi cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển và đáp ứng nhiều nhu cầu của thị trường hàng hải nước ngoài.

Từ năm 1978, nơi đây đổi là Xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Đến tháng 9.2009 đổi thành Xí nghiệp liên hiệp Ba Son và từ tháng 6.2014 đổi thành Tổng công ty Ba Son. Từ tháng 11.2015, khu vực này được quy hoạch thành khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son.

Còn về địa danh Thủ Thiêm, Sở VH-TT dẫn lại chuyện kể dân gian về ông thủ ngự tên Thiêm (không biết họ) làm trưởng trạm thu thuế trên đoạn sông Sài Gòn. Ông Thiêm là người nhân hậu, thấy người bán buôn thua lỗ hay không lời, ông đã giảm hay miễn thuế cho họ. Bà con rất cảm kích nên sau khi ông mất, họ gọi vùng đất quanh trạm thuế sông này là bến Thủ Thiêm.

Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn, phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau cả vùng đất này được gọi là Thủ Thiêm với bến đò Thủ Thiêm, chợ Thủ Thiêm, tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, nhà thờ Thủ Thiêm…

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: