Ký cam kết, có hết khan hiếm xăng dầu?


Cơ quan quản lý thị trường đang ráo riết buộc các thương nhân xăng dầu ký cam kết cung ứng đủ cho các cửa hàng bán lẻ và sẽ xử phạt nghiêm các doanh nghiệp ngưng bán, không cung cấp hàng.

TP.HCM còn 18 cửa hàng xăng dầu thiếu hàng

Giá xăng dầu trong nước hôm nay (21.11) được dự báo quay đầu giảm nhẹ theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới, sau 4 lần tăng liên tiếp. Cụ thể, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18.11 đối với 1 thùng xăng RON 95-III là 97,81 USD, xăng E5 RON92 là 92,64 USD và dầu diesel xuống 124,15 USD/thùng. Nếu so với giá 1 ngày trước đó (17.11) do Bộ Công thương cập nhật, cả 3 mặt hàng trên giảm từ 2 – 5 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1 – 11.11 của xăng RON 95-III là 101,2 USD/thùng, xăng RON92 là 95,5 USD/thùng và dầu diesel là 132,4 USD/thùng, cao hơn giá thành phẩm nhập khẩu hiện tại từ 2,8 – 8,2 USD/thùng. Cập nhật giá dầu thế giới trong tuần qua (đến ngày 18.11) cũng giảm 9 – 10% so với tuần trước.


Căng thẳng về nguồn cung xăng dầu tạm hạ nhiệt trong vài ngày qua

NGỌC DƯƠNG

Trước diễn biến trên, một số thương nhân đầu mối và phân phối dự báo giá xăng dầu được điều chỉnh chiều nay (21.11) sẽ giảm. Mức giảm dự kiến từ 100 – 500 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn xăng dầu. Do cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh cộng thêm chi phí đưa hàng về VN, chi phí đưa hàng từ nhà máy về cảng tăng trong kỳ này, nên mức giảm có thể thấp hơn kỳ vọng.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, sau nhiều nỗ lực điều phối nguồn cung với sự hỗ trợ lớn từ T.Ư, cơn “khát” xăng dầu tại TP đã hạ nhiệt đáng kể. Đến nay TP.HCM đã giảm bớt khó khăn về cung ứng xăng dầu. Tính đến chiều 18.11, chỉ còn 18 cửa hàng xăng dầu còn thiếu hàng. Trước đó, sở này cũng có văn bản trình UBND TP.HCM dự thảo kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP để gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có nội dung giảm số ngày của chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày hiện nay xuống 3 – 5 ngày để đưa giá trong nước sát với giá thế giới hơn; đảm bảo chiết khấu tối thiểu cho cây xăng bán lẻ có 500 đồng/lít để các cửa hàng có thể duy trì, vận hành hoạt động bán lẻ xăng dầu (chi trả chi phí vận chuyển, nhân viên, tổ chức hoạt động, khấu hao…).

Ghi nhận của PV Thanh Niên đến chiều qua (20.11), trước thời điểm giá xăng được dự báo giảm, các cây xăng khu vực trung tâm TP vắng khách. Trao đổi với Thanh Niên, bà Thanh Vân, chủ một cửa hàng xăng dầu tại P.1, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết bà đặt hàng từ kho Nhà Bè vẫn có hàng, nhưng lượng không thể dồi dào như trước, 1 xe bồn chia cho 3 cửa hàng. “Vẫn có hàng để bán lai rai và không có lãi vì chiết khấu chỉ 300 đồng/lít. Mức này may mắn là không lỗ nhưng không có đồng lãi nào”, bà Vân nói.

Cam kết, xử phạt chỉ là giải pháp tình thế?

Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sau hơn 1 tuần triển khai giám sát, hướng dẫn các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối ký cam kết cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, tính hết ngày 15.11, trên địa bàn cả nước, lực lượng QLTT đã ký cam kết với 633 lượt thương nhân xăng dầu. Trong đó, số thương nhân đầu mối đã ký cam kết cung ứng đủ xăng dầu có 224 lượt; số thương nhân phân phối đã ký cam kết là 409 lượt (bao gồm ký cam kết với cả các công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối). Đặc biệt, cả 100% công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối đều đã ký biên bản cam kết.

Tổng cục QLTT cho hay một số thương nhân đầu mối cam kết đảm bảo việc cung ứng, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ trực thuộc. Còn với hệ thống phân phối như các tổng đại lý, thương nhân nhượng quyền… phải căn cứ trên sản lượng tiêu thụ bình quân 9 tháng liền kề trước đó để cung cấp cụ thể từng khách hàng cho từng mặt hàng xăng dầu.

Đặc biệt, một số thương nhân phân phối có thực hiện ký cam kết, nhưng không cam kết thực hiện đầy đủ nội dung, hoặc không thực hiện ký cam kết nội dung “chủ động nguồn hàng, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ nguồn cung xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc công ty, hệ thống phân phối xăng dầu của công ty” với lý do không chủ động được nguồn hàng trong giai đoạn hiện nay. Thế nên trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở công thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục QLTT và cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn. Đặc biệt, trong công điện mới nhất ngày 17.11, Bộ Công thương tiếp tục yêu cầu QLTT các tỉnh, TP trên toàn quốc phải giám sát thực hiện cam kết, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét mặc dù tổ chức buộc ký cam kết, nhưng nhà phân phối nói rõ họ bảo đảm cho nguồn cung trong hệ thống, còn bán cho nhà phân phối ngoài là… tùy thực tế vì họ không thể chủ động được nguồn hàng, mà nguyên nhân có thể hiểu do nguồn tài chính của doanh nghiệp (DN) thiếu hoặc nguồn từ đầu mối cũng có giới hạn. Thế nên, việc ký cam kết và tăng cường phạt có thể lại khiến thị trường căng thẳng thêm. Bộ Công thương cũng biết rõ DN đang kinh doanh bán lẻ lỗ, nên không duy trì được. Nếu Bộ kiểm tra thấy DN không bán hàng lại phạt thì có vẻ đang “ép” thương nhân.

“Giá xăng dầu trong nước được dự báo giảm hôm nay, mức giảm có thể không đáng kể nếu tăng chi phí. Vấn đề của thị trường là phải tính đủ chi phí kinh doanh vào giá cơ sở, theo đó người tiêu dùng phải trả tiền mua xăng dầu với giá cao hơn vì chi phí kinh doanh của DN tăng. Phải gỡ khó cho DN cũng như đảm bảo thị trường vận hành ổn định lâu dài được”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Bộ Công thương đã yêu cầu Tổng cục Hải quan xem xét để 5 thương nhân đầu mối mà thanh tra Bộ Công thương từng phạt vi phạm hành chính và phạt bổ sung rút giấy phép được tiếp tục nhập xăng dầu. Quyết định xử phạt ban hành vào cuối tháng 8, tuy nhiên vào ngày 6.9, cũng chính Bộ Công thương hoãn việc rút giấy phép của 5 DN này. Các DN vi phạm chủ yếu do không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu qua kiểm tra của thanh tra Bộ Công thương, gồm: Dầu khí TP.HCM, Dầu khí Đồng Tháp, Xăng dầu Tín Nghĩa, Dầu khí Đông Phương và Xăng dầu Hùng Hậu.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: