Cũng lạ, chẳng hiểu từ bao giờ chữ “cải lương” lại mang một hàm nghĩa rằng sến, sáo, khó xài. Thế mà có nhiều chuyện cải lương gặp trên phố Sài Gòn sau nhiều năm ngẫm lại cứ âm ỉ xui ta sống tốt hơn, người hơn và bớt thành kiến đi. Tranh: Tim Doyle Những năm cuối đại học, tuổi của những hoang mang và ước vọng, tuổi tìm lối đi và khao khát sống, tôi hay ngồi ở một quán cà phê cóc dưới chân cầu Thị Nghè, quán mở thâu đêm, ngủ được trên chiếc ghế dựa. Quán tụ tập đủ cả lao động trong chợ, xe ba gác, giang hồ và cả gái điếm, tất nhiên. Ngồi lâu quen mặt, tôi biết T. vào dạo ấy. T. đẹp, mắt lá răm, mặt trái xoan, dáng thon thả như diễn viên. Không có tiền thuê xe chạy vòng vòng, không hoạt động chung với các chủ đào, T. một mình, đứng đấy, được bao nhiêu thì được. T. nói nhà bên xóm Củi, Q.8, có con gái 5 tuổi và bà mẹ già, “hồi xưa em chơi bời quá nên giờ đành chịu, ráng mà nuôi mấy người đó”. Đêm đó Trung thu, trăng vàng hực, bánh trung thu và lồng đèn nhiều vô kể, T. tấp xe vào quán mang theo một bé gái. “Hên quá, có anh, anh coi nó giùm em, má em bị bệnh mà em hứa dẫn nó đi chơi Trung thu nhưng phải đi làm chớ kẹt tiền quá” – T. nói. Vậy thôi, rồi lên cầu đứng, tôi cho con bé uống ly sữa, dắt nó mua cái bánh trung thu hạ giá, cái lồng đèn giấy rẻ nhất, nó cầm cái lồng đèn sáng lung linh, gặm cái bánh ngon lành, mắt nó long lanh mà buồn như mắt mẹ nó. Đi lòng vòng mỏi chân, nó về nằm trên cái ghế của quán ngủ ngon lành, ba giờ sáng ông xe ôm mối từ Q.8 qua rước hai mẹ con về. Một khoảng thời gian tôi rời Sài Gòn, khi vào lại, không thấy T. đứng đấy nữa, hỏi ra thì cô chủ quán bảo T. đã bị đưa đi trong một đợt truy quét. Tôi không bao giờ thấy T. nữa, nhưng mong cô ổn và đứa bé có đôi mắt buồn có thể đi ra khỏi con đường khúc khuỷu của mẹ. Nhưng T., với lời hứa “ráng mà nuôi mấy người đó” và đôi mắt đứa bé chơi trung thu ngay nơi mẹ đứng đón khách đôi khi vẫn khiến tôi rùng mình. Niềm tin nhỏ bé, lời hứa nhỏ bé, những điều ấy đã vun đắp cho đời sống nơi đô hội này. Trước đó, cái dạo tôi là thằng sinh viên năm một lơ ngơ, Sài Gòn mùa đông trở lạnh bất thường. Hôm cuối năm ấy, đi làm thêm về muộn, nhà trọ đã đóng cửa. Nhà trọ toàn người lao động, ngủ sớm, đập cửa ầm ầm không tiện và có khi sáng mai chủ nhà còn có thể mời mình ra đường vì không chịu tuân thủ quy định. Tôi chọn cách lang thang trên phố cho đỡ buồn ngủ, đỡ lạnh, đợi trời sáng. Đường phố hai giờ sáng vắng đến mức tôi không ngờ, như có một Sài Gòn khác vậy. Phố vắng hình như lại càng lạnh thì phải, tôi bước đi co ro trong cái sơmi mỏng. Tôi cứ đi bộ mãi trên phố dài cho ấm người, như chuyện cổ tích, ngay giữa trung tâm thành phố, nơi ngã tư Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai, ai đó nhóm đống lửa củi như một đêm trong rừng. Tôi ngó sững đống lửa, nghe hơi ấm tỏa từ bên trong. Một bàn tay gầy xanh, ngón tay dài ngoắc tôi lại khi tôi đứng xa nhìn ánh lửa bập bùng. “Ngồi xuống đi, cho ấm!”, chỉ vậy thôi, hai cô gái ăn sương ế khách, hai gã xe ôm bặm trợn cùng một gã sinh viên kiết xác ngồi im lặng bên đống lửa, không ai nói với ai điều gì. Họ nhận tôi vào quanh đống lửa ấm của họ, chia sẻ cho tôi chút hơi ấm mà bỏ qua tất cả các băn khoăn về tôi. Anh xe ôm chỉ tay cho tôi lấy thêm mấy cành cây khô để trong góc bỏ vào khi lửa sắp tàn. Tôi ngồi ngủ gà gật bên họ, đêm lạnh quá có khách nào kêu xe, có khách nào cần một hơi ấm đâu, chỉ có chút quây quần để thấy không lẻ loi, để thấy mình đã đi qua một đêm cố làm tròn bổn phận. Đêm qua, lửa được dập và tàn tro được quét dọn cẩn thận. Đứng dậy, ngón tay dài và xanh vẫy “đi nhé!”, phố đông dần, không ai biết rằng một đám lửa đã được thắp lên ở đây và trong lòng gã trẻ tuổi. Chiều gần đây, ngã tư chen kín người, hơi nóng phả bạc đầu, nồng nực mùi khói xe, mùi hơi người, ai cũng muốn nhích lên một tí, về nhà sớm một tí. Đứng trong dòng người là hai cô gái nhuộm tóc vàng và xỏ nhiều khuyên tai. Đèn xanh, dòng người ùa lên theo cái nháy chuyển màu đèn ấy, chỉ có nơi tôi đứng là kẹt lại. Phía trước, hai cô gái vẫn dừng xe, tiếng bóp còi, tiếng la lối chửi thề vứt đầy mặt đường. Như bao người khác, tôi lách đi cùng những tiếng lầm bầm trong miệng. Tiếng lầm bầm chỉ dứt khi tôi thấy các cô dừng lại làm gì. Một bà cụ ngồi co ro bên mép đường, đôi mắt lòa, chiếc nón lá trống trơn trước mặt. Cô gái tóc vàng, xỏ nhiều khoen đang bỏ vào chiếc nón những đồng tiền phẳng phiu. Bà cụ ấy, tôi thấy hàng trăm lần trên đường về mà chưa lần nào dừng bỏ vào chiếc nón bà vài đồng lẻ, tôi sợ người đi sau phàn nàn, tôi ngại phải rê xe vào lề giữa dòng người đông đặc. Tôi xấu hổ vì tiếng lầm bầm của mình. Những câu chuyện cải lương Sài Gòn, bốn mùa cứ cất lên, dù lớn dù nhỏ, làm mềm lòng người ta, khiến người ta rưng rưng mà nhìn lại, như khi ai đó xuống xề câu vọng cổ, day dứt mà đẹp. Theo Nam Thụ (Tuổi trẻ online)