Điều gì đang xảy ra với dòng tiền?


Lượng tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng cao nhất từ trước đến nay, các ngân hàng đang phải ôm một lượng tiền gửi lớn của người dân trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm. Điều gì đang xảy ra với dòng tiền?

Ngại làm ăn, người dân gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chưa thấy hướng làm ăn nên gửi tiết kiệm

Bà Ngọc Mai (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết lãi suất huy động có giảm thêm nhưng vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì kinh doanh bây giờ rất rủi ro, buôn bán ế ẩm.

Cũng vừa gửi lại 5 tỉ đồng vào ngân hàng, ông N. Phong (ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết lần này chỉ gửi kỳ hạn 6 tháng để chờ xem tình hình thị trường thế nào rồi tính tiếp.

Đó là tâm lý chung của nhiều người có tiền mặt nhưng chọn kênh tiết kiệm để giữ tiền thay vì đầu tư kinh doanh. Chưa kể nhiều người dự báo tình hình khó khăn còn kéo dài nên đã tranh thủ gửi tiền kỳ hạn dài, từ 12 – 24 tháng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

So với cuối năm 2022, tỉ lệ tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng gần 8%, tương ứng với 467.086 tỉ đồng. Còn so với cuối tháng 3, tiền tiết kiệm được gửi thêm là 52.028 tỉ đồng.

Như vậy, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11 năm ngoái dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh.

Trái lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm khi tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,6 triệu tỉ đồng, giảm 8.833 tỉ đồng. Còn so với cuối năm 2022, số tiền giảm 5%, tương ứng gần 300.000 tỉ đồng.

Lý giải về hiện tượng này, ông Trần Ngọc Báu – CEO của Wi Group, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, niềm tin với thị trường trái phiếu và các sản phẩm huy động vốn trung gian đổ vỡ sau sự kiện Vạn Thịnh Phát và SCB nên người dân có xu hướng tự đi gửi tiền. Điều này đã kích hoạt tiền gửi của người dân tăng nhanh và rút lượng vốn lớn khỏi các tổ chức kinh tế.

Bên cạnh đó, do lãi suất tăng nhanh và mạnh, gặp khó trong khâu huy động vốn, trong khi áp lực mua lại trái phiếu trước hạn tạo ra nhiều gánh nặng nên bản thân các doanh nghiệp phải sử dụng mọi số tiền mình có để thực hiện những hoạt động lưu động và nghĩa vụ tài chính của mình. Lượng tiền thặng dư để gửi ngân hàng vì thế cũng suy giảm.

“Kinh tế suy yếu, thị trường đầu ra gặp khó nhưng chi phí vốn lại quá cao. Cho nên doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp làm ăn thay vì đẩy mạnh huy động vốn cuốn chiếu kinh doanh, đã làm giảm đáng kể lượng tiền gửi tổ chức.

Thị trường tài chính ảm đạm trong khi lãi suất tiền gửi cao cũng là nguyên nhân làm một lượng tiền gửi của người dân dịch chuyển từ các tài sản tài chính về lại với gửi tiền ngân hàng”, ông Báu lý giải.

Ngân hàng gặp khó vì thừa vốn

Ôm vốn giá cao nhưng không cho vay ra được khiến các ngân hàng lo lắng. Hàng loạt ngân hàng như LPBank, NH số Cake by VPBank cũng giảm lãi suất huy động do áp lực huy động nhưng không cho vay ra được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đức Tú – chủ tịch BIDV, cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đến nay đạt 6,9%, thấp hơn mức 8% của năm ngoái.

Hiện các ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, mức lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng là 6,3%/ năm; còn kỳ hạn 6 và 9 tháng là 5%/năm.

Còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất cao nhất niêm yết được kéo về dưới mức 7%/năm.

Như VPBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 – 12 tháng còn 6,7%/năm, giảm 2% so với hai tháng trước. Kỳ hạn 15 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm.

Đối với các ngân hàng nhỏ như BacABank, GPBank, PVCombank, NamABank, ABBank, NCB… lãi suất huy động cao nhất áp dụng kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,6 – 7,8%/năm.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 14 – 15%. Nhưng đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỉ đồng. Tỉ lệ huy động vốn khoảng 4,16% với 12.691.000 tỉ đồng.

Như vậy, tỉ lệ huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay là tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao tín dụng được khoảng 11% từ đầu năm. Có thể nói, dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.

“Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, còn với chúng ta, lãi suất đã hạ, theo thông thường thì tín dụng sẽ tăng”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.

Vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm khi lãi suất giảm nhanh? Theo ông Đào Minh Tú, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp nên cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều. Nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng.

Thị trường bất động sản chưa sôi động lại. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn.

Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ.

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không. Đây là nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, ngân hàng mời chào vay nhưng có không ít doanh nghiệp chưa có nhu cầu vốn.

“Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những “khác thường” so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Để phục hồi thị trường: giảm lãi suất là chưa đủ

Để đẩy mạnh tín dụng, theo ông Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại phải tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết.

Về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7%/năm. Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1 – 1,2%/năm so với cuối năm ngoái.

Ngoài ra, kinh tế còn nhiều thách thức, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường phục hồi thì việc giảm lãi suất vẫn chưa đủ mà các ngành, lĩnh vực kinh doanh cũng phải có giải pháp.

Đơn cử góc độ doanh nghiệp cũng nên cân đối, tính toán cắt giảm chi phí, hạ giá bán sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Qua đó, doanh nghiệp giảm hàng tồn kho, có như vậy, sản xuất kinh doanh dần phục hồi trở lại.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: