5 dự án mở rộng cửa ngõ TP.HCM


5 dự án với tổng vốn hơn 37.000 tỉ đồng vừa được Sở GTVT TP.HCM đề xuất ưu tiên đầu tư theo hình thức BOT. Nếu nhanh chóng được thông qua và hoàn thành đúng kế hoạch, 5 dự án này sẽ khơi thông các cửa ngõ vốn đang là nút thắt giao thông.

Khơi thông loạt “nút cổ chai”

Ngay sau khi Nghị quyết 98 cho phép đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng tiêu chí, đề xuất UBND TP ưu tiên làm sớm 5 dự án khơi thông các cửa ngõ trong giai đoạn 2023 – 2030. Các dự án được sắp xếp lần lượt theo mức độ ưu tiên gồm: Mở rộng QL1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An); QL22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3); QL13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); Trục đường Bắc – Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Mở rộng cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và H.Bình Chánh).

Kẹt xe trên QL1 tại cửa ngõ miền Tây TP.HCM, đoạn qua H.Bình Chánh

NHẬT THỊNH

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, để hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp (DN), Sở đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu. Trong đó, 2 tiêu chí hàng đầu là tính chất, vai trò quan trọng của tuyến đường và khả năng giải quyết ùn tắc giao thông. 5 dự án được ưu tiên triển khai cũng dựa vào đánh giá đây là các trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông). Đồng thời, hiện trạng giao thông khu vực dự án có mức độ phục vụ (LOS) ở mức E, F nhưng sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự kiến có mức độ LOS cải thiện lên mức B, C.

Nhìn từ thực tế, không có gì lạ khi Sở GTVT xếp 3 tuyến QL1, QL22 và QL13 vào vị trí cấp bách hàng đầu. Đơn cử QL1 đoạn qua địa phận TP.HCM phải đi qua TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Tân Phú, H.Bình Chánh… nhưng không có đường tránh. Hằng ngày các phương tiện di chuyển Bắc – Nam đường dài vẫn phải đi chung đường với các phương tiện di chuyển nội đô. Đường hỗn hợp, xung quanh nhà dân và nhiều điểm giao cắt nên các xe không thể chạy hết tốc độ cho phép. Tình trạng ùn tắc, quá tải và kẹt xe liên miên là điều tất yếu xảy ra.

Hiện nay, tuyến quốc lộ huyết mạch Bắc – Nam khu qua địa phận TP.HCM chỉ có 3 làn đường, gồm 2 làn cho ô tô và 1 làn cho xe hỗn hợp. Một số đoạn ngắn ở khu vực gần Suối Tiên (TP.Thủ Đức) có 4 làn trong khi ở khu vực giáp ranh với Long An trên địa phận H.Bình Chánh chỉ có 2 làn khiến tuyến đường bị “thắt cổ chai”. Đoạn 9,6 km QL1 từ nút giao vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An hiện không chỉ là điểm đen ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ TP đi về miền Tây mà đang dần trở thành “rốn ngập” mỗi khi có mưa lớn.

Ở phía đông TP, QL13 là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM. Vận chuyển hàng hóa từ Tây nguyên, Bình Phước và nhất là Bình Dương về TP chủ yếu theo QL13; nhưng với hơn 13 khu công nghiệp, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc hàng “khủng” phải chen chúc nhau trong 4 làn xe khiến tình trạng ách tắc diễn ra cả ngày lẫn đêm. Cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ. 22 năm trước, kế hoạch mở rộng QL13 đã được đưa vào dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 – giai đoạn 1; nhưng sau 2 thập niên, đến nay con đường cửa ngõ đông bắc của TP vẫn chưa được khơi thông.

Tương tự, QL22 là tuyến đường quốc tế nằm trong dự án đường xuyên Á, nối TP.HCM – Phnom Penh và các nước trong khu vực cũng đang chờ được giải cứu để kết nối tới Củ Chi, Tây Ninh thông thoáng hơn. Trong đó, khu vực từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 mà Sở GTVT TP đề xuất vừa có bến xe An Sương, lại là hướng di chuyển của dòng phương tiện từ cửa khẩu các tỉnh Long An, Tây Ninh vào trung tâm TP.HCM nên mật độ phương tiện rất lớn, thường xuyên ùn ứ.

Hai dự án còn lại là trục đường Bắc – Nam và mở rộng cầu đường Bình Tiên sau khi hoàn thành cũng sẽ giải quyết bài toán giao thông đang nhức nhối ở khu nam TP, đồng thời mở một dải xương sống xuyên suốt kết nối với các tuyến đường vành đai, đường liên tỉnh tới ĐBSCL.

Các dự án đang được đề xuất nếu không thu hút được BOT thì nhà nước cũng phải trực tiếp đầu tư bởi tính cấp bách của nó. Các nút thắt cổ chai này được tháo, không chỉ giải quyết bài toán giao thông, tạo nền tảng hạ tầng cho kinh tế mà còn góp phần giãn mật độ đô thị phát triển ra ngoài, tăng cường khu vực sản xuất chuyển dịch ra ngoài, cải thiện môi trường sống cũng như chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng lõi đô thị TP.HCM. – TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM)

Giảm chi phí logistics, tạo đà bứt phá kinh tế

“Lộ thông, tài thông”, ông D.H, giám đốc một DN vận tải hàng hóa tại TP.HCM chuyên chạy tuyến Nam – Bắc, nhấn mạnh khi nghe tin dự án QL1A đang được đốc thúc mở rộng. Theo ông, tuyến đường thường xuyên ùn tắc, xe chạy chậm, tiêu hao nhiên liệu lớn hơn, đồng thời rủi ro dẫn tới tai nạn cao hơn chạy trên các tuyến đường cao tốc. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang Bắc – Nam trung bình khoảng 15%/năm. Mặc dù có nhiều dự án nâng cao năng lực vận tải của đường sắt, đường thủy đang được triển khai nhưng đường bộ vẫn là xương sống của hệ thống logistics tại VN. Rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển, tiết giảm chi phí là cách duy nhất để vận tải đường bộ tiếp tục cạnh tranh và nâng cao năng lực.

“Bài toán chi phí đang là nỗi sợ lớn nhất với các DN vận tải. Trước đây, 1 xe đầu kéo chạy từ Nam ra Bắc mất khoảng 40 – 50 giờ. Sau khi mở rộng QL1, thời gian có thể giảm xuống 36 – 40 giờ, chi phí logistics nhờ đó cũng giảm đáng kể. Vì thế, đoạn nào làm được trước thì phải làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc mức thu và các khoản thu phí, tránh phí chồng phí gây khó cho DN”, ông D.H đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho hay nếu trông chờ vào ngân sách để xây mới hay mở rộng một tuyến đường cũ thì rất khó khăn. Vì thế, hầu hết DN vận tải đều mong TP có thể thu hút được các công ty tư nhân đầu tư nhanh chóng các con đường rộng rãi, thông thoáng, nhất là các tuyến đường cửa ngõ, vành đai, đường cao tốc… kết nối liên tỉnh.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá: TP.HCM muốn phát triển được giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế thì phải có kết nối tốt giữa khu vực trung tâm với vùng ngoại thành, giữa TP với các tỉnh, thành. Nếu không kết nối được giao thông đối ngoại thì sẽ rất khó cho các hoạt động giao thương. Cùng với đó, sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng hiện nay giá nhà đất vùng nội đô leo thang, ngày càng nhiều người phải chuyển ra sinh sống ở nội đô, hằng ngày vào trung tâm TP đi làm hoặc ngược lại.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: