Các doanh nghiệp lẫn các chuyên gia đều nhận định vào giữa năm sau, thị trường bất động sản mới có sự phục hồi rõ nét. Cuối năm 2023, dù thị trường đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn mờ nhạt. Thị trường bất động sản kỳ vọng phục hồi từ việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý và vốn để tăng niềm tin người tiêu dùng, nguồn cung lẫn thanh khoản thị trường – Ảnh: NGỌC HIỂN Thị trường bất động sản sẽ phục hồi hình chữ U? Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Dương Thùy Dung – giám đốc điều hành CBRE Việt Nam – cho biết trong quý 3-2023, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi số lượng căn hộ chào bán cũng như tỉ lệ giao dịch thành công cao hơn các quý trước. Theo bà Dương, trung bình mỗi quý tại TP.HCM có khoảng 10.000 căn hộ được chào bán, hiện quý 3 vừa qua có khoảng 3.000 căn chào bán, chỉ bằng 1/3 so với bình thường nhưng đây đã là con số khá cao thời điểm này. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn thị trường cũng chỉ có 3.000 căn hộ được chào bán. “Chúng tôi cho rằng đây là những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi với phân khúc căn hộ, không chỉ tăng nguồn cung mà giá bán cũng tăng 2% so với quý 3 năm ngoái. Trong khi 6 tháng đầu năm giá chững lại, thậm chí hơi giảm”, bà Dung nói. Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, giá căn hộ còn tăng mạnh hơn trong quý 3, trung bình tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Dung, những khó khăn của thị trường nhà ở vẫn tiếp diễn nhưng giai đoạn khó khăn này sẽ qua vào cuối năm 2023, đến năm 2024 niềm tin của người mua nhà sẽ tăng trở lại. Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng – giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group – cho rằng thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, thị trường không thể hồi phục theo hình chữ V mà sẽ đi theo chữ U. Theo ông Thắng, những phân khúc có nhu cầu ở thực, tính thanh khoản cao, mang lại dòng tiền ổn định sẽ hồi phục tốt hơn những phân khúc mang tính chất đầu cơ. “Dù quý 3-2023, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng vẫn xuất hiện những con số tích cực. Kỳ vọng đầu năm 2024, đà hồi phục tiếp tục tăng, đẩy nhanh sự hồi phục chung của thị trường bất động sản”, ông Thắng nói. Gỡ khó pháp lý để khơi thông thị trường bất động sản Ở góc độ nhà thầu xây dựng, ông Bolat Duisenov – chủ tịch Coteccons – đánh giá giai đoạn này thị trường chưa có nhiều sự khởi sắc rõ ràng trong lĩnh vực bất động sản, ngay cả tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội khi chỉ có một vài dự án đầu tư mới được cấp phép. Chủ tịch Coteccons khẳng định phải đến quý 2-2024, thị trường bất động sản Việt Nam mới có các tín hiệu rõ rệt của sự phục hồi. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho rằng thị trường bất động sản tại thời điểm này đã có chuyển biến tốt hơn, các dự án đưa ra đều có dấu hiệu tái cấu trúc sản phẩm và mức giá. Trong đó, 70% giao dịch đến từ căn hộ chung cư. “Thị trường bất động sản quý 3-2023 có nhiều tín hiệu mừng, tuy so với thời điểm 2018 – 2019 vẫn còn xa nhưng giữa bối cảnh khó khăn này, vài ngàn giao dịch thành công là một con số đáng khích lệ để tạo động lực cho quý 4-2023 và quý 1-2024 dần phục hồi”, ông Đính chia sẻ. Theo ông Đính, cần thúc đẩy nhanh các giải pháp về thể chế, hành lang pháp lý để làm sao gỡ những điểm nghẽn. Hiện những rào cản pháp lý khiến dự án tắc, không được phê duyệt, dự án “đắp chiếu”, khiến doanh nghiệp không thể bán hàng. “Nếu gỡ được pháp lý, ban hành những nghị định sửa được nhiều nghị định sẽ giúp khơi thông cho quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục cho các dự án bất động sản và doanh nghiệp cũng chờ đợi các giải pháp này để giúp thị trường địa ốc phục hồi”, ông Đính nói. Sự phục hồi của thị trường phụ thuộc cải tiến pháp luật GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – nhận định thời điểm phục hồi thị trường bất động sản còn phụ thuộc vào việc cải tiến pháp luật. Nếu phục hồi nhưng vướng mắc của pháp luật chưa được giải quyết thì chu kỳ mới sẽ khó duy trì lâu dài. Ông Võ cảnh báo nếu thị trường lại đi xuống sẽ khó khăn hơn trong việc vực lại thị trường bất động sản. Theo Tuổi Trẻ Online