Không mấy xa lạ, đó là quán bún chả Hà Nội của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Lan (50 tuổi), nằm trong con hẻm yên bình trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM). Quán ăn có thâm niên 30 năm, là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ thực khách. Sao bà chủ không nhận là “bún chả nhà giàu”? Sáng sáng, quán ăn của bà Mai Lan đều đặn khách ra vào. Mùi thịt nướng thơm phức tỏa ra từ lò than, nơi bà chủ đang ngồi nướng thịt, khiến bụng tôi thêm phần cồn cào. Ở quán, bà Lan cùng hai người người phụ nữ khác, là chị dâu và em dâu của mình cùng bán, mỗi người một việc. Ai cũng tất bật làm những phần ăn tâm huyết nhất mang ra cho khách mà không phải chờ đợi lâu. Bà Lan kế thừa quán bún chả Hà Nội của cha mẹ. Nhiều khách thấy ấn tượng, khi quán do ba chị em bà Lan điều hành, không có đàn ông. Nhìn ngoại hình trẻ trung của bà Lan, tôi và nhiều khách khác không khỏi bất ngờ, khi biết bà đã 50 tuổi. Tôi thầm nghĩ, có lẽ, bà chủ vui tính, cười nhiều, niềm nở với khách nên nhìn bà như ngoài 30 vậy. Bụng cũng đang đói, tôi liền gọi một phần bún chả để ăn sáng. Nhiều khách gọi vui, đây là quán “bún chả nhà giàu”, khi mỗi phần ăn có giá 80.000 đồng, nếu khách muốn ăn có thêm có thể gọi, tùy nhu cầu. Nói về giá bán, bà Lan thừa nhận nó có cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên dù bán với mức giá này, nhưng quán bà vẫn được khách “ruột” ủng hộ suốt bao năm qua. Phần, vì hương vị độc đáo, không giống với bất kỳ quán ăn nào với cách nấu bà được cha mẹ truyền lại, phần vì chất lượng của tô bún xứng đáng với giá tiền mà khách bỏ ra. Tôi nghĩ tiền nào của nấy, đồng tiền mà khách bỏ ra ăn phải xứng đáng. Có người gọi quán tôi là bún chả nhà giàu, nhưng mà tôi không nhận nha, vì quán tôi, khách nào tới cũng đón tiếp nồng hậu, không có giàu nghèo gì cả… Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Chủ quán Thịt nướng được ướp đậm đà. Có một điều đặc biệt trong cách chế biến món ăn ở quán, chính là phần thịt nướng được kẹp bằng những que tre, giữ cố định bằng những sợi lá chuối và nướng trên than hồng. Cách làm này khác với những quán tôi từng ăn qua, nướng bằng vỉ hoặc lò điện. Khách gọi món tới đâu, bà chủ mới bắt đầu nướng thịt tới đó, nên phần thịt mang lên bàn cho khách nóng hôi hổi, thơm phức. Anh Hồ Nam (34 tuổi, ngụ Q.3) cho rằng đó là một trong những “bí kíp” làm nên hương vị đặc trưng của món ăn ở đây, níu chân anh suốt gần chục năm qua. Dù giá có cao so với mặc bằng chung, nhưng vì lỡ thích bún chả Hà Nội ở đây, nên anh cũng chấp nhận. “Tôi ăn bún chả ở đây rồi, thì ăn chỗ khác thấy cái vị nó không hợp bằng. Tôi không so sánh quán nào ngon hơn quán nào, chỉ thấy chỗ này vị lạ lắm, ngon mà không bỏ được. Không gian quán gia đình ấm cúng nên tôi thường dẫn bạn bè hay gia đình tới đây ăn”, anh Nam nói thêm. Cả đời chỉ làm một nghề Không phải ai cũng biết, quán ăn này được cha mẹ bà Lan mở năm 1993 để có tiền mưu sinh. Họ đều là những người gốc Bắc, vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp, nên chọn món bún chả Hà Nội để bán. Tuổi đôi mươi, bà Lan đã phụ cha mẹ bán bún chả đến hiện tại, khi bà đã kế thừa quán ăn này. Bà chủ nói rằng cả cuộc đời của bà, chỉ làm đúng một nghề này, âu cũng là duyên nợ. Phần ăn đồng giá 80.000 đồng. [CLIP]: ‘Bún chả nhà giàu’ rẻ nhất 80.000 đồng/phần, 30 năm trung tâm TP.HCM: Quán… toàn phụ nữ. “11 năm trước, khi cha và mẹ tôi đều không còn nữa, tôi mới kế thừa cha mẹ quán ăn này, vẫn bán cho khách như thời ông bà còn sống. Gia đình tôi có tám anh chị em, chắc do cái duyên, nên chỉ có tôi kế nghiệp, mọi người đều có công việc riêng”, bà tâm sự thêm. “Vì sao quán mình được khách ủng hộ bao năm qua, dù giá cao, có bí quyết gì không?”, tôi hỏi. Bà chủ liền cười tươi, đáp lại rằng bà cũng không hiểu vì sao khách lại thích hương vị bún chả ở quán mình. Bởi, bà chỉ vậy làm theo cách làm của cha mẹ ngày xưa, nhờ nghề dạy nghề mà tiến bộ từng ngày. Bà chủ tin rằng khi nấu ăn bằng cái tâm, bằng tình yêu dành cho món ăn và cho khách, chắc chắn khách ăn sẽ cảm nhận được. Cũng có thể, đó là cái duyên buôn bán của cha mẹ, của bà. Bà tự hào rằng quán ăn gia đình mình là chốn tới lui của nhiều thế hệ thực khách, có người ăn từ hồi nhỏ xíu, nay lớn lên, có gia đình vẫn ghé lại ăn. Thịt được nướng bằng que tre, khách gọi chủ quán mới bắt đầu nướng thịt. Với bà Lan, quán ăn này không chỉ là tâm huyết của cha mẹ, mà còn là cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của bà gửi gắm vào trong. Bà nói rằng, hạnh phúc của mình mỗi ngày là còn được bán quán, đến khi nào không còn sức nữa… Theo: Thanh Niên