Ngân hàng tích cực “sale off” vốn vay


(ĐTCK) Ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng giá rẻ và giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu, song cầu vốn của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân khó tăng mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.

Tung vốn rẻ ra thị trường

Nếu quý IV năm ngoái, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động lên 9-10%/năm thì quý IV năm nay, hầu hết các nhà băng lại đua nhau giảm lãi suất cho vay, với kỳ vọng đẩy vốn ra thị trường.

Chẳng hạn, Sacombank vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 5%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất – kinh doanh cuối năm. VPBank triển khai gói vay 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm cho khách hàng cá nhân trong thời gian từ nay đến hết năm 2023. ACB thì nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm. Còn Agribank giảm lãi suất từ 3 – 4%/năm đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ đầu tháng 11/2023, ước tính dành tối đa hơn 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Không chỉ với khách hàng doanh nghiệp, mà với khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng “bơm” mạnh vốn giá rẻ, nhất là phục vụ nhu cầu vay mua nhà. Đơn cử, BVBank triển khai gói tín dụng ưu đãi vay linh hoạt với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank, với gói vay ưu đãi này, khách hàng có thể vay tới 15 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là bất động sản và thời gian vay lên tới 120 tháng. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Còn tại SeABank, mức lãi suất cho vay mua nhà áp dụng từ nay đến cuối năm 2023 chỉ từ 4,9%/năm, với thời gian cho vay lên đến 35 năm và không giới hạn về hạn mức. Hết thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay được ngân hàng này áp dụng là 11 – 12%/năm.

PVcomBank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 9%/năm trong 6 tháng đầu, 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm và Ngân hàng đưa ra nhiều phương án trả nợ, đồng thời cho phép ân hạn nợ gốc.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.

Mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, 1 năm đầu áp dụng lãi suất 9%/năm. ACB cũng tung ra gói cho vay mua bất động sản với lãi suất năm đầu tiên dao động ở mức 8%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%.

Các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng vào cuộc giảm lãi suất cho vay mua nhà. Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó; hoặc 8,5%/năm trong năm đầu, 9,3%/năm trong 2 năm đầu, 9,5%/năm trong 3 năm đầu.

Thông tin được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại từ 1 – 1,5%/năm, nhưng đến thời điểm này, lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới giảm khoảng 2 – 2,2%/năm, vượt kỳ vọng của cơ quan quản lý.

“Lãi suất đã giảm, nhưng do sức cầu tiêu thụ yếu nên doanh nghiệp chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh. Còn với khách hàng cá nhân, trong lúc này, họ cũng tính kỹ bài toán vay vốn mua nhà”, TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận xét.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, cho dù lãi suất đã giảm nhưng rất khó đẩy mạnh vốn ra thị trường. Hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu có phần cải thiện trong dịp cuối năm, song cũng không cao như năm trước.

Tín dụng vẫn tăng chậm

Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ tín dụng của ABBank chỉ tăng 4% so với đầu năm, của VietABank tăng 7%. BVBank, Saigonbank đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 4,3%… Nhà băng có quy mô vừa như Eximbank cũng chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 4% trong 3 quý đầu năm.

Xét trong nhóm 27 ngân hàng đang giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán, có 3 ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên 15%, 12 ngân hàng có mức tăng tín dụng từ 10% trở lên trong 9 tháng đầu năm nay. 12 ngân hàng còn lại có tăng trưởng tín dụng dưới 10%.

Tại thời điểm 30/9/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với hồi đầu năm, song số dư tiền gửi của Ngân hàng chỉ đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%. ACB, Sacombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 8,2% và 7,6% trong 9 tháng. Riêng MB, cho vay khách hàng tăng 16,4%, nhưng nợ xấu cũng tăng lên gấp đôi so với cuối năm trước.

VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, dư nợ tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản và tín dụng hộ kinh doanh, với mức tăng lần lượt là hơn 50% và hơn 31%. Đến cuối quý III/2023, quy mô dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank là hơn 454.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 17,5%, đứng thứ ba trong các lĩnh vực kinh doanh, sau tín dụng hộ kinh doanh và cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất. Dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng tỷ trọng giảm từ 22,93% xuống 19,48%.

Tại Techcombank, dư nợ tín dụng tại ngày 30/9/2023 đạt 495.400 tỷ đồng, tăng trưởng 11,4% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và tăng 7,1% so với quý trước. Cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của nhà băng này tăng hơn 50.000 tỷ đồng trong 9 tháng và là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào con số tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành của Techcombank. Đến cuối quý III, tỷ trọng mảng này chiếm 34,63% dư nợ cho vay khách hàng, so với mức 26,44% vào đầu năm. Ngược lại, cho vay cá nhân giảm gần 20.000 tỷ đồng, với tỷ trọng từ mức 52,86% vào đầu năm giảm xuống còn 42,6%.

Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng này muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ nhưng bối cảnh thị trường lúc này không phù hợp. Môi trường lãi suất cao cản trở nhu cầu vay của nhóm bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng rủi ro. Vả lại, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay, chi phí vay lúc này quá cao, thậm chí ngay cả khi lãi suất hạ vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Trong môi trường như vậy, ông Jens Lottner cho rằng, các công ty, tập đoàn lớn có sức chống chịu tốt hơn. Nguồn tiền từ nhóm này đa dạng, đến từ các cấu phần khác nhau của nền kinh tế, giúp khả năng cân bằng của họ tốt hơn.

Ba ngân hàng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank) đều ghi nhận quy mô cho vay khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng tính tới cuối quý III/2023. Tuy nhiên, các nhà băng này không bóc tách chi tiết dư nợ với từng lĩnh vực kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Trước đó, số liệu cơ quan này đưa ra, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 24/10/2023 tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong khi tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92%. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tín dụng vẫn tăng chậm chủ yếu xuất phát từ cầu tín dụng thấp, do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (cầu đầu tư, sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng giảm). Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn; việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: