Cơ hội “sửa mình”


Sau những “lùm xùm” trong kênh đại lý bảo hiểm, nhất là kênh bancassurance, Bộ Tài chính đã ban hành quy định siết chặt hoạt động này. Đây là cơ hội để các đại lý có thể “sửa mình” nếu không muốn bị đào thải.

Nhiều đại lý không trụ được với nghề

Kể từ đầu năm 2023, loạt lùm xùm trong kênh đại lý bảo hiểm, nhất là liên quan đến bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp.

Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động của kênh bancassurance của các ngân hàng. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngoại trừ PG Bank, có 8 ngân hàng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm, ước đạt hơn 9.400 tỷ đồng, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng dẫn đầu trong danh sách là MB có doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm giảm gần 17%, xuống còn 5.989 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, dẫn đến lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28%, còn 2.105 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ, kênh phân phối bảo hiểm đã mang về cho ngân hàng này hơn 7.200 tỷ doanh thu và hơn 2.900 tỷ đồng lợi nhuận thuần.

Liên quan đến chất lượng nhà tư vấn bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, qua kết quả thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ của Bộ Tài chính, cả 4 doanh nghiệp đều có sai phạm với các lỗi như chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng…

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có hơn 700.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân và tổ chức, nhưng tỷ lệ nghỉ việc trong thời gian ngắn luôn ở mức báo động, bình quân trên 80% đại lý bảo hiểm bỏ nghề sau 2 năm đầu. Thậm chí, có thời điểm, khoảng 80% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề. Không ít đại lý chập chững vào nghề được vài tháng, chưa kịp biết đọc bảng minh họa bảo hiểm đã vội vàng rút lui.

Bên cạnh đó, năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa hơn 3.100 đại lý bảo hiểm vào danh sách vi phạm, không được hành nghề trong ít nhất 5 năm (tính chung cả kênh truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng). Lũy kế giai đoạn 2020 – 2022, số lượng đại lý bảo hiểm bị đưa vào “danh sách đen” là hơn 9.000, bao gồm cả những người tư vấn mập mờ, nói sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm.

Cơ hội cho các đại lý chuyên nghiệp phát triển

Ngày 2/11/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP, với nhiều điểm mới đáng quan tâm, trong đó đặc biệt là các quy định siết lại hoạt động của đại lý bảo hiểm.

Theo đó, Thông tư 67 yêu cầu trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp.

Như vậy, các đại lý sẽ không được tự xây dựng tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng hoặc tự ý thay đổi nội dung của các tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng.

Theo luật sư Nguyễn Thị Tình, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), quy định mới này nhằm tránh tình trạng các đại lý bảo hiểm mỗi người hiểu một cách hiểu khác nhau về sản phẩm bảo hiểm nên trình bày và giới thiệu đến khách hàng không đúng tính chất của sản phẩm, qua đó đòi hỏi các đại lý phải nâng cao nghiệp vụ, chất lượng tư vấn.

Thông tư 67 cũng quy định, tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Quy định này, theo các chuyên gia, sẽ giúp hạn chế tình trạng các ngân hàng đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” với “đầu tư lãi suất cao”, hoặc “tiết kiệm có kèm tặng bảo hiểm” như thời gian vừa qua.

“Chúng tôi đang bắt đầu vào công cuộc hành nghề kiểu mới với một loạt quy định mới, trong đó có quy định phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Tuy có ít nhiều phiền hà cho các bên, nhưng cũng giúp các bên lưu lại bằng chứng về quá trình tư vấn, quan trọng đây là công cụ cần thiết giúp các đại lý từ bỏ tư duy làm nghề thiếu trách nhiệm”, đại lý bảo hiểm Nguyễn Thu Quỳnh nói.

Một số ngân hàng cho biết, đang áp dụng sâu rộng công nghệ để tư vấn, cải tiến quy trình và chất lượng phục vụ của đại lý bảo hiểm nhằm củng cố niềm tin của khách hàng, góp phần lành mạnh hóa và phát triển bền vững mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Trong đó, có ngân hàng đã thành lập trung tâm kinh doanh sản phẩm bảo hiểm, chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, giám sát, kiểm tra chất lượng tư vấn và tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của nhân viên; không áp dụng cơ chế giao chỉ tiêu doanh số bán sản phẩm bảo hiểm đối với đơn vị kinh doanh và nhân viên.

Theo đại diện Ngân hàng Quốc Tế (VIB), thời gian vừa qua, báo chí và dư luận có nhiều phản ánh về kênh bancassurance. Bên cạnh những thách thức cho kênh này, thì ở một góc nhìn khác cũng cho thấy sản phẩm bảo hiểm đang được xã hội quan tâm. Để hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, VIB liên tục phát triển và hoàn thiện quy trình tiếp nhận, cung cấp thông tin và giải đáp cho khách hàng, giúp khách hàng hiểu rõ, chính xác về sản phẩm bảo hiểm, giá trị mà bảo hiểm đem lại, cũng như củng cố niềm tin của khách hàng khi lựa chọn tham gia sản phẩm bảo hiểm được phân phối tại Ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng tập trung đào tạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm tại ngân hàng. Cán bộ, nhân viên chỉ phép được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với những sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo và sau khi đã được cấp chứng chỉ bảo hiểm đầy đủ, đồng thời việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm phải dựa trên nhu cầu của khách hàng và đảm bảo cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác, giải thích rõ ràng cho khách hàng về phạm vi bảo hiểm, quy tắc điều khoản sản phẩm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng thường xuyên rà soát các chính sách, quy trình, quy định nội bộ, các tài liệu, văn bản đã ban hành để đảm bảo tất cả các hoạt động liên quan đến đại lý bảo hiểm tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với hoạt động đại lý bảo hiểm và thỏa thuận với đối tác.

Ngoài ra, Ngân hàng không ngừng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của khách hàng mà ngân hàng chào bán thành công.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài khung khổ pháp lý và sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng, chính các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải nâng cao chất lượng mới có thể lấy lại được niềm tin của khách hàng sau khủng hoảng niềm tin.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: