Ẩm thực Tây Nam bộ luôn mang nét đặc sắc, độc đáo làm cho người thưởng thức nó “ăn một lần, mê vạn lần”. Nguyên liệu tươi ngon, dân dã, cách chế biến đơn giản, nhanh gọn nhưng món ăn lại hết sức thơm ngon và bổ dưỡng là “chìa khóa” giúp ẩm thực miền Tây làm say lòng biết bao khách phương xa. Đặc biệt, người miền Tây có một loại nguyên liệu chế biến vô cùng hấp dẫn, độc đáo, đó chính là các loại hoa. Hãy cùng điểm qua một số “bông” được người miền Tây dùng làm thức ăn nhé. Nỗi nhớ mang tên “Mùa nước nổi” Ngôi làng đậm chất miền Tây ở Bến Tre Có một chợ nổi miền Tây giữa Sài Gòn “Xóm miền Tây” giữa lòng Sài Gòn 1. Bông thiên lý Bông thiên lý nở vào mùi hè, mùi thơm ngát, vị mát nên được người miền Tây dùng để chế biến các món ăn giải nhiệt, giúp ngủ ngon vào ban đêm. Thiên lý có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như thiên lý xào thịt bò, hải sản, lòng gà, thiên lý nấu canh tôm, cua đồng, cá hú,… Trong đó, món thiên lý nấu cua đồng rất được ưa chuộng vào mùa hè do canh có vị ngọt và mát, giải nhiệt rất tốt. Muốn canh ngon, phải chọn những bông còn “e ấp” nụ, ngâm nước cho sạch và thả vào nồi canh cua, khi nước sôi phải lập tức bắt canh xuống, có như vậy, bông mới giữ được màu xanh đẹp mắt. Mùa hè nóng bức mà ăn món này thì… đúng sách rồi còn gì! Bông thiên lý xào thịt bò 2. Bông so đũa So đũa là loại cây quen thuộc ở Nam Bộ, thường nở hoa vào tháng 10-12 hàng năm. Bông có hai màu trắng và tím, thường nở vào sáng sớm nên người ta phải tranh thủ hái nếu không bông sẽ héo. Bông hái về nhặt bỏ cuống, đài hoa và nhị bên trong cho khỏi đắng. Sau đó rửa sạch và chế biến. Món phổ biến nhất là so đũa nấu canh chua với cá lóc, cá rô, tép đồng hay nấu canh chua chay với các loại rau khác. Bên cạnh đó còn có so đũa xào với thịt hay đơn giản nhất là so đũa luộc chấm với kho quẹt. Nhiều người mê mẩn bởi món này lắm! Bông so đũa nấu canh chua cá rô đồng 3. Bông bí Món ăn từ quả bí thì đã quá quen thuộc. Nhưng ít người biết rằng, món ăn làm từ bông bí cũng hấp dẫn không kém. Bông bí hái về (thường là bí đực), loại bỏ phần nhị bên trong, rửa sạch, sau đó tha hồ chế biến. Người ta có thể xào với thịt heo, thịt bò, nấu canh với tôm khô, với hến hoặc luộc rồi chấm với nước thịt kho cũng được. Món ăn làm từ bông bí rất ngọt và mát, sẽ giúp bạn giải tỏa cái nóng bức, khó chịu khi trời nắng. Bông bí xào hải sản 4. Bông điên điển “Miền Tây xanh sắc mây trời, phù sa nước nổi người ơi đừng về”. Đây là loại bông xuất hiện vào mùa nước nổi, khoảng tháng 7-8 âm lịch. Vào mùa này, bông nở vàng cả mặt nước, trông như một thảm hoa vàng, vì thế nó được gọi là đặc sản mùa nước nổi. Bông điên điển có thể chế biến thành rất nhiều món. Điên điển làm gỏi chua, điên điển xào tép, điên điển muối chua nhưng ngon “bá chấy” nhất phải kể đến canh chua điên điển cá linh. Nồi canh tập hợp vị chua chua của me, vị ngọt ngọt của cá linh, vị đăng đắng của bông điên điển sẽ đánh thức cơn thèm ăn của bạn. Ăn một lần là ghiền luôn đấy! Lẩu cá linh bông điên điển 5. Bông súng Mỹ nhân của hoa đồng cỏ nội đây rồi! Bông súng mọc khá nhiều ở các ao hồ, đầm lầy. Mùa mưa, bông sinh sản nhanh chóng, phủ kín cả mặt nước Bông súng hái về tước vỏ, bẻ thành từng khúc vừa ăn. Người ta có thể dùng bông súng làm rau ăn lẩu, nấu canh chua với cá, trộn gỏi với bồn bồn và thịt hoặc muối chua. Nhưng món ăn nổi tiếng nhất phải là bông súng chấm mắm kho. “Muốn ăn bông súng mắm kho. Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Món này đã trở thành đặc sản được thiết đãi trong nhà hàng mặc dù cách làm vô cùng dân dã. Bông súng nấu canh chua 6. Bắp chuối Bắp chuối (hay hoa chuối) là một trong những nguyên liệu có thể chế biến được đa món ăn. Phần hoa chuối tưởng chừng bỏ đi lại trở thành “công cụ” làm nên những món… say đắm lòng người. Hoa chuối bào mỏng, ngâm nước muối, sau đó xả lại với nước sạch. Đơn giản nhất là dùng bóp gỏi (làm nộm) với thịt gà xé phay, thêm rau thơm và lạc rang. Cũng có thể dùng để nấu canh chua cá, ăn lẩu,… Chúng ta vẫn thường thấy nó xuất hiện trong đĩa rau khi đi ăn bún riêu, bánh canh và trộn chung với một số loại khác gọi là rau ghém. Ở miền Tây thì chẳng phải mua, ra vườn bẻ một bắp là đủ ăn cho cả nhà rồi. Gỏi bắp chuối 7. Lục bình Người miền Tây gọi là cây bèo. Chúng dễ sống và mọc kín cả mặt nước ao, đầm. Ở miền Bắc, bèo chỉ dùng làm thức ăn cho động vật, nhưng ở miền Tây, bèo có thể chế biến thành nhiều món ngon đến không ngờ. Cây lục bình sạch, giàu vitamin và khoáng chất, cọng non có thể ăn sống, nấu lẩu, xào tỏi, ngó có thể làm nộm, xào thịt, muối chua. Ngoài ra bông lục bình cũng có thể luộc hoặc nấu canh đấy. Ở nhiều nhà hàng, món làm từ lục bình khá đắt đỏ không kém gì những loại khác đâu. Lục bình ăn với mắm kho 8. Bồn bồn Bồn bồn sống ở vùng đất phèn, mặn, phổ biến nhất là ở Cà Mau. Cọng bồn bồn non, trắng muốt là nguyên liệu chế biến khá nhiều món ngon ở miền Tây. Cọng bồn bồn có thể dùng để muối chua, xào với thịt, nấu canh, trong đó bồn bồn muối chua là món phổ biến và quen thuộc nhất. Có nhiều người đã nhân giống loại cây này để bán, khách cũng khá chuộng những món làm từ bồn bồn nên thu nhập người dân tăng đáng kể. Bồn bồn muối chua “Hoa đồng cỏ nội” chẳng những tô đẹp cảnh sắc thiên nhiên cho vùng sông nước miền Tây mà còn mang đến cho mảnh đất này những món ăn “độc lạ, có một không hai”. Có nhiều món đã trở thành đặc sản đãi trong nhà hàng thành phố. Tuy nhiên, cái dân dã, mộc mạc trong chế biến thì vẫn vẹn nguyên như chính tính cách của những con người đã “phát minh” ra nó. Cát Tường (TH)