Sài Gòn, khi bóng dáng những chiếc Honda chưa xuất hiện, những năm 1960 nhiều xe Mobylette, Puch, Sach… nhưng nhiều nhất vẫn là chiếc xe đạp. Thú chơi xe cổ Mobylette của dân Sài Thành Siêu xe Lamborghini – thú chơi của đại gia Sài Gòn Đó là vật sở hữu thân thiện, đầy tiện ích và là tài sản của công tư chức, học sinh cũng như… nhà nghèo. Nhà văn Phong Sơn, một thời lầm lũi đi bằng xe đạp đã biến việc đi xe đạp cực nhọc trở thành một thú vui, đáng thưởng thức của “Sè-Gòng hoa lệ” trong một bài tạp bút. Hãy tìm hiểu xem những năm đó, cuộc sống trên vòng lăn xe đạp ra sao qua trích đoạn sau đây. “Khi “con ngựa sắt” của bạn lượn mình qua các ổ gà của ngõ hẻm để bắt đầu góp mặt vào đường nhựa dẫn vào đô thành, bạn sẽ thấy ngay rằng: Mình cũng như ai, cũng băng mình vào thác người và xe cuồn cuộn để đi sâu vào hòn ngọc Viễn Đông. Muốn đi nhanh, bạn cứ việc nhấn mạnh cặp giò, cũng không thua gì xe hơi, xe máy… đó là chưa nói khi đường kẹt, xe cộ đóng cục lại, con ngựa sắt ngoan ngoãn của bạn vẫn tìm mọi cách lách mình qua những khe hở nhỏ để lướt đi giữa biết bao con mắt giai nhân ngồi trong xe hơi nhìn theo thán phục và thèm muốn”. “Trên nẻo đường quen thuộc bốn bận đi về, bạn cũng có thể gặp gỡ và làm quen biết bao bạn đồng hành. Đi xe hơi, xe máy, tiếng động cơ nổ chát tai, bạn sẽ không trao đổi được một câu chuyện gì, chứ với chiếc xe đạp, biết đâu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” bạn sẽ gặp một bạn tri âm, một quý nhân phò trợ, hoặc bạn còn tài hoa son trẻ, khi bốn bánh xe so vành tiến tới, bạn sẽ sánh vai cùng người bạn gái đồng hành để hẹn nước thề non”. “Bạn là nghệ sĩ ư? Nòi nghệ sĩ vốn đa tình. Và con mắt nghệ sĩ trời sinh ra là để chiêm ngưỡng và ca tụng mọi vẻ đẹp của đất trời. Ngồi trên xe hơi, trên xe máy, bạn sẽ cảm thấy thất thế và lố bịch vô cùng khi cần bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một nhan sắc lộng lẫy trên đường. Bạn sẽ phải ngoái cổ lại hay thò đầu ra khỏi cửa xe để nhìn thì thật vô cùng khiếm nhã. Còn với chiếc xe đạp thân yêu, dù giai nhân đang yểu điệu gót hài theo dòng đường của bạn hay trái lại, đang thướt tha uyển chuyển sen vàng ngược chiều với bạn, bạn cũng có thể cùng chiếc xe lẩn mình trong sóng người nhộn nhịp để chiêm ngưỡng cho kỹ, khỏi phụ lòng hóa công đã hun đúc nên những đóa hoa đời. Dù sau đó, bóng hồng khuất dạng, bạn sẽ bâng khuâng tiếp tục cuộc hành trình”. “Vừa nhìn con ngựa sắt của mình nếu bạn đột nhiên cảm thấy mình như Phù Đổng Thiên Vương thuở nọ, phi ngựa sắt, vung gươm vàng lên đường quét giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi, thì bạn vùng đạp mạnh lên, cất giọng ngâm vang đường phố mấy vần cảm khái: “Lên ngựa sắt hề… ta đi đây/ Muôn nẻo Sài Gòn hề… Nam Bắc Đông Tây…/ Xe lăn đất nước vang hờn tuổi/ Rác bẩn ngập đường hề… nào ai hay!”. Để mà rơi trở về với thực tại. Ôi, chuyện đi xe đạp giữa Sài Gòn biết bao vui thú, làm sao tôi tả hết ra đây. Tôi cũng chưa nói đến cái quyền đặc biệt của chiếc xe đạp là được chạy ngược chiều những con đường bị cấm”. Đây có lẽ là sự cảm khái kiểu AQ của một nhà văn nghèo đi xe đạp khi thấy đường Sài Gòn vun vút những xe hơi, xe máy chạy bon bon. Nhưng dầu sao, khi viết lên những dòng này, chắc nhà văn Phong Sơn đã biết biến những chuyện cực nhọc, khó khăn thành niềm vui và cùng chia sẻ với bạn đồng cảnh ngộ. Lẩn thẩn tự hỏi, nếu thời nay vẫn còn đi xe đạp không biết ông còn hưởng được thú vui đó hay không khi cuộc sống hiện đại, hối hả. Chen chúc ngoài đường là những xe buýt, taxi và những chiếc xe ca to đùng cùng dòng xe máy trong những buổi chiều đại lộ? Theo plo.vn