Nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng vọt, đẩy hóa đơn tiền điện tại nhiều hộ gia đình lên cao kỷ lục. Tăng chóng mặt sau mỗi tháng Dù đã đoán trước tiền điện sẽ tăng mạnh, song không ít gia đình cho biết thực sự “khủng hoảng” sau khi nhận hóa đơn tháng 4 – tháng đầu mùa nắng nóng. Hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, “nóng” hơn cả thời tiết Đào Ngọc Thạch Gia đình ông N.C.T (Q.7, TP.HCM) nói so với tháng 3, hóa đơn tiền điện tháng 4 của gia đình cao gần 53%, từ 850.000 đồng lên 1,3 triệu đồng. “Nhiều đồng nghiệp ở cơ quan cũng cho biết hóa đơn nhà họ tăng rất cao, phổ biến từ 30 – 50% do dùng máy lạnh nhiều. Gia đình tôi có 3 người, thường khoảng 22 giờ đi ngủ mới bật máy lạnh, nay phải mở từ chiều tối khi đi làm về. Hơn nữa, các ngày nghỉ ở nhà, trước đây chỉ bật máy lạnh từ buổi trưa, chiều mát tắt, tối ngủ mới bật lại. Nay thì máy lạnh mở từ sáng đến tối”, ông T. nói. Ông T.Q.H (Q.4) “hóng” hóa đơn điện từ mấy ngày nay và tiu nghỉu khi khoản thanh toán lên tới hơn 3,5 triệu đồng, tăng hơn tháng 3 hơn 400.000 đồng. Tuy vậy, nếu so với tháng 4.2023 và trung bình những tháng đầu năm thì tiền điện của gia đình tăng hơn 700.000 đồng, tương đương 25%. Ông M.V.V (TP.Thủ Đức) cho biết tiền điện tháng này cao hơn khoảng 280.000 đồng, từ 1,3 triệu đồng lên 1,587 triệu đồng, hộ gia đình bà Nguyễn Hoàng (Q.Tân Bình, TP.HCM) từ 591.000 đồng lên 727.000 đồng… Mức tăng này so với tháng 3, tháng đã tăng khá cao so với trung bình các tháng trước. Hộ bà Nguyễn Thùy Trang (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) có hóa đơn tiền điện từ 1,42 triệu đồng tháng 3 đã lên 1,85 triệu đồng (tháng 4), cao hơn 430.000 đồng, tương đương cao hơn 30%. Hộ gia đình ông M.V.Toàn (Tiền Giang) tăng từ 443.000 đồng lên 556.000 đồng… Trên trang Facebook cá nhân, bà N.H.A (Q.7, TP.HCM) đăng tin “đu trend khoe tiền điện tháng 4” kèm hình hóa đơn tiền điện tháng 3 là 1,199 triệu đồng, trong khi tháng 4 vọt lên 3,009 triệu đồng. Bà N.H.A thắc mắc: “Nhà mấy thím thế nào? Nhà tôi tháng trước 1,2 triệu, tháng này 3 triệu. Có gì đó sai quá sai không?”. Bên dưới tin, nhiều người vào đồng tình “hình như tháng này nhà nào tiền điện cũng tăng gấp đôi, gấp rưỡi”. Nếu so với dữ liệu khách hàng này đăng tải, tiền điện tháng 4 của hộ bà N.H.A tăng gấp 2,5 lần. Trao đổi với Thanh Niên, đa số các gia đình đều cho hay tần suất mở máy lạnh, mở ở mức nhiệt độ thấp hơn trước kia là phổ biến. Bà An Yên (Q.7) cho hay trước đây tối ngủ thường bật 26 độ, khuya tăng lên 28 độ do nhà có trẻ nhỏ. Nay khởi động từ 24 độ, sau tăng lên 26 độ. Đó là chưa kể thời gian bật kéo dài hơn, đến 6 giờ sáng thay vì trước đây là 4 giờ. “Ngành điện khuyến cáo nên sử dụng máy lạnh từ 26 độ trở lên để tiết kiệm điện, nhưng trời oi quá, cài mức 26 độ không đủ mát, mấy đứa nhỏ la trời vì nực quá, nên thường bật mức 24 – 25 độ”, bà An Yên cho hay. Hóa đơn “nhảy vọt” do nhảy bậc Hóa đơn điện của các hộ gia đình tăng cũng… dễ hiểu. Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), trong tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn TP đạt hơn 2,75 tỉ kWh, tăng 12,44% so với tháng 3. Đáng lưu ý, trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn TP, có 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình) với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỉ kWh (chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% so với tháng 3). Vì thế, hóa đơn tiền điện tháng 4 năm nay của nhiều hộ gia đình tăng cao so với các tháng trước. Hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình trong tháng 4 cao gấp 3 lần so với tháng 3 Chụp màn hình Lượng điện tiêu thụ tăng, đẩy hóa đơn tiền điện tăng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ số điện tăng khiến tiền điện nhảy bậc lên mức cao nên hóa đơn tăng vọt. Bà Nguyễn Thị Tuấn Anh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay hóa đơn tiền điện của gia đình từ 793.000 đồng trong tháng 3 vọt lên 1,67 triệu đồng trong tháng 4, cao gần 80%. Cùng kỳ năm ngoái, tiền điện tháng 4.2023 của gia đình bà Anh là 745.517 đồng. “Tôi có thắc mắc với tổng đài chăm sóc khách hàng của Điện lực TP.HCM, nhân viên tại đó giải thích rất rõ là do lượng điện tiêu thụ của gia đình tăng mạnh, nhảy “full” bậc 5 và sang bậc 6 hơn 180 kWh, nên tổng hóa đơn tiền điện tăng mạnh”, bà Anh cho hay. Theo trang công cụ tính hóa đơn tiền điện của ngành điện, đối với điện sinh hoạt tính theo 6 bậc, trong đó giá bậc thấp nhất là 1.806 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), từ bậc 5 có giá 3.050 đồng/kWh và bậc 6 là 3.151 đồng/kWh. Đáng lưu ý, trong tháng 3, hộ bà Anh chỉ có 20 kWh rơi vào bậc 5, trong khi hóa đơn tháng 4 có 100 kWh ở bậc 5 và hơn 180 kWh ở bậc 6 – mức giá điện cao nhất trong 6 bậc. Số liệu của EVNHCMC cho thấy 75% hộ gia đình đang dùng điện từ bậc 4 trở lên, giá điện tại bậc 4 là 2.729 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng/kWh. Tức có ít nhất 75% khách hàng dùng điện tại TP đang trả tiền điện cao hơn mức giá bình quân theo quy định. Thực tế, từ đầu tháng 4, ngành điện TP đã liên tục có những cảnh báo gửi tới các khách hàng rằng hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài liên tục, với nền nhiệt trung bình trên 35 – 40 độ C vào buổi trưa. Thời tiết cực đoan đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt điện… tại các công ty, xí nghiệp và hộ gia đình tăng, từ đó khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy EVNHCMC khuyến cáo khách hàng, các hộ gia đình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước… Hôm qua, TP.HCM đã có mưa chuyển mùa. Tuy nhiên, nắng nóng vẫn hết sức gay gắt và dự báo chưa giảm ngay nên nỗi lo hóa đơn tiền điện ở mức cao sẽ còn tiếp tục với người dân các tỉnh phía nam. Trước tình trạng điện thương phẩm tăng mạnh, năm nay TP.HCM tiếp tục đề nghị các cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc. Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22 giờ; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ. Theo Thanh Niên Online