Ngân hàng: Ngành tiêu điểm đầu tư


Với dự báo lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi tăng trưởng 15,3%, định giá của các cổ phiếu “vua” vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/B hiện là 1,6 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm gần đây. Vì vậy, ngân hàng nhiều khả năng sẽ là một trong những ngành tiêu điểm cho câu chuyện đầu tư 6 tháng cuối năm nay.

Tín dụng dần khởi sắc

Theo thống kê kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần đang niêm yết, tổng thu nhập hoạt động trong quý I/2024 tăng 7,6%, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 8,1%, thu nhập ngoài lãi tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính, cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 1,9% so với đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% của cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số chi phí trên thu nhập trung bình các ngân hàng niêm yết giảm xuống mức 31,6% trong quý I/2024 so với mức 32% của quý I/2023, đưa lợi nhuận trước dự phòng quý đầu năm nay tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí trích lập của các ngân hàng niêm yết trong quý I/2024 tăng 5,4%, đưa lợi nhuận sau thuế tăng 9,6%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng 0,6%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi có khởi động chậm trong quý đầu năm 2024, tín dụng bắt đầu tăng tốc từ tháng 4 và đạt xấp xỉ 6% tính đến cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% khi kết thúc năm 2024, nhờ nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm quý II/2024 vượt qua hầu hết các dự báo thị trường trước đó (khoảng 6,1 – 6,5%). Đây cũng là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ quý II/2022, được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành sản xuất.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, đóng góp 44% vào tổng mức tăng GDP. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp và xây dựng trong nửa đầu năm 2024 là mức cao thứ hai kể từ năm 2020. Ngành dịch vụ tăng 6,6%, cao hơn so với mức 6,3% của cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 49,8% vào mức tăng GDP. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 6% vào mức tăng GDP.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ có diễn biến khác nhau giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có lợi thế để đẩy mạnh tín dụng bao gồm: một là, các ngân hàng đang có biên lãi ròng (NIM) cao và có thể giảm lãi suất cho vay để thu hút tín dụng như VPB, MBB, TCB, HDB; hai là, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt đã được kiểm chứng từ thời dịch Covid-19 đến nay như ACB, VCB, TCB, giúp vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo khi tín dụng tăng trưởng nhanh hơn.

Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% khi kết thúc năm 2024, nhờ nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% khi kết thúc năm 2024, nhờ nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế

… nhưng biên lãi ròng có thể giảm

Số liệu thống kê 26 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết (ngoại trừ NAB) cho thấy, NIM trung bình đạt 3,22% trong quý I/2024, giảm 0,03% so với cuối năm 2023 và giảm 0,42% so với mức đỉnh trong quý IV/2022.

NIM giảm xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Một là, cầu tín dụng trong quý I/2024 ở mức thấp khi các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn e ngại với triển vọng kinh doanh và thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Tính đến cuối tháng 3/2024, tín dụng tăng trưởng dương 0,26%, sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,06% của quý I/2023. Vì vậy, các ngân hàng thương mại đều hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2024, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới là 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác, qua đó tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm vốn tín dụng ở ngân hàng khác, hay yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố lãi suất các khoản vay mới…, các động thái này làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường tín dụng, dẫn đến lãi suất cho vay giảm.

Tôi cho rằng, NIM chung của ngành ngân hàng không dễ cải thiện trong các quý còn lại của năm 2024. Bởi lẽ, lãi suất huy động đã hoàn thành chu kỳ giảm, trong bối cảnh cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn kể từ giữa năm 2024, với triển vọng sản xuất và đầu tư tăng tốc trong những tháng cuối năm. Thực tế, từ tháng 4 đã xuất hiện một số ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ tăng lãi suất huy động 0,2 – 0,3%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng (sau đó, nhiều ngân hàng khác có động thái tương tự). Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân dần rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Chúng tôi dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng thêm 0,5%/năm, lên mức 5 – 5,5%/năm trong nửa sau năm 2024.

Các ngân hàng có lợi thế để đẩy mạnh tín dụng bao gồm ngân hàng đang có biên lãi ròng cao và có thể giảm lãi suất cho vay để thu hút tín dụng, hoặc có chất lượng tài sản tốt.

Thứ hai, lãi suất đầu vào tăng song lãi suất cho vay chưa bắt nhịp với đà tăng này, nhiều khả năng sẽ duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Nhìn dài hạn hơn, tôi nhận định, xu hướng NIM sẽ giảm trong tương lai khi các ngân hàng thương mại dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ cho vay truyền thống sang dịch vụ tài chính, lúc đó thu nhập ngoài lãi từ phí, dịch vụ, đầu tư… sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng thu nhập của ngân hàng.

Ngoài ra, khi ngân hàng thương mại Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực Basel III thì việc nâng cao các tiêu chí về bộ đệm vốn và bộ đệm thanh khoản như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản… cũng sẽ làm giảm NIM. Xu hướng này có thể nhìn thấy rõ ở tỷ lệ NIM các ngân hàng thương mại trong khu vực như Thái Lan (2,7 – 3%), Malaysia (2 – 2,1%), Trung Quốc (2%), Singapore (1,8%).

Tôi nhận thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã kém đi trong quý I/2024 so với cuối năm 2023. Dư nợ nhóm 3 – 5 của các ngân hàng niêm yết tăng 0,28% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,33% so với quý liền trước (ngoại trừ NVB), trong khi nhóm 2 có dư nợ giảm 0,7% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản suy giảm khiến các ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng trong quý đầu năm 2024 thêm 5% so với cùng kỳ. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ vào cuối năm 2024.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: