Tăng trở lại, giá gạo Việt cao nhất thế giới


Sau khi mở kho vào cuối tháng 9, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là những ngày gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới vẫn “sốt”. Trong đó, gạo Việt đã tăng giá và trở lại ngôi vị cao nhất thế giới.

Xuất khẩu gạo lần đầu cán mốc kỷ lục 5 tỉ USD

Vào thời điểm hiện tại, nhiều nông dân miền Tây đã thu hoạch xong lúa vụ 3 và đang xuống giống vụ đông xuân. Tại vựa lúa An Giang, ông Nguyễn Thành An (ở xã Tân Tuyến, H.Tri Tôn) đang xuống giống vụ đông xuân được 10 ngày. Đây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên ông cũng như bà con nông dân trong vùng rất trông đợi sẽ gặp nhiều thuận lợi, tiếp tục trúng mùa được giá. Hiện tại, thời tiết thuận lợi và nước tưới đảm bảo nên mạ mới lên xanh tốt, hứa hẹn sẽ là một vụ trúng mùa.


Ấn Độ tăng xuất khẩu nhưng giá gạo thế giới vẫn nóng trở lại

ẢNH: CÔNG HÂN

“Vừa rồi, vụ thu đông thu hoạch gặp lúc giá giảm nên chỉ bán được 8.000 đồng/kg, giống lúa 5451. Đến khi mình cắt thì giá tăng lên 8.400 – 8.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do mình nhận cọc từ trước nên vẫn phải giao để giữ uy tín còn làm ăn lâu dài. Khoảng hơn một tuần nay, thấy thương lái và bà con còn lúa bảo giá tiếp tục tăng 100 – 200 đồng/kg tùy loại. Nguyên nhân là lúa vụ 3 ở vùng này đã thu hoạch xong gần hết, ai làm muộn chưa thu hoạch cũng đã nhận cọc hết rồi và chuẩn bị gặt nên lúa hàng hóa không còn nhiều”, ông An giải thích.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ở ĐBSCL, giá gạo hiện tăng khoảng 5 – 10 USD/tấn so với tuần trước do đã vào cuối vụ thu hoạch lúa vụ 3, gạo nguyên liệu nội địa không còn trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo tiếp tục tăng. Tăng mạnh nhất là các loại gạo thơm, chất lượng cao như các dòng ST24, ST25 do thị trường nội địa tiêu thụ mạnh dịp cuối năm. Với các loại gạo thông dụng, các doanh nghiệp đang thu gom để trả đơn hàng cho thị trường Indonesia trúng thầu gần 100.000 tấn hồi đầu tháng này. Bên cạnh đó, “khách ruột” Philippines và nhiều thị trường khác đều đang có nhu cầu tăng mua.

Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo VN vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đang ở mức 522 USD/tấn, tăng 4 USD so với đầu tuần. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan cũng tăng 3 USD lên mức 490 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 3 USD lên 458 USD/tấn và Ấn Độ tăng 2 USD lên 450 USD/tấn.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan VN, tính đến ngày 15.11, xuất khẩu gạo của VN đã vượt số lượng 8 triệu tấn, gần tương đương với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023. Đáng chú ý hơn là kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên trong lịch sử vượt 5 tỉ USD. Đạt được thành tích này nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục, vì sao giá gạo vẫn tăng?

Bối cảnh của thị trường gạo gây bất ngờ cho giới quan sát bởi trước đó, việc Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – “mở kho” gây lo ngại về giá gạo trên thị trường. Thế nhưng thực tế thì ngược lại. Bất chấp nước này xuất khẩu kỷ lục, giá gạo thế giới vẫn tăng.


ĐBSCL đã thu hoạch gần xong lúa vụ 3, đang đẩy mạnh xuống giống vụ đông xuân

Tờ The Indian Express dẫn nguồn Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết: Trong tháng 10, xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tăng đột biến nhờ Ấn Độ dỡ bỏ hoàn toàn chính sách hạn chế xuất khẩu gạo vào ngày 28.9. Sự tăng trưởng mạnh trong tháng 10 cũng góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu gạo lũy kế trong những tháng đầu năm tài chính 2024 – 2025 của Ấn Độ đạt gần 6,3 tỉ USD, tăng gần 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn Độ mở kho gạo đã khiến thị trường thế giới giảm giá mạnh trong tháng 10. Tuy nhiên như nói ở trên, giá gạo thế giới đã tăng trở lại. Theo một số chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhu cầu gạo của các nước tiếp tục tăng. Thứ hai là lo ngại về chính sách vĩ mô đối với nhập khẩu và tài chính.

Với nguyên nhân thứ nhất, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau khi kết thúc đợt đấu thầu nửa triệu tấn hồi đầu tháng 11 đang xem xét nhập thêm 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong thời gian tới. Một thông tin đáng chú ý là Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bapanas) đang xem xét việc áp thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 0% lên 12%; sẽ không đánh trực tiếp mà tính thuế gián tiếp lên các khâu và dịch vụ trung gian trong lĩnh vực này.

Tương tự, Sri Lanka, quốc gia có diện tích sản xuất lúa khá lớn ở châu Á, mới đây thông báo sẽ nhập 70.000 tấn gạo để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhu cầu nội địa. Không chỉ có Sri Lanka mà các nước nhập khẩu gạo đều có nhu cầu tăng mua hàng vì thời tiết bất lợi, nắng nóng gay gắt, bão mạnh dồn dập vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, hiện tượng La Nina gần như sẽ không xuất hiện như những dự báo trước đó khiến vấn đề an ninh lương thực càng trở nên quan trọng với nhiều quốc gia. Thời tiết bất lợi sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao.

Đối với nguyên nhân thứ hai, có thể thấy khá rõ là từ khi có kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ thì giá gạo bắt đầu tăng trở lại do USD tăng giá. Giá USD tăng khiến các nước nhập khẩu phải bỏ nhiều tiền hơn để mua một lượng hàng hóa như trước.

Điều này có thể thấy với nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines. Theo báo chí nước này, trước kia chỉ 55 peso đã đổi được 1 USD thì nay phải mất tới gần 59 peso (ngày 19.11 là 58,81 peso ăn 1 USD). Đồng tiền mất giá, thêm vào đó trong tháng 11 này Philippines đón liên tiếp đến 4 cơn bão và bị ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nội địa. Chưa hết, Philippines đang áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo 15% thay vì 35% như trước; khuyến khích tăng nhập khẩu gạo để bình ổn giá nội địa. Tuy nhiên, mới đây một số quan chức cũng như cơ quan quản lý nước này có ý kiến về việc cần tăng thuế nhập khẩu hoặc ít nhất phải xem xét lại chính sách và điều chỉnh theo chu kỳ mỗi quý một lần. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của các thương nhân Philippines tăng thêm trong thời gian tới để tranh thủ trước khi có thay đổi chính sách và tiền mất giá.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ nhập khẩu đến 5 triệu tấn gạo trong năm 2024, tăng đến 300.000 tấn so với các dự báo trước đó và tiếp tục tăng đến 5,1 triệu tấn gạo trong năm 2025. Ngoài ra, dự báo Trung Quốc cũng sẽ quay lại thị trường sau nhiều năm hạn chế mua khi giá gạo tăng cao.

Tất cả các yếu tố này đang tạo lợi thế cho xuất khẩu gạo của VN, cả về lượng và giá.

Thái Lan chắc ngôi á quân

Cập nhật của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho thấy giá gạo cuối tuần qua tăng bình quân khoảng 5 USD/tấn so với giữa tháng 11, còn gạo đặc sản Hom Mali tăng tới 21 USD/tấn. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, lũy kế xuất khẩu gạo trong 10 tháng của năm 2024 đạt gần 8,4 triệu tấn, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến trong cả năm sẽ xuất khẩu hơn 9 triệu tấn, kim ngạch tương đương 6,4 tỉ USD.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: