Hơn 25 năm làm nghề, ông Phùng Quang Oánh (46 tuổi, quận 7, TP HCM) đã tạc hàng chục nghìn con rối nước phục vụ các phường múa rối trong Nam ngoài Bắc. Thăm làng nghề “mành trúc” hiếm hoi ở Sài Gòn 7 ngành nghề giúp bạn dễ dàng kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp Xuất thân từ vùng quê Chương Mỹ, Hà Tây (cũ), ông Oánh đến với nghề tạo hình rối nước từ những lần xem phường múa rối Thạch Thất biểu diễn ở Chùa Thầy, gần quê ông. Đến khi học Cao đẳng Nhạc họa Trung ương Hà Nội, ông Oánh đã mày mò và học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân để làm ra những con rối nước đầu tiên. Năm 2007, ông cùng vợ vào Sài Gòn với hy vọng đưa những con rối của miền đồng bằng Bắc Bộ đi xa hơn. Theo ông, nghề tạc rối nước khác rất nhiều so với nghề tạc tượng đơn thuần. “Tạc rối nước không khó, nhưng cũng không phải dễ. Điều quan trọng là người thợ phải làm ra hồn cốt của con rối mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng miền, dấu ấn lịch sử. Mỗi con rối nước đều có thần thái tươi vui, hóm hỉnh, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người lao động”, ông phân tích. Ông Oánh cho biết trong thời gian làm nghề, đã có những lúc cảm thấy nản vì tạc tượng rối đang ngày càng mai một. “Tôi có hai con trai nhưng chúng cũng không mặn mà với nghề vì làm không đủ ăn. Bản thân tôi, ngoài việc tạc rối nước, còn phải làm thêm nhiều nghề khác như tạo hình sân khấu, tu sửa các đền chùa mới đủ sống và theo đuổi đam mê”, ông Oánh tâm sự. “Với những con rối có hình dáng quen thuộc, tôi có thể làm rất nhanh. Còn với những hình tượng mang dấu ấn của vùng miền văn hóa mới, tôi phải tham khảo thêm sách báo, đi thực tế mới có thể hình dung và tạc giống được”, ông Oánh chia sẻ thêm. Nguyên liệu để tạc rối nước thường là gỗ sung vì loại này nhẹ, bền, ít thấm nước và có thể phơi khô nhanh. Theo ông, tạo hình trên gỗ là khâu khó và mang tính quyết định nhất để làm ra một con rối nước. Phủ sơn mài và giấy bạc là công đoạn không thể thiếu đối với những con rối khi được đẽo tạc xong nhằm tạo sự phản quang khi trình diễn dưới ánh đèn sân khấu. “Người thợ phải phủ ít nhất 10 lớp sơn đối với mỗi con rối. Vì vậy, tạc một con rối nước chỉ mất 3 ngày, nhưng để làm ra một con rối nước hoàn chỉnh, có hồn phải mất đến 15 ngày”, ông nói. Những con rối nước được bài trí trong một góc nhà trọ của vợ chồng ông Oánh. Ông cho biết suốt 25 năm làm nghề, ông đã làm khoảng vài chục nghìn con. Theo ông, điểm đặc trưng nữa của rối nước là chúng có thể chuyển động linh hoạt. “Để làm được điều đó, người thợ phải tính toán chi tiết khi làm các bộ phận, khớp nối”, ông tiết lộ. Những con rối nước mang nét văn hóa Nam Bộ trong bộ sưu tập rối nước của ông Phùng Quang Oánh. Ông chia sẻ, tâm nguyện lớn nhất của bản thân là làm một bảo tàng thu nhỏ để trưng bày sân khấu múa rối nước cùng những con rối mang đủ nét văn hóa vùng miền trên cả nước. Ngoài việc phục vụ các phường múa rối, ông Oánh còn nhận làm rối theo yêu cầu của khách. Theo ông, loại rối biểu diễn có giá dao động từ 300.000 đồng đến 1,8 triệu đồng, còn rối trưng bày có giá 150.000-300.000 đồng. Ông Oánh trình diễn rối cạn trước khi bàn giao hàng cho khách. Mới đây, ông được một công ty nước ngoài đặt làm rối cạn với giá bán 5 triệu đồng một con. “So với rối nước, những con rối cạn mang nét hiện đại, màu sắc và thần thái Tây hơn, vì thế giá cả cũng cao hơn”, ông cho biết. Những ngày này, xưởng rối của ông Oánh trở thành địa chỉ văn hóa được nhiều bạn trẻ tìm đến. “Có ngày tôi tiếp 200 sinh viên đến tìm hiểu, quay video phóng sự để làm bài tập cuối kỳ về múa rối nước. Nhiều lúc thấy mệt nhưng cũng cố gắng tiếp vì tôi cũng từng trải qua thời sinh viên nên hiểu hoàn cảnh các bạn”, ông Oánh tâm sự. Theo vnexpress.net