Từ sáng đến tối, gần như quanh năm, ba tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (Q.5, TP.HCM) lúc nào cũng phảng phất mùi hương. Một chiều dạo phố đi bộ Nguyễn Huệ có gì vui? Chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi tại TP HCM Khách hàng tới đây có thể thoải mái lựa chọn và tự tay bốc các loại dược liệu đông y mà mình cần – Ảnh: LĨNH HỒNG Đủ mùi vị bảng lảng: tía tô, kinh giới, bạc hà, đỗ trọng, táo đỏ, đinh… Đây là khu phố chuyên bán thuốc và dược liệu đông y lớn nhất nước. Mới đây, UBND TP.HCM cùng Sở Du lịch TP và các công ty du lịch lữ hành đã có chuyến khảo sát dọc tuyến phố đông y và gợi mở hướng phát triển khu phố này thành điểm du lịch cho du khách trong và ngoài nước, coi đây là một điểm nhấn níu chân du khách. Trăm năm cũ – mới Khi phát triển theo mô hình phố đông y kiểu mẫu từ tháng 12-2016, những hiệu thuốc tại đường Lương Nhữ Học khang trang hơn. Dọc tuyến đường, các cửa hàng kinh doanh thuốc đều niêm yết bảng giá, nhân viên bán thuốc của các cửa hàng ăn mặc chung đồng phục màu xanh lá cây. Ở hai tuyến đường khác là Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông, các chủ tiệm cũng đang rục rịch sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Ông Ngụy Hữu Lợi, khách hàng đến từ Bình Dương, từ sáng sớm đã chạy xe máy lên phố đông y tìm mua thuốc bắc. Ông Lợi cho biết các cửa hàng đều giao hàng tận nhà, nhưng ông thích đến đây đi dạo, tận hưởng không khí rồi mua sắm như một thú vui. Ông đã quen với nơi này gần chục năm nay. “Buôn bán lấy hàng lâu năm quen rồi, thỉnh thoảng lên đây… ngửi mùi thuốc cho đỡ nhớ, chưa kể trò chuyện với y sĩ học lỏm kinh nghiệm về giúp bà con ở dưới quê” – ông nói. Trên đường đi làm, anh Nguyễn Thanh Tuấn (Q.10, TP.HCM) tranh thủ tạt qua mua một ít nấm linh chi. Anh Tuấn cho hay anh không biết nhiều về lịch sử con đường, chỉ biết đây là khu phố bán thuốc đông y nổi tiếng mà mọi người vẫn truyền tai nhau. Anh thường hay tới đây mua thảo dược và thực phẩm chức năng về sử dụng hoặc biếu người thân, bán cho người quen. Khi biết nơi này sắp trở thành điểm du lịch, anh Tuấn hào hứng: “Được vậy hay quá. Nhiều cơ quan quản lý quan tâm, khách nước ngoài lui tới, người đi mua thuốc về bán như tôi cũng yên tâm hơn về chất lượng”. Tìm đến phố đông y còn có người chở cây thuốc nhà trồng lên bán. Ông Nguyễn Tuấn Hùng (H.Củ Chi, TP.HCM) chở một ít lá mật gấu, lá sen… tự trồng đến bán. Vừa dỡ những kiện hàng, ông Hùng vừa tâm sự: “Hàng của mình không nhiều, nhưng mấy chủ hiệu ở đây cũng mua vì muốn tạo điều kiện cho người nghèo như chúng tôi. Có khi ốm đau, tôi đem hàng lên họ còn cho đổi thuốc về uống nữa”. Ít người nhớ những con đường bán thuốc đông y hình thành chính xác từ khi nào, chỉ nhớ mang máng có từ khi người Hoa bắt đầu di cư tới đây sinh sống, ước cả trăm năm. “Sau năm 1975, nhiều người ở miền Bắc, Trung, Nam đổ về, người làm nghề kinh doanh thuốc đông y đã đa dạng hơn nhiều, không chỉ có người Hoa như xưa nữa. Ngay ngã tư Hải Thượng Lãn Ông và Lương Nhữ Học trước kia là một bùng binh lớn, mọi người tập trung rất đông ở đó để bày bán thuốc nam, bắc” – ông Thái Kiệt, chủ nhà thuốc Bá Thảo Linh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, cho biết. Nhà thuốc Bá Thảo Linh được cha ông Kiệt mở từ năm 1960. Gần 30 năm làm nghề, ông Kiệt tâm tình: “Lâu nay một số người làm ăn giả dối, vàng thau lẫn lộn để nhiều tiệm thuốc làm ăn đàng hoàng ở đây bị mang tiếng xấu. Ý tưởng lập phố đông y thành ra hay. Các cửa hiệu tập trung về một khu vực, cùng cạnh tranh, khi đó dễ đào thải, loại trừ những tiệm thuốc làm ăn gian dối. Bệnh nhân cũng dễ dàng tìm đúng chỗ khám chữa bệnh uy tín”. Hướng đến làm du lịch chuyên nghiệp Bà Nguyễn Thị Kim – chủ cửa hàng thuốc đông y Hiệp Phát, đường Hải Thượng Lãn Ông – cho biết nghe tin con đường được quy hoạch thành phố đông y rồi phát triển du lịch, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì chắc chắn tình hình buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Lo bởi bà không biết tiếng Anh để giao tiếp. Bà Kim nói: “Nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài từng ghé tham quan nhưng nhanh chóng rời đi vì mình không giao tiếp với họ được. Trong khi đó, hướng dẫn viên đi cùng không có kiến thức về đông y nên đành bó tay”. Bà Kim cũng như nhiều hộ kinh doanh khác ở đây mong muốn được chính quyền hỗ trợ về khâu này để phục vụ du khách tốt hơn. Nằm ngay ngã tư Hải Thượng Lãn Ông và Lương Nhữ Học, hiệu thuốc Nhân Ái cũng mở gần 30 năm nay. Ông Phạm Nhân Ái, chủ hiệu, đề xuất: “Ở các phố đông y bên Trung Quốc, du khách được xem tận mắt quy trình chế biến dược liệu, chẩn mạch, bốc thuốc. Ở đây cũng cần có những hoạt động có tính chất trình diễn như vậy”. Bà Lê Thị Loan, trưởng Phòng kinh tế UBND Q.5, cho biết khi xây dựng đề án về phố đông y, Q.5 đã có bước khảo sát lấy ý kiến người dân – đặc biệt là những hộ tham gia đề án. Cấp quận, cấp phường và Hội Đông y của quận cùng phối hợp làm ra “bộ nhận diện” bao gồm logo, bảng hiệu, đồng phục nhân viên, bảng niêm yết giá… theo một quy chuẩn chung để trang bị cho tất cả cửa hàng tham gia đề án. Đặc biệt, hàng hóa bày bán ở phố đông y phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Nói về kế hoạch dài hơi hơn, bà Loan cho biết Q.5 đang có kế hoạch thiết kế một số sản phẩm du lịch mới, tiến tới xây dựng một tour tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng ngay tại địa bàn quận. Tham quan tour du lịch này, du khách sẽ được thưởng thức các món điểm tâm đặc trưng theo phong cách người Hoa, đến thăm các hội quán, chùa chiền, di tích độc đáo của Q.5, tham quan mua sắm tại các khu phố chuyên doanh (ngoài phố đông y sẽ có các phố vàng bạc đá quý, phố thời trang…) và nghỉ ngơi tại các khách sạn 3-5 sao ngay tại Q.5. Hiệu thuốc cổ truyền và những căn nhà cổ Theo thông tin từ Phòng kinh tế Q.5, hiện có hơn 120 cơ sở kinh doanh về đông y trên các tuyến đường của P.10, Q.5. Phố đông y nằm trong khu vực có nhiều ngôi nhà kiến trúc cổ xưa, nên hoàn toàn có tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Đề án sắp xếp, quản lý và phát triển phố đông y trên địa bàn Q.5 đã hoàn tất, hiện triển khai thí điểm trên tuyến đường Lương Nhữ Học. Theo kế hoạch, trong năm 2017 Q.5 sẽ tiếp tục triển khai ở tuyến đường Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông. Theo TTO