Từ tủ thuốc treo ngay ở đầu hẻm, bình nước uống hay xe ôm, vá xe… cho đến cả dịch vụ mai táng, cái gì trong con hẻm nhỏ này cũng đều được ghi rõ là “miễn phí”. Nhờ nó mà những người nghèo khổ, những người khuyết tật khó khăn, mỗi khi đi qua đây lại thấy ấm lòng hơn… Những ai đi ngang qua con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) sẽ không khỏi bất ngờ với hình ảnh chiếc tủ thuốc từ thiện được treo ngay đầu hẻm. Chiếc tủ thuốc này đã xuất hiện ở đây hơn 10 năm nay, do người dân trong hẻm chung tay, góp sức dựng nên. Người có tiền thì góp dăm ba chục nghìn, người không có tiền thì góp vỉ thuốc, chai dầu gió, cuộn băng keo y tế… Tuy đơn sơ, giản dị nhưng nhờ chiếc tủ thuốc này mà có biết bao người đi đường được giúp đỡ kịp thời. Tủ thuốc từ thiện được người dân treo ngay đầu hẻm để cứu giúp những người chẳng may gặp nạn. Bác Đỗ Văn Phúc (SN 1965, chạy xe ôm ở con hẻm này đã hơn 30 năm) cho biết: “Con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận nên hằng ngày có rất đông phương tiện giao thông qua lại. Vì thế, có nhiều trường hợp bị tai nạn, người thì trầy tay, xước chân, xây xát mặt mũi, người thì bị xỉu ngay tại chỗ. Những trường hợp như thế đều được mọi người dìu vào hẻm này sơ cứu, bôi thuốc sát trùng, cầm máu trước khi chuyển đến bệnh viện”. Bình nước uống miễn phí và tấm biển bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật. Bác Phúc cho biết thêm, không chỉ người bị tai nạn mà cả những người buôn gánh bán bưng, chạy xích lô, bán vé số…đi ngang qua đây chẳng may bị xỉu vì bị trúng gió, cảm nắng cũng được người dân dìu vào hẻm để cạo gió, xoa dầu, nghỉ ngơi một lát cho khỏe lại rồi lại tiếp tục công việc của mình. Hàng ngày, rất nhiều người qua đường đã ghé lại đây để uống nước. Em Long (16 tuổi) chia sẻ: “Nhà em có 5 anh em. Mỗi ngày, hai anh em em đều chở nhau trên chiếc xe đạp đi bán vé số mưu sinh. Nhiều lúc khát khô cả cổ nhưng không dám ghé mua chai nước vì sợ tốn tiền. Em còn phải để dành tiền để lo cho mấy đứa em ở nhà nữa. Nhìn thấy bình nước đá lạnh miễn phí ở hẻm này thì mừng lắm, nhẹ cả người. Vậy là khỏi phải tốn tiền mua nước” Người dân trong hẻm này đa số cuộc sống còn khó khăn, vất vả nhưng dường như với họ, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã ngấm vào máu thịt. Cứ thấy tủ thuốc vơi đi là không ai bảo ai, họ đều tự nguyện bổ sung vào để thuốc không bao giờ bị hụt. Anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1967, thợ sửa xe ở con hẻm này) cười bảo: “Mọi người ở đây tuy nghèo nhưng tình nghĩa lắm. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, có người chỉ bỏ công. Nhưng chủ yếu là tấm lòng thiện nguyện, họ sẵn sàng nhịn ăn để lấy tiền mua vài vỉ thuốc ủng hộ, giá trị của tình người, của tinh thần tương thân tương ái còn cao hơn nhiều lần so với giá trị vật chất”. Bác Phúc (SN 1955), hành nghề xe ôm ở hẻm 96. Trong suốt 30 năm chạy xe ôm, bác đã chở miễn phí cho không biết bao nhiêu người tàn tật. Chỉ tay vào góc đường, nơi có bình nước miễn phí, anh Hùng cho biết, hằng ngày có rất nhiều người nghèo khổ đi qua đây uống nước. Mỗi ly nước chỉ vỏn vẹn 2.000 đồng nhưng với những người lao động nghèo khổ đó lại là số tiền không hề nhỏ bởi họ phải cố chắt chiu từng đồng bạc lẻ để lo cho gia đình. Nếu như còn mua nước nữa thì sẽ thâm hụt tiền, chiều về sẽ không có tiền đong gạo. Ngoài ra, trong con hẻm này, còn có một đội xe ôm tình nguyện chở miễn phí cho người già, người khuyết tật cần di chuyển trong nội thành bất kể mưa nắng. Với họ, công việc đó là niềm vui, là trách nhiệm. Anh Hùng (SN 1967) làm nghề vá xe ở đầu hẻm và kiêm luôn việc trông coi bình nước miễn phí. Hằng ngày, anh vá xe miễn phí cho rất nhiều người khuyết tật. Cũng tại hẻm này, nhiều người ngạc nhiên xen lẫn tò mò với một tấm biển có nội dung: “Vạn Phúc – Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24, kể cả ngày lễ, tết và Chủ nhật”. Thấy chúng tôi khá tò mò, một người dân ở đây đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến gặp “chủ nhân” của tấm biển ấy. Đó là anh Nguyễn Văn Úc (SN 1963) và hiện đang làm nghề xe ôm. Nhờ vào lời “rao” của anh Úc mà hàng chục người đã có “nơi yên nghỉ” đàng hoàng. Khi chúng tôi đề cập đến tấm biển, anh nhớ lại: “Lúc xưa, tôi làm nghề xe ôm, trong một lần chở khách đi xa về thì gặp cướp. Bọn chúng đánh tôi ngã xuống, tụ máu trong não. Lúc đó, vì nhà quá nghèo, không có tiền đi bệnh viện nên tôi cứ để mặc cho số phận. Nhưng đầu tôi càng ngày càng đau, không làm được việc gì cả. Sau đó, gia đình tôi cố vay mượn để tôi đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận tôi bị tụ máu bầm trong não, tôi còn sống là một may mắn lớn. Từ đó về sau, tôi nguyện suốt đời làm việc thiện để giúp đỡ người khác”. Anh Úc cho biết, ở khu vực này, người dân nghèo vô gia cư hay đến xin ăn ngủ ở vỉa hè, sống lê lết ngoài đường. Có nhiều trường hợp nửa đêm đột tử mà không có họ hàng thân thích đứng ra lo liệu, anh không đành lòng nhìn thấy cảnh thân xác của những người này bị công ty môi trường đến dọn dẹp, nên đã nảy ra ý nghĩ lo chuyện hậu sự cho họ. Anh Úc với công việc chạy xe ôm hàng ngày để kiếm sống. Mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng đối với anh, có thể mang lại hạnh phúc cho người khác là một niềm vui lớn. Vì chưa có điều kiện, anh Úc không ngại vất vả, đi vận động từng cơ sở trại hòm. Thấy được tấm lòng lương thiện của người đàn ông khắc khổ, nhiều cơ sở đồng ý giúp anh. Từ đó đến nay, anh cũng đã lo chuyện hậu sự cho hơn chục trường hợp. Đối với những người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn thì anh giúp đỡ họ bằng chiếc hòm, có khi đưa đi hỏa táng luôn. Với người vô gia cư, anh Úc lo từ đầu tới cuối, giúp họ sớm được siêu thoát. “Họ cơ cực một đời rồi, khi chết đi cũng cần tử tế, bình yên để về với đất mẹ. Tôi nghĩ công việc này rất bình thường. Ai có tấm lòng thiện nguyện đều cũng sẽ làm như tôi. Tuy việc làm nhỏ nhoi, nhưng tôi cảm thấy lương tâm thanh thản là được rồi. Tôi vẫn sẽ làm công việc này cho đến khi nào không còn sức lực nữa mới thôi”. Nguồn: Theo Hải Âu / Trí Thức Trẻ