Đường nhạc Sài Gòn sẽ chạy suốt tuyến Alexandre de Rhodes (quận 1), chia thành hai khu vực biểu diễn, giao lưu âm nhạc và trao đổi, mua bán sản phẩm âm nhạc. Sài Gòn xưa với những con đường học trò rời rợi bóng me Sài Gòn mùa hoa Điệp vàng Chiều 29/3, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cho biết quận vừa trình đề án Con đường âm nhạc (đường nhạc) lên UBND TP.HCM xem xét. Theo bà Hường, đường nhạc TP.HCM sẽ được xây dựng thành không gian văn hóa mở cho người dân lẫn du khách đến tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc cũng như trao đổi văn hóa. Ý tưởng được quận đề xuất tại cuộc họp với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và được TP đánh giá cao, đề nghị xây dựng đề án trình UBND TP. Theo nội dung dự thảo, con đường âm nhạc sẽ không làm ở đường Hàn Thuyên như kế hoạch ban đầu, mà chuyển hoàn toàn qua đường Alexandre de Rhodes. Đường Hàn Thuyên được quận 1 đề xuất làm con đường âm nhạc nay không được chọn. Ảnh: G.T. Tuyến đường sẽ được chia thành hai khu vực; từ đường Phạm Ngọc Thạch đến Pasteur sẽ được sử dụng cho các hoạt động mang tính động như biểu diễn âm nhạc, giao lưu; từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ dành cho các hoạt động trưng bày, mua bán, trao đổi các sản phẩm âm nhạc. Theo Phó chủ tịch UBND quận 1, dự kiến đường nhạc TP.HCM sẽ ra mắt công chúng với chương trình Đường ta đi dài theo đất nước vào dịp lễ 30/4 sắp tới. “Quận vừa nghe phản biện của các cơ quan, ban ngành để hoàn thành đề án trình lên UBND TP.HCM. Dự kiến cuối tháng 4 đường nhạc sẽ hoạt động nhưng cụ thể sẽ do UBND TP quyết định, sau khi duyệt đề án”, bà Hường cho biết. Nhóm bạn trẻ đam mê đàn ukulele sinh hoạt tại Công viên 30/4. Ảnh: Huy Trần. Vào mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ, quận sẽ tổ chức nhiều chương trình âm nhạc theo chuyên đề hoặc theo các sự kiện lớn như chương trình âm nhạc dân tộc, giới thiệu tác giả – tác phẩm, nhạc thiếu nhi, ca khúc quốc tế, album trong tháng, giới thiệu nhạc khí Tây Nguyên, ca khúc biển đảo, chuyên đề nhạc phim, nhạc điện tử, breakdance và popping… Sân khấu chính được thiết kế với âm thanh vừa đủ nghe, trong khi ở các khu vực phụ sẽ chơi nhạc cụ mộc hoặc không có âm thanh điện tử, tránh tối đa việc gây ô nhiễm tiếng ồn. Theo quy hoạch, đường nhạc TP.HCM sẽ là một điểm kết nối thêm với đường sách Nguyễn Văn Bình và có thể là khu ẩm thực dự kiến được triển khai trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Đường nhạc sẽ được trang bị Wi-Fi miễn phí và có các kiốt phục vụ nước uống, thức ăn nhanh. Giai đoạn đầu thành lập, lực lượng hoạt động chủ yếu trên đường nhạc Sài Gòn là các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc Trung tâm Văn hóa quận 1, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Sinh viên và các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM. Theo news.zing.vn