Đặt tay trên vai nhân viên là người khiếm thị để di chuyển vào phòng ăn, khi tấm rèm vừa khép lại, bóng tối lập tức bao trùm khiến chị Quyên hoảng hốt dừng chân, quay ra sau nói nhỏ: “Sợ quá, không nhìn thấy gì cả”… Hãy đối xử với người khác bằng cách mà bạn muốn được đối xử Tình yêu cảm động của người chồng cụt chân bán vé số nuôi vợ mù Trước khi vào phòng ăn, nhóm chị Quyên được nhân viên hướng dẫn tham gia trò chơi xếp hình và tìm những đồ vật nhỏ trong khi hai mắt đã bị bịt lại. Mục đích để làm quen và thao tác tốt hơn trong bóng tối. Sau đó, khách sẽ phải cất thiết bị phát sáng như đồng hồ, điện thoại,… bên ngoài rồi mới băng qua lối đi nhỏ, quẹo trái, rẻ phải rồi lại quẹo trái, và ánh sáng giảm dần cho đến khi tắt hẳn. Thực khách trước khi vào phòng ăn sẽ tham gia trò chơi trong khi hai mắt bị che lại. Trò chơi xếp hình giúp khách làm quen với việc cảm nhận trong bóng tối. Khách phải cất các thiết bị phát sáng trước khi vào phòng ăn. Quá trình phục vụ ăn uống đều diễn ra trong bóng tối bởi nhân viên khiếm thị là nét độc đáo tại nhà hàng đặc biệt này. Dù cố mở to mắt để định hướng, thế nhưng chị Quyên và những người bạn đi cùng vẫn không nhìn thấy bất cứ ai, hay thứ gì. Cảm giác hồi hộp tăng dần và có chút sợ hãi khi phải mò mẫm trong không gian tối đen như mực khiến mọi người phải bấu chặt nhau hơn. May thay, anh nhân viên phục vụ dẫn đường tên Tấn khá ân cần, liên tục hỏi han và hướng dẫn đoàn người nhích từng chút cho đến khi thông báo rằng thực khách đã đến bàn của mình. Dùng tay xác định vị trí bàn, ghế, khi đã yên vị, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Toàn bộ nhân viên phục vụ trong phòng ăn tối đều là người mù và khiếm thị. Vũ Anh Tú, 41 tuổi, chủ nhà hàng cho biết, anh cùng cộng sự là Germ Doornbos (người Hà Lan) phải đi tìm nhân viên là người khiếm thị trước, khi có người rồi mới mạnh dạn triển khai mô hình ẩm thực bóng tối đầu tiên tại Sài Gòn. Tú giải thích, chỉ có người khiếm thị mới có những giác quan, cảm nhận đặc biệt và phát huy khả năng tốt nhất trong không gian hoàn toàn không có ánh sáng. Hơn nữa, người khiếm thị sẽ thấy tự tin, hạnh phúc hơn khi trở thành “đôi mắt” cho những người bình thường. Để có thể thao tác thuần thục, 11 nhân viên khiếm thị phải trải qua quá trình huấn luyện bài bản, từ làm quen với phòng ốc, bàn ghế, cách bố trí vật dụng trên bàn ăn, cách bưng bê và cả chuyện làm sao rót nước với lượng vừa đủ để không bị tràn, chai và ly không đụng nhau,… Sau vài phút làm quen bóng tối, chị Quyên được nhân viên hướng dẫn rất kỹ vị trí các vật dụng sẽ được sử dụng trong bữa ăn, nơi nào có thể tìm thấy thức ăn và ăn theo thứ tự nào. Mười lăm phút hồi hộp chờ đợi trôi qua, món khai vị được đưa lên. Có chút lúng túng, chị Quyên đưa tay tìm chiếc muỗng một cách thật cẩn thận, trước mặt là món gì, màu sắc ra sao chị không hề biết, chỉ biết nó dậy mùi thơm. Hành trình khám phá ẩm thực thông qua giác quan bắt đầu, mọi người bàn luận sôi nổi xoay quanh món ăn. Có lẽ, một khi thị giác bị che đi, các giác quan khác sẽ được tận dụng tối đa. Khứu giác trở nên tinh tế hơn. Vị giác trở nên sắc sảo hơn. Thính giác trở nên nhạy bén hơn. Xúc giác cũng trở nên nhạy cảm hơn. Trong một màn đêm đen kịt, tiếng cười, nói dường như vang xa hơn. Khách phải đặt tay lên vai nhân viên để được đưa vào phòng ăn. Tại nhà hàng này, thực đơn sẽ không được tiết lộ trước vì muốn thực khách cảm nhận món ăn nhiều hơn thông qua vị giác và khứu giác, sau đó đoán xem mình đang ăn gì. Tuy nhiên, khách được tư vấn nên chọn cùng một thực đơn để cùng cảm nhận và chia sẻ thông tin. Trong căn phòng tối đó, chị Quyên cũng như những thực khách khác đã có một hành trình khám phá đầy thú vị, có thể ban đầu chỉ là tò mò, nhưng dần là đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác để thấy yêu cuộc sống hơn, và dễ cảm thông hơn với những người khiếm thị khi họ phải sống trong bóng đêm mãi mãi. Lê Anh Tấn (32 tuổi), quê Ninh Thuận đã làm việc tại nhà hàng này được ba năm. Những ngày đầu, Tấn sợ quá, làm gì tay cũng run. Em kể, trong đầu em nghĩ người khiếm thị đi đứng đã khó khăn, làm sao mà phục vụ người khác được, mà lại ở nhà hàng, nhiều khách nước ngoài trong khi em tiếng Anh chỉ bập bõm. Sau hai tháng, Tấn cảm thấy mọi thứ không còn đáng sợ nữa, thậm chí em còn thấy tự hào vì hóa ra có những lúc, tại một nơi mà em trở nên là người quan trọng, có ích cho nhiều người khác. “Trong phòng ăn tối mịt mọi người rất bối rối, không biết phải làm gì, làm như thế nào nên liên tục gọi hỏi em đang ở đâu để đến… ứng cứu. Em thấy rất vui”, Tấn hào hứng chia sẻ. Còn Anh Tú, chủ nhân nhà hàng độc lạ này cho biết, không ít thực khách khi bước ra khỏi phòng ăn, nhìn thấy ánh sáng đã bật khóc ngon lành vì họ nhận ra mình đã bỏ qua quá nhiều thứ trong cuộc sống, như sự thấu hiểu và cảm thông với những người khiếm thị. Hay có những đôi hẹn hò bí mật, lần đầu gặp nhau họ đã chọn nhà hàng này để ăn một bữa ăn mà không nhìn thấy nhau trước, như thế buổi nói chuyện sẽ diễn ra thú vị hơn nhiều. Trải qua hành trình hơn một giờ ngồi ăn trong bóng tối, tuy có chút khó khăn, nhưng chị Quyên cảm thấy hài lòng với những trải nghiệm mới mẻ. Chị chia sẻ, có những điều ngay lúc bình thường khi ăn mình không hề để ý, nhưng tại nơi này nó lại trở nên đặc biệt ý nghĩa. Anh nhân viên mắt sáng đứng bên cạnh mỉm cười, đưa tay mời chị trở lại khu vực trò chơi lúc mới vào để thông tin về những món ăn chị đã được phục vụ. Lắng nghe nhân viên giải thích từng món ăn, chị Quyên bật cười: “Hóa ra món đó là thịt bò, vậy mà khi nãy cứ tưởng thịt dê”… Theo vietnamnet