Với tuổi đời 143 năm, THPT Lê Quý Đôn là trường xưa nhất TP HCM và là nơi xuất thân của nhiều nhân vật nổi tiếng như giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển… Trường THTP nữ sinh lớn nhất Sài Gòn 100 năm trước Vẻ đẹp tinh khôi của nữ sinh ở ngôi trường danh tiếng nhất Sài Gòn Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) được thành lập năm 1874 và hoàn thành năm 1877, với tên gọi Collège Indigène (Trung học bản xứ), không lâu sau đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp lúc bấy giờ, nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em người Pháp. Đây là trường trung học đầu tiên ở Nam Bộ. Điểm nhấn trong khuôn viên trường hiện nay là tượng đài bác học Lê Quý Đôn, được dựng năm 1998. Trước đó, sau nhiều lần mang tên Pháp, năm 1967, trường có tên gọi trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, trường chính thức có tên như ngày nay và thuộc hệ thống công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Những năm đầu thành lập, trường chỉ nhận học sinh người Pháp và giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Đến đầu thế kỷ 20, trường nhận thêm học sinh người Việt có quốc tịch Pháp và chia thành hai khu: học trò người Việt và học trò người Pháp. Vì thế với người Sài Gòn, trường còn có tên gọi khác là Bổn Quốc Sài Gòn. Ảnh: Thieunien.vn Trải qua hơn 140 năm, cảnh quan, lối kiến trúc Pháp trong trường gần như còn nguyên vẹn với dãy lớp học hai tầng hình chữ “khẩu” và những gốc cây xà cừ hơn 100 năm. “Em rất tự hào về trường với những gốc cây khổng lồ và không gian xanh, sạch để nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng”, Thanh Tâm, học sinh lớp 12 trong trường, chia sẻ. Hành lang dãy lớp học của trường mang đậm lối kiến trúc Pháp với khung cửa sổ gỗ sơn màu xanh, tường sơn trắng. Cận cảnh kiến trúc Pháp tại khu nhà trước đây chỉ dành cho học sinh người nước ngoài. Trải qua hơn một thế kỷ, tay vịn, khung sắt cầu thang tại các dãy lớp học vẫn mang đậm nét cổ kính. Không chỉ nổi tiếng về kiến trúc, trường đã đào tạo ra nhiều nhân vật nổi danh như giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Vào niên khóa 1950-1951, cả miền Nam chỉ có trường Chasseloup Laubat (tên gọi lúc bấy giờ) mở lớp luyện thi tú tài toàn phần Pháp cho cả ba ban Triết, Toán và Khoa học, còn các trường trung học khác chưa có đủ khả năng mở lớp này. Bảng vinh danh những học sinh xuất sắc của trường được đặt ngay lối hành lang nhằm khích lệ tinh thần dạy, học của thầy và trò. Ngày nay, trường THPT Lê Quý Đôn có điểm số đầu vào và đầu ra cao nhất TP HCM, đạt nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ thi học sinh giỏi trong và ngoài nước. Tấm bia đá có chữ ký của Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk đặt trước phòng truyền thống của trường, với nội dung Ngài đã từng học tại đây vào năm 1941, khi mới 14 tuổi, trước khi trở về nước để lên ngôi vua. Năm 2010, khi sang thăm Việt Nam, quốc vương Sihanouk muốn về thăm trường cũ và trồng cây lưu niệm nhưng vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được, tấm bia đá đã được Đại sứ quán Campuchia gửi tặng cho trường làm kỷ niệm. “Đội ngũ giáo viên giỏi, nhiệt huyết, cùng thế hệ học sinh luôn nề nếp, phát huy óc sáng tạo đã tạo nên phẩm chất quý báu của ngôi trường ngày nay. Trong thời gian tới, tập thể nhà trường tiếp tục phấn đấu, tăng cường hợp tác với các trường trung học, đại học nổi tiếng trên thế giới, tiếp tục trở thành trường học đi đầu thành phố với mô hình giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế”, thầy Hà Hữu Thạch – Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn – nói.Thầy Thạch cho biết, vừa qua UBND TP HCM đã chấp thuận dự án xây dựng, mở rộng trường nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh và giáo viên, đồng thời bảo tồn công trình di tích của thành phố.Theo hồ sơ thiết kế, sàn xây dựng công trình mới rộng 3.106 m2 gồm khu để xe, phòng kỹ thuật, hoạt động thể chất, sảnh sinh hoạt, nhà ăn… Tổng mức đầu tư dự án hơn 97 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thực hiện đến hết năm 2018. Theo vnexpress