Những ai đã đi qua một thời tuổi thơ, hẳn sẽ không quên được hình ảnh cây cà rem của những ngày thơ bé. Khỏi phải nói, cà rem là một trong những món khoái khẩu nhất của tôi và chúng bạn. Chuyện của chú Ba Sài Gòn – Người đàn ông 40 năm đẩy xe bán chè vỉa hè chỉ bằng một tay Bạc sỉu, di sản Sài Gòn xưa Cũng như bao đứa trẻ nghèo ở quê nhà, tiếng leng keng phát ra từ cái chuông nhỏ xíu gắn trên chiếc xe đạp và những cây cà rem đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ. Hình ảnh ấy còn đi vào cả những giấc mơ của tuổi thơ tôi, từ những ngày nơi quê xa đến khi chập chững những bước chân đầu tiên nơi phố thị. Chiếc xe đạp sườn ngang cũ kỹ, loại dùng để thồ hàng ngày trước, loang lổ những vết sơn theo bao ngày mưa nắng. Nó cũ đến mức tôi cũng không biết tả nó chính xác là màu gì. Phía sau cái boọc ba ga nhỏ, ông bán kem cẩn thận buộc thêm bốn thanh tre dài, hai thanh ngang và hai thanh dọc, để thùng cà rem to khi buộc dây sẽ tạo được thế cân bằng và chắc chắn hơn. Người đàn ông dáng gầy gầy, da đen nhẻm, trông những nếp nhăn khóe mắt và nét khắc khổ trên gương mặt khiến ông già hơn nhiều so với tuổi có lẽ chừng ngoài năm mươi. Bọn trẻ chúng tôi cũng không biết ông tên gì, cứ gọi đại là “Chú cà rem”, đơn giản vậy! Minh họa: P.S Hồi ấy, một cây cà rem có thể nói là cả một niềm mơ ước của trẻ thơ. Được sở hữu cây cà rem là cả niềm hạnh phúc, hãnh diện lớn lao của đám trẻ quê nghèo. Không có tiền mua, bọn tôi vẫn thường rủ nhau đi gom nhặt những chai lọ phế liệu, đồ nhôm nhựa, đi lượm sắt vụn, lượm đồng, gom cả những đôi dép đứt quai để dành sẵn để… đổi cà rem. Có khi mỗi ngày, chú cà rem chạy qua xóm một lần, thường là vào một khung giờ nhất định, khoảng từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến đám trẻ bọn tôi thường trốn giấc trưa, hay có bị bắt ngủ trưa thì cũng chỉ giả vờ nằm nhắm mắt để đó, còn trong lòng thì đang “dậy sóng” bởi mong ngóng tiếng leng keng của chú cà rem. Vậy mà cũng có khi đến ba bốn ngày trời chú cà rem mới đi ngang ngõ một lần. Những khi ấy, vừa nghe tiếng chuông leng keng từ đám ruộng đằng xa, bọn con nít ở xóm ba chân bốn cẳng cắm đầu chạy ra bờ tre ngay góc ngã ba đón sẵn. Cà rem của bọn tôi ngày ấy thường là cây tròn, que làm bằng thanh tre nhỏ xíu, có đầy đủ các vị: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, thiệt lâu mới có thêm cà rem tím nhạt vị khoai môn hay màu vàng của mít, sầu riêng. Chú cà rem thì rất linh hoạt, từ hai trăm, năm trăm đồng đến một, hai ngàn đồng, nhiều tiền hay ít tiền đều có cả. Bởi chú có một thanh tre nhỏ làm chuẩn, cứ đo theo thanh tre mà cắt cà rem, hai trăm từng này, năm trăm đồng thì từng này, một ngàn gấp đôi, cứ thế mà tính. Cả đám xúm xít vây quanh thùng cà rem, xôn xao như bầy ong vỡ tổ: đứa đổi hàng, đứa mua, có đứa không có đồng nào trong túi, chỉ bùi ngùi đứng một góc để xem. Ngặt nỗi, cũng có đứa được cho tiền nhưng khi nghe tiếng chuông đã nhào chạy mà không biết tiền không nằm trong túi. Những lúc ấy, bọn trẻ chúng tôi bỗng dưng yêu thương nhau lạ, có khi hai ba đứa ăn chung một cây cà rem. Dè xẻn đến mức không đứa nào dám cắn, chỉ liếm lớp kem tan chảy, vậy mà cái vị ngọt thơm, mát lạnh ấy thấm mãi… Tiếng leng keng cứ thế đến rồi đi, vang vọng vào tận những ngõ ngách xa xôi. Theo những vòng xe miệt mài, tiếng leng keng và thùng cà rem đã mang đến bao niềm vui bình dị cho trẻ nghèo nơi thôn xóm heo hút, hẻo lánh, mang cả những vui buồn trẻ thơ của chúng tôi vào đó. Khi chiếc xe đã đi rồi, vẫn còn không ít những cặp mắt trẻ thơ ngóng theo, sung sướng, hân hoan, thèm thuồng và chờ đợi. “Cô bé ơi anh nhớ em/ như con nít nhớ cà rem vậy mà/ Như con dế trống đi xa/ Một hôm chợt nhớ quê nhà gáy chơi…”. Nhớ về một thời tuổi thơ nơi miền quê xa ngái, đọc những vần thơ hóm hỉnh này, mấy ai không khỏi chạnh lòng. Trưa chủ nhật Sài Gòn, hơi nóng hầm hập đầu hè khiến không ai muốn bước ra đường. Bọn nhỏ đang say mê trò vui bỗng ngừng bặt rồi nhốn nháo, thò đầu ra cổng mắt dán về hướng đầu hẻm. Leng keng, leng keng. Tiếng cả bọn tranh nhau mở cửa ken két, những tiếng chân chạy uỳnh uỵch. Chính xác là chú cà rem đã tới. Quệt cây kem mát rượi trên đầu lưỡi, lòng bất chợt xốn xang xen lẫn bùi ngùi khi nhớ về những cây cà rem thơ bé. Theo SGGP