Sài Gòn mùa nào cũng yêu…


Như hàng triệu dân nhập cư khác đến và ở lại Sài Gòn, chị cũng đã trải qua bao “mùa” thăng trầm trong cuộc sống ở thành phố này. 

Đi Sài Gòn Mùa Nào Đẹp Nhất?

Sài Gòn có mùa thu chứ?

Đêm mùa đông không lạnh

Sài Gòn mùa nào cũng yêu...

Đối với chị, cái thành phố ban đầu rất đỗi xa lạ và đầy hoài nghi về một tương lai vững chắc ấy, giờ không còn là “quê của người ta” nữa, mà thực sự là nhà của chị – mái nhà thứ hai sau Hà Nội – nơi chị sinh ra và trải qua tuổi thơ với nhiều mơ mộng, hoài bão…

  1. Vừa đủ lớn, chị đã xa Hà Nội sang Đức học về ngôn ngữ và văn học. Nhiều năm ở Đức trong chị vẫn đau đáu về Hà Nội và mong ngày về. Thế nhưng, sau khi học xong chị lại bước sang một ngã rẽ khác. Một quyết định mà lúc đầu với chị là táo bạo và mông lung, nhưng sau bao nhiêu năm, chị lại thầm thán phục mình vì quyết định lúc ấy hoàn toàn không sai. Đó là thay vì về Hà Nội, chị đã theo anh về Sài Gòn.

Chị định nghĩa về Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh rất khác lạ, một đại đô thị xộc xệch, chộn rộn, ấy vậy nhưng trong mỗi ngóc ngách của nó, cứ ẩn hiện những màu sắc tuyệt mỹ mà càng ngắm, càng khám phá lại càng thích thú.  Dường như cái duyên với Sài Gòn bắt đầu từ công việc đầu tiên của chị ở thành phố này – hướng dẫn viên du lịch. Môi trường đã tạo cho chị nhiều cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về thành phố, về con người và đặc biệt về những câu chuyện xung quanh việc hình thành và phát triển của thành phố được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông. Chị tâm sự trong tản văn của mình “…đi lại, giới thiệu và hướng dẫn cho du khách, cứ như nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Gần gũi và thân thuộc đã là cảm giác ngay từ những ngày đầu tiên”. Từ cái ngày đầu tiên ấy, đến nay đã gần 30 năm và Sài Gòn đúng như chị nói, vẫn thân thuộc, gần gũi nhưng lúc nào cũng khiến cho người khác cảm giác lạ lẫm, bất ngờ với “màu của đêm”, “mùi của phố” và của những “miền yêu thương”…

  1. Buổi gặp gỡ bạn bè diễn ra tại một nhà hàng trong con hẻm nhỏ cũ kỹ trên đường Võ Văn Tần, quận 3 thật ấm cúng. Sáng hôm ấy, cái góc nhỏ trong nhà hàng nhỏ đầy ắp tiếng cười, cùng những câu chuyện chị kể về cơ duyên gặp gỡ từng con người trong chuỗi ngày chị đến với Sài Gòn. Hoa, tranh vẽ về hoa của chị khiến không gian thật lãng mạn như chính chủ nhân của bữa tiệc hôm ấy vậy.

Tôi không nghĩ những người bạn của chị ngày hôm đó lại có chung một điểm rất ngộ nghĩnh, đều là fan của chị, những người mê sản phẩm chị vẽ và mê văn chương chị viết sau những chuyến đi thực tế sáng tác. Một người bạn còn bật mí, họ là người sưu tập cả những bức tranh chị vẽ nháp. Đặc biệt ngày hôm đó còn có cả những người thầy truyền cảm hứng và giúp chị thăng hoa trong hội họa. Với tôi, gặp, quen, biết và thân với một người như chị thật thú vị. Càng thân càng phát hiện nhiều tài năng trong con người ấy. Tôi chưa bao giờ thấy chị buồn đến khóc, lúc nào cũng cười, tươi và rất xinh đẹp như thể chị không cho phép mình xấu vậy(?!). Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, người thầy trong hội họa của chị kể, có thời gian chị bệnh và stress nặng… Nếu không nói ra, có lẽ chẳng ai nghĩ ở người phụ nữ luôn tràn đầy sức sống và sự tươi mới kỳ lạ vẫn phải trải qua những “nốt lặng” trong cuộc sống. Chị đến với hội họa hay văn chương đều không vô tình, vì lúc học ở nước ngoài chị đã được trang bị kiến thức ấy và hơn nữa chị thừa hưởng gien của mẹ về hội họa. Lúc chị nghỉ việc tại tổng lãnh sự quán – công việc thứ hai của chị ở Sài Gòn, nhiều người rất bất ngờ trong đó có tôi, nhưng từ đó lại đánh dấu sự thăng hoa của chị – họa sĩ Trần Thùy Linh (ảnh) ở các hoạt động hội họa trong và ngoài nước.

  1. Càng đi sáng tác hội họa, chị lại càng viết nhiều hơn. Hội họa – văn chương choáng hết thời gian của chị, để rồi lâu lâu chị lại phải hứa với những người bạn “hẹn lúc khác gặp nhau nhé”. Chị tâm sự, không hiểu sao viết bao nhiêu là câu chuyện về các chuyến đi, về những người mới gặp, viết nhiều lắm nhưng vẫn thích viết về Sài Gòn, như thể viết bao nhiêu cũng không thấy đủ…

Nếu dùng từ “yêu” để diễn tả cảm giác của chị với thành phố này có thể vẫn còn thiếu, vì chị yêu tất cả, yêu góc phố, yêu con hẻm nhỏ, yêu mùa nắng, mùa mưa và cả mùa thu bất chợt đến với Sài Gòn. Trong tản văn Sài Gòn những mùa yêu được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TPHCM xuất bản và đang có mặt ở hệ thống nhà sách Phương Nam, có đoạn chị viết “… Với tôi, mỗi mái nhà ở Sài Gòn là một nốt nhạc, mỗi con hẻm Sài Gòn là một bản hòa ca. Nhạc vang lên từ đó. Nốt trầm bên nốt cao. Contrabass và violon. Oboe và sáo. Những âm thanh trầm ấm, chói gắt, cận kề bên những giai điệu du dương. Có một điều gì đó thật khó diễn tả, vừa gần gũi vừa xa cách, nhưng chắc chắn là đầy khơi gợi tò mò thú vị trong những hun hút sâu, đa chiều không gian và đậm đặc mùi vị ấy…”. Có người nhận xét đúng, vì tác giả Trần Thùy Linh là họa sĩ nên cách nhìn Sài Gòn của chị đa sắc và ít nhiều duy mỹ. Chị viết về Sài Gòn như viết về chính mình. “…nếu ai tìm một chân dung phố – chân dung mùi của phố – nguyên chất, đồng nhất, hay tìm một từ duy nhất để định nghĩa về nó, chắc chắn người đó sẽ thất vọng, đơn giản vì mùi của thành phố này cũng đa sắc, đa dạng và đa vị như chính nơi nó sinh ra và nuôi dưỡng nó…”.

Cuối năm, lại một mùa yêu thương đang đến. Mặc cho những ồn ào của phố phường, mặc cho sự náo nhiệt của tiếng còi xe và cả mùi khói bụi đến nghẹt thở, Sài Gòn đúng như tác giả cảm nhận là thành phố càng đi xa càng nhớ mùi của nó. “…Với Hà Nội, nơi tôi sinh ra, mọi thứ cứ đương nhiên ngấm. Nhưng Sài Gòn với tôi, luôn là sự khám phá không ngừng. Nếu như Hà Nội là một tình cảm tự thân thì Sài Gòn là sự đam mê đầy lý trí. Đó là Sài Gòn trong mắt tôi!”, chị viết.

Theo sggp


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: