Hãy yêu Sài Gòn như cô tình nhân vì Sài Gòn đã hy sinh vẻ đẹp mình, chấp nhận là nồi lẩu thập cẩm để tất cả mọi người có thể tìm thấy được quê hương mình dẫu đang tha hương. Hôm qua, tôi đọc một bài viết “Nghe người Hà Nội nói về Sài Gòn”. Sẽ chẳng động chạm đến nỗi lòng của ai nếu như người viết không chốt bài bằng một câu kết khiến người ta tặc lưỡi nhăn mày: ”Cuối cùng, người Sài Gòn là gọi chung cho những người sống ở Sài Gòn, bọn Sài gòn gốc thì bị Nguyễn Ánh chiếm đất đuổi đi, bọn Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn người Hà Nội”. Sài Gòn yêu những người dân nơi đây, không phân biệt gốc gác, quê quán Tôi là đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, vẹn tròn 20 năm không ngắn không dài nhưng đủ để cảm nhận hương vị của Sài Gòn qua những nét rất riêng và đủ tự hào đó là quê hương mình. Mặc dù chốn thành thị này người ta hay gọi nó là nồi lẩu thập cẩm với đủ thứ kiến trúc ta, Tây, Tàu. Ngay cả món ăn, bất cứ đặc sản ở vùng miền nào cũng đều có mặt trong thành phố. Thế nhưng, trong đôi mắt của đứa con gái Sài Gòn như tôi, tự thấy quê hương mình thật nhẫn nại và cam chịu. Sài Gòn mang vẻ đẹp tảo tần của người phụ nữ xưa, mang sự quyến rũ của một cô điếm kẹp điếu thuốc giữa hai tay mà phả khói giữa màn đêm vàng vọt ánh đèn. Vì sao thế? Những ngày còn nhỏ, ba hay chở tôi trên chiếc xe Honda 67 khắp những đường lớn của trung tâm thành phố. Ba chỉ những người gánh hàng rong, những người bán dạo lê la khắp quán nhậu với dăm ba bịch đậu phộng, trứng cút, bánh phồng tôm hay cả những người chạy xe máy với thùng si-rô đá bào đầy đủ màu sắc đậu thành hàng dài quanh sông Sài Gòn. Ba mua cho tôi một cây kẹo bông gòn của một chú gốc miền Trung, quê ở Quảng Trị. Ba tôi cũng ở Quảng Trị. Họ nói với nhau về quê hương mình và rồi chú ấy bảo nhớ quê, còn con cái, vợ, mạ ở nhà. Tôi ngơ ngác nghĩ, nhớ thì sao không về mà phải vật lộn nơi đây làm chi, nhưng ba bảo tôi rằng chỉ có ở Sài Gòn, người ta mới có thể gánh hàng rong đi bán mà kiếm sống được. Người nhập cư mưu sinh ở Sài Gòn Một gánh dừa giữa lòng trung tâm, một xe cá viên chiên đẩy ùa vào khu đông đúc hay hàng kẹo kéo đậu nơi quán nhậu và hát những bản nhạc tình, chỉ có ở nơi đây, người ta mới có thể kiếm sống dễ dàng bằng những thứ bỏ ít vốn đó. Thế nhưng, có những người đến đây, mưu sinh rồi sẵn miệng chửi rủa Sài Gòn sao mà ngột ngạt vậy, đi đến đâu cũng kẹt khiến mặt người luôn tắm trong khói bụi. Sài Gòn sao như nồi cám heo vậy, đủ thứ văn hóa xô bồ, đủ thứ món ăn khắp các vùng miền riết rồi mất hẳn gốc, người ta chẳng nhận ra đâu là Sài Gòn nữa… Ừ, nhưng nghĩ mà thương Sài Gòn. Sài Gòn như một người vợ cam chịu, lặng lẽ lo cho chồng mình cái ăn, cái mặc. Một cô vợ miền Nam chiều lòng anh chồng khác quê cứ mang nặng hình bóng của người yêu cũ ở quê nhà. Nên cô vợ Sài Gòn đành bày biện thêm món ăn của quê anh để giữ anh lại. Anh có thể tìm thấy cháo gà nấu với đậu xanh đập vài củ nén, có thể bắt gặp mùi mắm tôm của hàng bún đậu trên vỉa hè, anh cũng có thể thưởng thức bánh bột lọc, bánh bèo, bánh đập với đúng hương vị quê hương. Tất cả những thứ anh thèm, cô vợ Sài Gòn đều có thể thỏa mãn cho anh, yêu thương, cưu mang và chiều nựng anh như một người tình thật sự. Vậy mà người ta vẫn chê bai Sài Gòn ngột ngạt, cứ đi ra đường là kẹt xe, cứ vào rạp phim và hết vé, một thành phố nhặng xị, ồn ào và hỗn loạn. Người ta đâu biết tới một Sài Gòn yên ả và dịu dàng, thuần khiết và trầm lắng làm sao khi đã khăn gói hối hả về quê để đón lễ, Tết cùng gia đình. Để lại một Sài Gòn không khói bụi, không kẹt xe, không tiếng người í ới gọi nhau, không hàng quán lề đường, không đám đông nhậu nhẹt. Sài Gòn khi ấy như cô vợ đã biết điểm trang cho chính mình sau một năm vất vả bươn chải chuyện áo cơm. Cô gột rửa chính mình và trở về với vẻ đẹp tinh khôi và trầm mặc như muốn níu giữ người nhập cư ở lại, ở lại với cô để cùng đón giao thừa. Nhưng những người đến đây lập nghiệp, anh đâu có yêu thành phố này mà đủ nhẫn nại để thưởng thức vẻ đẹp của nó. Anh chỉ cáu kỉnh và chửi rủa vì những con đường chật ních người qua lại, những dòng sông ứ đọng và đen ngòm bởi rác thải, những buổi sớm inh ỏi tiếng còi xe và tươi rói tiếng chửi thề bởi sự va chạm, những buổi đêm nồng cay men rượu trong quán xá. Hít một hơi vào nghẹn bứ buồng phổi bởi mùi khói xe và bụi bặm, ngước mắt lên đếm sao chỉ thấy những tòa nhà chọc trời đâm cứng vào mắt. Sài Gòn yêu những người dân nơi đây, không phân biệt gốc gác, quê quán Nhưng Sài Gòn yêu những người dân nơi đây, không phân biệt gốc gác, quê quán. Sài Gòn chấp nhận quên đi bản thân mình để người đổ về có thể tìm thấy đâu đó hương vị quen thuộc của quê hương mình. Sài Gòn chấp nhận mình nặng mùi thêm chút vì khói bụi và rác thải, chấp nhận chật chội thêm một chút bởi xe cộ và dòng người, chấp nhận mất đi chút vẻ đẹp tươi trong của mình chỉ để đón lấy, cưu mang những người cần lập nghiệp sinh sống. Sài Gòn không phẫn nộ mà vẫn cứ lặng lẽ giữ lấy vẻ đẹp riêng ở những góc đường người ta ngồi dài đọc báo, uống cà phê mỗi sáng, vẫn nghĩa tình vội vã đỡ lấy người bị té xe mà xoa dầu, phủi đất cho họ, vẫn thân thiện và mến khách với nụ cười trên môi những bà bán hàng nước, ông lái xe ôm giữa trời nắng đổ. Tôi đã đi vòng Chợ Lớn một ngày để tìm thấy vẻ đẹp khuất lấp của thành phố và thấy yêu thêm nơi đây với tiếng cười luôn bật lên như một lẽ thường tình, tự nhiên như hơi thở của cụ già, người bán nước và trẻ nhỏ. Hãy yêu Sài Gòn như cô tình nhân vì Sài Gòn đã hy sinh vẻ đẹp mình Sài Gòn đẹp vậy đó, xin đừng trách Sài Gòn khi đã đến đây mưa sinh và lập nghiệp. Cứ cáu bẳn và khinh khỉnh như thế chẳng khác nào người chồng bội bạc chỉ biết làm tình và đợi chờ vợ cung phụng những bữa ăn tươm tất. Hãy yêu Sài Gòn như cô tình nhân vì Sài Gòn đã hy sinh vẻ đẹp mình, chấp nhận là nồi lẩu thập cẩm để tất cả mọi người có thể tìm thấy được quê hương mình dẫu đang tha hương. Tác giả: Bùi Thư – Theo Thanh Niên *Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM.