Thị trấn giữa rừng, Vùng đất ăn nên làm ra, Cống phẩm của phía Tây… là những cách lý giải của học giả về tên gọi thành phố hơn 300 tuổi. Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết Lý giải nguồn gốc cái tên “Gò Vấp” Từ đầu thế kỷ XX người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn – thành phố mà họ muốn biến thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa. Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có 3 cách lý giải được đánh giá cao nhất. Tàu bè ra vào sông Sài Gòn thế kỷ 19, thành phố còn hoang vu, nhiều rừng rậm. Ảnh: Flickr Thị trấn giữa rừng Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”. Dựa theo thông tin này, học giả Trương Vĩnh Ký nói rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong giáo trình “Địa lý Nam Kỳ” của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt – Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ “Kanco”, Cần Giuộc là “Kantuộc”, Gò Vấp là “Kompăp”… “Prei” theo tiếng Khmer nghĩa là “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”. Như vậy “Prei Nokor” nghĩa là một “thị trấn ở trong rừng”. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là “lâm quốc”. Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ. Dần dần, người dân đọc trại từ “Prei” thành “Rai” rồi thành “Sài”. Từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”. Căn cứ của lý giải này dựa vào việc Prei Nokor xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại rằng, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai. Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885. Sau Trương Vĩnh Ký, đốc phủ Lê Văn Phát đồng tình lý giải này. Ông cho rằng, không chỉ người Khmer mà người Lào cũng gọi vùng này là “rừng cây gòn” thông qua từ Cai Ngon. Vốn dĩ ngôn ngữ Lào giống tiếng Thái nên Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn. Tuy nhiên giả thuyết này bị cho là không có căn cứ, vì qua thời gian, không ai tìm ra được dấu tích của một “khu rừng có nhiều cây gòn” tại Prei Nokor cả, mà đó chỉ là suy đoán. Trung tâm của Sài Gòn xưa. Ảnh: Flickr Vùng đất ăn nên làm ra Học giả – nhà văn Vương Hồng Sển cho rằng không thể dựa vào ngữ nghĩa hai từ “Sài Gòn” hay “Prei Nokor” để phân tích. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, cụ Vương đã dày công tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt. Ngoài ra, ông đi thu thập dữ liệu từ dân gian nên rút ra cách lý giải khác. Theo Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn. Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra. Tuy nhiên theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ “Sài Gòn” có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn nên cách lý giải của Vương Hồng Sến không thuyết phục. Sài Gòn ngày nay sau hơn 300 năm phát triển. Ảnh: Trần Bảo Hòa Cống phẩm của phía tây Còn học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tây ngòn” – nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng “Tây ngòn” phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này vì dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor. Về lý giải này của học giả người Pháp, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng “Tây Cống” chỉ được người Hoa dùng sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với họ. Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn sẽ còn nhiều tranh luận nhưng nhiều học giả nhận xét, việc không rõ thực hư như vậy càng khiến Sài Gòn hơn 300 năm càng thêm huyền bí, hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò khi muốn tìm hiểu. Tên gọi Sài Gòn dù nguồn gốc như thế nào thì tính cách người Sài Gòn vẫn không đổi khác, vẫn là “Anh Hai Nam bộ”, đi trước đón đầu trong nhiều lĩnh vực. Sài Gòn – TP HCM đang chuyển mình phát triển để lấy lại danh xưng một thời “Hòn ngọc Viễn Đông”, là đầu tàu cả nước trong nhiều lĩnh vực. Theo saigontrongtoi