Giữa trung tâm TP.HCM náo nhiệt, ngay sát bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) có một nơi mà người ta vẫn gọi là “xóm hiếm muộn”. Bởi ở đây là khu trọ của những cặp vợ chồng hiếm muộn từ khắp nơi tìm về bệnh viện Từ Dũ để bắt đầu hành trình dài đi tìm con của mình. Cuộc sống nơi đây tuy cực khổ, thiếu thốn nhưng trong sâu thẳm mỗi người vẫn ngời lên hy vọng, khát khao được làm cha, làm mẹ. Xóm nước đen ngày ấy và chuyện 13 con đường mang tên các loài hoa ở khu Phan Xích Long Sài Gòn Xóm lồng đèn giấy kiếng hồi sinh giữa Sài Gòn Đi tìm hạnh phúc “Xóm hiếm muộn” nằm gần bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM Nằm rải rác trong con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh, trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), các khu nhà trọ ở đây được người dân quen gọi là “xóm hiếm muộn”. Những người đến ở trọ đều có chung hoàn cảnh là không có khả năng sinh con hoặc khó sinh. Việc điều trị thường trải qua nhiều bước, tùy vào tình trạng bệnh khó sinh hay vô sinh của mỗi người nên thời gian điều trị thường kéo dài. Do không có người thân tại thành phố nên nhiều bệnh nhân phải thuê chỗ ở gần bệnh viện. Bước vào một căn phòng rộng khoảng 12m2 nằm “nép mình” ở cuối con hẻm của “xóm hiếm muộn”, hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận, 4 chiếc giường kê sát vào nhau. Mỗi chỗ nằm như vậy có giá tới 2,5 triệu/tháng cho người điều trị dài ngày, còn với bệnh nhân chích thuốc thuê có giá 100.000 đồng/ngày. Chị Hoà (quê Ninh Thuận) cho biết: “Tôi và chồng vào đây chữa bệnh khó thụ tinh được gần một tháng. Chúng tôi cưới nhau cũng được hơn 5 năm rồi nhưng chưa có con nên đành vay mượn khắp nơi vào đây điều trị để mong kiếm được đứa con. Tiền cũng tiêu sắp hết rồi mà vẫn chưa thấy tin vui. Làm phụ nữ ai cũng mong muốn thiên chức được làm mẹ, nhìn người ta quây quần, quấn quýt bên chồng bên con hạnh phúc mà tôi thèm lắm, nhiều khi tủi thân quá lại khóc thầm trong đêm”. Gương mặt hốc hác vì chăm vợ trong thời gian chữa bệnh, anh Minh (chồng chị Hoà) tâm sự: “Đây là lần thứ hai vợ tôi cấy phôi, hiện tại đã cấy phôi được 9 ngày đang chờ kết quả, hy vọng lần này phôi đậu để chúng tôi có thể về quê. Ở đây tốn kém quá, gia đình ngoài quê làm ruộng mà vào đây mỗi ngày tiêu hết ít nhất cũng phải 300 ngàn, tiền đâu chịu nổi. Từ hôm vợ đi cấy phôi tôi bắt vợ phải nghỉ ngơi, mọi việc đều một tay tôi làm hết, mong vợ đậu thai là tôi hạnh phúc rồi”. Trong một căn phòng khác ở “xóm hiếm muộn”, không khí trong phòng dường như ảm đạm, nặng nề hơn. Bốn người phụ nữ nằm im lặng trên 4 chiếc giường. Họ cũng là nhưng người hiếm muộn con nhưng đến đây điều trị một mình. “8 năm nay chưa thấy có con nên nhà chồng luôn thúc ép tôi đi chữa khắp nơi. Ai chỉ đâu tôi đi đó, chạy từ Nam ra Bắc, Đông Tây y kết hợp vẫn không có kết quả. Vào đến bệnh viện Từ Dũ điều trị cũng gần 1 năm nay hy vọng tôi sẽ khỏi bệnh. Chỉ cần được làm mẹ một lần tôi chấp nhận tất cả” – Chị Trang (quê Lạng Sơn) tâm sự. Nỗi niềm “xóm hiếm muộn” Những người ở “xóm hiếm muộn” luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng được làm cha, làm mẹ Cảm giác lo lắng, bất an thường xuyên xuất hiện trên gương mặt của những gia đình gặp cảnh hiếm muộn. Dù vượt qua được giai đoạn đầu tiên nhưng để giữ “thành quả” nuôi lớn thai nhi cũng vô cùng gian nan, vất vả. Không ít cặp vợ chồng đã phải “dừng bước”, ngậm ngùi trở về. “Nhiều cặp cấy phôi một, hai lần là đậu họ vui mừng, hạnh phúc không gì bằng, ước mơ làm cha, làm mẹ lại cháy bỏng trong họ. Nhưng cũng không ít cặp vợ chồng cấy bảy, tám lần vẫn không được đành bỏ cuộc, lặng lẽ dọn đồ về quê trong đẫm nước mắt. Chứng kiến những cảnh đó, lòng tôi cũng thắt lại, vì mình cũng giống như người ta nhưng may mắn hơn đã bệnh đã được chưa khỏi và sắp có con”. – Chị Đặng Thị Hoài (quê Lâm Đồng) chia sẻ. Chị Hiền (ngụ Bưng Kè, Vũng Tàu) tậm sự: “Tôi và chồng lên đây chữa bệnh cũng được gần 2 năm rồi. Giờ bác sĩ kêu thai không đậu nên tôi phải chuẩn bị hành lý về quê. Không biết về quê ăn nói với bà con như thế nào, chắc phải xin con nuôi cho vui cửa vui nhà. Sống không có con cái, chỉ hai vợ chồng thui thủi ra vào”. May mắn hơn chị Hiền, vợ chồng chị Thuỷ (ngụ Bến Tre) cho hay: “Cuộc sống ở quê đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi chữa trị tốn kém. Một mình chồng tôi ở quê làm gửi tiền cho tôi chạy chữa nhưng vẫn không đủ. Vừa rồi phải bán cả đất dòng tộc đi để chữa trị để mong có thể sinh được đứa con. Qua 3 lần cấy phôi không thành tôi tuyệt vọng chỉ muốn bỏ về quê nhưng các chị em ở đây khuyên tôi nên thử một lần nữa. Tôi quyết định cấy phôi thêm một lần nữa và may mắn tôi đã mang thai. Vậy là hơn mười năm ước mơ của vợ chồng tôi đã thành sự thật. Không cần biết là gái hay trai nhưng nó là gia tài lớn nhất của vợ chồng tôi”. Trước thông tin việc mang thai hộ đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nhiều người ở xóm hiếm muộn lại lóe lên tia hy vọng mới. Bệnh viện Từ Dũ cũng chính là đơn vị phía Nam duy nhất được triển khai hỗ trợ sinh sản qua mang thai hộ. Theo Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện đã thành lập được hội đồng khoa học để thẩm định các hồ sơ liên quan đến mang thai hộ sắp tới cũng như quy trình cơ bản để thực hiện các bước mang thai hộ. Hiện bệnh viện đang chờ thông tư hướng dẫn được ban hành để tiến hành thực hiện cho người dân. 2saigon (TH) từ TNO và dantri