Hai mươi năm trước, có một cô gái, ta tạm gọi là cô Thơm, cô Thơm người vùng núi ở tuốt ngoài Thanh Hóa, làng quê nghèo khó quá nên cô nghe lời một người bà con đưa đường dẫn lối thế nào, lạc vào Sài Gòn làm mướn. Cô Thơm làm phụ việc ở một tiệm phở của một người đồng hương với đồng lương 500 ngàn một tháng, sau khi trừ chi phí cơm nước các thứ thì cô còn dư khoảng 100 ngàn gửi về quê giúp thầy mẹ. Cô Thơm làm lụng khá vất vả, từ 4 giờ sáng đã dậy làm việc, quần quật cho đến tận 11 giờ đêm, hầu như chẳng mấy lúc nào ngơi tay, và không thể ngước mặt lên nổi bởi tiếng chửi sa sả suốt ngày của vợ chồng bà chủ, thỉnh thoảng cô còn bị ném cả giẻ lau vào mặt hay đánh lên đầu côm cốp bằng cái giá bự bằng nhôm thường dùng múc nước phở, nói chung cô Thơm quá khổ. Nhưng khổ cực chỉ làm cô buồn, chớ không hề làm phai bớt nét đẹp ngầm của một cô gái bắc, da trắng môi hồng, mái tóc dài đen mượt. Cô Thơm có hẹn mỗi tháng một lần sẽ điện thoại về nhà, ở quê, cả nhà cô sẽ kéo ra một nhà người quen có mắc điện thoại để cô gọi về nói chuyện với từng người, thầy trước, rồi mẹ, rồi chị, rồi em, thỉnh thoảng nhắn luôn con Hồng, cái Huệ ra cùng trò chuyện. Đó là khoảng thời gian vui nhứt của cô Thơm, cô cười, cô khóc cả giờ liền bên chiếc điện thoại. Cô Thơm hỏi han chuyện gia đình, đồng áng, chuyện sức khỏe thầy mẹ, chuyện học hành mấy đứa em, còn chuyện mình thì cô Thơm toàn nói dối, cô nói cô làm bán hàng, nhàn nhã lắm, có điều chưa quen việc nên lương thấp, mai mốt cô sẽ khá hơn, sẽ gom tiền về thăm nhà… Chỗ cô Thơm gọi điện là một tiệm bán tạp hóa, hồi xưa đa số tiệm tạp hóa thường có gắn thêm cái điện thoại công cộng làm đại lý cho bưu điện, có máy tính cước đàng hoàng, giá cả cũng phải chăng, chỉ có điều tiệm này không có buồng điện thoại riêng, chỉ là để cái điện thoại trong góc khuất đằng sau quầy hàng, kê cái ghế cho khách ngồi nói chuyện, vậy thôi. Cái tiệm tạp hóa của một đôi vợ chồng, chưa già lắm nhưng cũng không còn trẻ, tầm sáu mươi ngoài, ông bà nói giọng bắc, gốc gác đâu ngoài Nam Định Thái Bình, nhưng hầu như không biết gì về quê hương nữa do là người bắc năm tư, ông bà đã sống cả đời ở Sài Gòn, ông bà rất hiền và dễ thương. Ông bà có hai người con,, một người theo bạn bè vượt biên rồi sống ở Úc, còn người kia thì chết lúc còn nhỏ do đau bịnh, giờ ông bà gần như sống với nhau thôi. Tiệm tạp hóa cũng vắng khách, nên ông bà hay kê ghế ngồi chơi, xem báo đọc sách gần chỗ cái điện thoại, và vừa vô tình vừa cố ý, đều dõi theo cuộc trò chuyện với quê nhà của cô Thơm. Biết hoàn cảnh cô Thơm, ông bà thấy thương cô lắm, mỗi lần cô sang gọi điện thì ông lén tắt cái máy tính cước, nó chỉ dừng ở 5 ngàn đồng dù cô có gọi bao lâu đi nữa, lâu lâu bà kêu ra cho cô món này món nọ, chai dầu gội, chai sữa tắm, cái quần cái áo, nói là dư dùng đem cho, chớ thiệt ra cũng đồ mới cả, cô Thơm cũng quí ông bà không kém. Có một anh nọ, ta tạm gọi là anh Bần đi, bần là tên một loại cây mọc nhiều vùng nước lợ, gần mé nước, bần trong tiếng nam bộ cũng có nghĩa là nghèo, anh Bần quê miệt Cần Đước, cha mẹ chẳng may mất sớm, mấy đứa con nương tựa nhau, đứa lớn chăm đứa nhỏ cùng với sự đùm bọc của bà con nội ngoại xóm riềng mà lớn, như cái cây ngọn cỏ, như con thòi lòi con ba khía, khỏe mạnh và hiền lành, dù không học hành đàng hoàng. Anh Bần chạy xe ôm, thực ra anh là lính nghĩa vụ ra, sau ba năm đóng quân ở sư đoàn năm, chuyên trồng rau nuôi cá, anh xuất ngũ trở về không có nghề ngỗng gì, may có ông chú kêu về, cho cái xe máy cũ, chạy xe ôm. Nói chạy xe ôm chứ thực ra công việc của anh Bần là sáng chở ông chú ra cửa tiệm đâu tuốt ngoài Chợ Lớn, phụ dọn hàng với ông chú, rồi về chở cháu đi học, đưa bà thím đi chợ, đưa về, chiều lại đón cháu, ra đón ông chú, đóng cửa tiệm, tối thì anh ngủ lại ngoài tiệm coi hàng… Nói là chạy xe ôm chứ anh cũng không dư đồng nào vì thời gian cao điểm thì mắc chở chú thím, dọn hàng, còn lại chạy lòng vòng kiếm khách, đổ xăng cũng hết tiền. Anh Bần thường thỉnh thoảng chở hàng cho ông bà chủ tiệm tạp hóa, anh giao tương, chao, sa tế, lạp xưởng khô… từ Chợ Lớn xuống, thường ngang khúc giữa trưa, nên ông bà mời dùng cơm trưa, riết rồi thân quen Tới đây thì chắc các bạn cũng biết rồi, ông bà chủ tiệm tạp hóa nọ bèn cáp anh Bần cho cô Thơm, quá đẹp đôi mà, có điều cả hai chưa tiến xa được ngoài một vài lần trò chuyện và cái nắm tay rụt rè. Bởi nếu không đi điện thoại về nhà thì cô Thơm có rảnh mà đi đâu, đi chút về lại bị chửi, lại bị đánh nên cô sợ, cao điểm là có lần cô đi gặp anh Bần về, trượt chưn té làm bể một chồng tô, cô bị trừ nửa tháng lương, bị chửi đến ba đời và bị vụt cơ man nào là đòn. Còn anh Bần thì cũng vậy, loằng ngoằng chút với một hai cuốc xe lẻ là đụng giờ về đón chú, đưa thím, không hở ra được, lỡ mà để chú thím chờ năm ba phút thì cũng mặt nặng mày nhẹ, tao nuôi mày báo cô báo cậu, điếc đầu. Mà cơ bản nữa là vì cả hai nghèo quá, còn gánh nặng cơm áo sau lưng, tiền đâu, uống ly nước mía còn không dám, làm sao nghĩ chuyện yêu đương chồng vợ Thấy lâu quá đôi trẻ chưa tiến triển gì, ông bà tìm hiểu thì mới ra sự tình, cũng khó hén, nhưng Sài Gòn mà, luôn luôn có cách, Sài Gòn thì luôn luôn có cách. Ông bà thời trước nữa, thời mới giải phóng, bị đưa lên Sông Bé khai hoang lập đất, làm hợp tác xã trên đó, cực khổ quá nên đứa con lớn bỏ đi vượt biên còn đứa con nhỏ đau bịnh chết trên tay ông bà trong nước mắt, mãi sau chạy chọt mới về lại được Sài Gòn. Sau này giải tán hợp tác xã, người ta vẫn để cho ông bà cái lô đất cũ, coi như công xã viên, lô đất rẫy chừng 3 hecta, trồng cây gì, nuôi con gì cũng ngon lành lắm, có điều đường vô đó xa xôi cách trở, nghe nói đi xe máy chừng cây số phải dừng lại lấy cây dích bùn đỏ ra rồi mới đi tiếp được. Ông bà lên nhận đất rồi, nhưng chưa biết làm gì, hiện đang bỏ không, bán thì cũng không được mà làm thì hổng có sức làm. Thì đây, đưa đôi trẻ coi như quà cưới. Đám cưới diễn ra luôn ở tiệm tạp hóa, đãi bốn bàn, ông bà chủ tiệm là chủ hôn, chú thím anh Bần đưa rể, thầy mẹ với mấy đứa em cô Thơm đón xe vào nam đưa dâu, có cả anh con trai lớn của ông bà ở Úc gửi về tiền mừng. Anh Bần đen thui xúng xính trong bộ đồ mướn, cô Thơm được trang điểm mặc áo dài gấm nhìn đẹp rực rỡ, chụp mười tấm hình. Cưới xong anh Bần chở cô Thơm, cái ba lô đằng trước cái túi cói đằng sau, ra Bình Triệu hướng lên Sông Bé, bắt đầu cuộc sống mới Vợ chồng anh Bần cô Thơm siêng năng chịu khó, yêu thương nhau, anh Bần vốn là lính chuyên trồng rau nuôi cá nên với cái rẫy trong tay thì anh như người khai vương lập quốc, cô Thơm gái bắc mà, giỏi giang hơn nhiều cô gái khác nên một tay giúp chồng làm nhà, đào ao, trồng cây, làm chuồng heo, chuồng gà… rồi cô Thơm có bầu, là con gái, vì ở xa quá nên cô Thơm quay về Sài Gòn, về nhà ông bà tiệm tạp hóa để chờ sanh, ông bà cưng lắm, lần đầu có cháu có dâu mà, cưng lắm, chăm chút kỹ vô cùng, ngày nào cũng bồ câu gà ác ăn riết. Đ4ứa bé, con của anh Bần và cô Thơm, ra đời ở Sài Gòn, nó tên là Lê Thị Sài Gòn. Năm nay nó mười chín tuổi, đẹp như mẹ nó, hiền như cha nó. Anh Bần giờ ngon lành, lúc tách tỉnh người ta kêu làm giấy đỏ, ông bà cho anh đứng tên luôn, rồi nhà nước mở đường mới, qua đúng rẫy của anh. Cô Thơm sanh thêm hai đứa con nữa, thằng Bình Phước thằng Bình Long, giờ họ nhà ngói xênh xang, cả gia đình hai bên xúm vô làm trang trại, cuộc sống tươi vui lắm vậy đó, đó là câu chuyện của cô bé Lê Thị Sài Gòn, tôi gặp cháu chút xíu, nó kể tôi nghe trong nét mặt rạng ngời, nó nói nó thích tên mình lắm, mà ai cũng thích tên nó, nhiều khi nói chuyện người ta cứ kêu Sài Gòn, Sài Gòn, nghe thích lắm. Ừ ta cũng thích cháu, ta cũng thích tên cháu nữa, Sài Gòn à. Theo Đàm Hà Phú