Bằng những nét vẽ ngẫu hứng, cường điệu, có phần thần tiên, tập sách Sài gòn xưa của kiến trúc sư Lê Hưng Trọng đã tái hiện những câu chuyện của Sài Gòn xưa đầy ngọt ngào, thơ mộng qua đôi mắt của một người trẻ, vào Sài Gòn lập nghiệp và trót yêu thành phố này. Khám phá hình ảnh xưa nhất về Sài Gòn Người đàn ông hơn 30 năm “vẽ Sài Gòn” qua những tấm bảng hiệu Chợ Bình Tây Phố chợ xưa 1. Cách đây không lâu, trên Facebook xuất hiện một dự án với tên gọi “Sài Gòn.Saigon” nhằm chia sẻ những bức ảnh chụp Sài Gòn một thời cũng như những phác họa của tác giả về Sài Gòn trước 1975. Dự án dần thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội. Khi những cái cũ như bùng binh Cây liễu, Thương xá Tax… đang dần được thay thế thì sự nhạy cảm của một người trẻ trước vẻ đẹp cổ điển càng được đón nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, “Sài Gòn.Saigon” đã có gần 25.000 lượt “like” với rất nhiều chia sẻ cho mỗi bức vẽ được tác giả đưa lên. Tác giả của dự án ấy là Lê Hưng Trọng. Sinh ra và lớn lên tại Ninh Thuận, Sài Gòn với Lê Hưng Trọng, cũng như trong mắt nhiều người chọn mảnh đất phồn hoa, đô hội và rộng mở này, là “mảnh đất lành” để lập nghiệp. Trọng, bằng năng khiếu và đam mê, trở thành sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang. Bùng binh Cây liễu Rồi từ sự khám phá, những lần lang thang khắp thành phố cộng với niềm say mê những nét vẽ thô mộc, cách đây 2 năm, Trọng bắt đầu mày mò phác họa lại những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành “thương hiệu” của Sài Gòn như: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, bến cảng Nhà Rồng… Sài Gòn tự lúc nào đã trở thành bạn, thành đất quê, thành vui buồn, yêu thương, nhung nhớ trong tâm hồn của một người trẻ. “Sài Gòn chính là nơi tôi tìm được bản thân, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kiến trúc sư và làm được nhiều điều có ích cho cuộc đời. Ước mơ sống chết cùng nghề kiến trúc đã làm nảy nở trong tôi một tình yêu vô điều kiện dành cho những giá trị lịch sử lâu đời của Sài Gòn. Hơn nữa, trong quá trình tìm hiểu tôi có được sự hứng khởi thật sự, và tôi muốn mang điều này đến với đông đảo bạn bè, có thể là người Sài Gòn chính hiệu, cũng có thể chỉ là dân tỉnh lẻ như tôi. Chỉ cần yêu Sài Gòn, chúng ta có chung một “tiếng nói”. Tôi vẫn nghe mọi người thường bảo: Sống được ở Sài Gòn thì là người Sài Gòn. Tôi tin vào điều đó!”, Trọng bộc bạch vậy khi ai đó thắc mắc: Có phải người Sài Gòn đâu mà hiểu được những gì Sài Gòn trăn trở, chứng kiến và đổi thay. 2. Sài Gòn xưa ban đầu chỉ là những bức tranh đơn lẻ với ấp ủ trưng bày trong khuôn khổ một triển lãm. Tuy nhiên, khi được đón nhận một cách nồng nhiệt, Lê Hưng Trọng đã đầu tư, phát triển thành sách. Trọng nói: “Những người muốn tìm hiểu về lịch sử của Sài Gòn xưa, cũng như tôi lúc thực hiện tập sách này, có thể tìm thấy rất nhiều thông tin bổ ích trong những tác phẩm lớn của các nhà nghiên cứu. Nhưng nếu là một du khách phương xa, một người tò mò không biết Sài Gòn xưa trong tìm tòi của những người trẻ sẽ hiện lên như thế nào, thì cuốn sách nhỏ này của tôi có thể giúp họ phần nào”. Xe cộ Sài Gòn Các công trình kiến trúc được vẽ lại và sắp xếp theo mốc thời gian xây dựng, cái nào có trước, cái nào có sau. Với những nét vẽ chi tiết, tỉ mẩn bằng nghệ thuật artlines, “điểm trang” thêm sắc độ của màu nước, trong đôi mắt của chàng kiến trúc sư trẻ tuổi, vẻ đẹp của những công trình kiến trúc Sài Gòn trở nên chân thực hơn mà cũng bay bổng, quyến rũ hơn. Không chỉ tập trung mô tả diện mạo bên ngoài của hơn 12 công trình kiến trúc tiêu biểu, Sài Gòn xưa qua nét vẽ của Trọng còn “khắc họa” được một “thế giới thần tiên giữa đời thường” của những công trình này trong sinh hoạt của người Sài Gòn. Trọng cho biết, anh mất trung bình từ 48 đến khoảng 200 giờ để hoàn thành mỗi bức vẽ. Bên cạnh các công trình kiến trúc, tập sách còn được “điểm tô” bởi hai phần phụ thú vị không kém là “Chân dung phố thị” và “Tổng hợp phương tiện đi lại ở Sài Gòn qua các thời kỳ”. Này là xích lô gò lưng khắp các nẻo đường, Cub cánh én “xanh huyền thoại” một thời, này là xà bông Cô Ba nức danh khắp vùng, quầy rong giải khát trở thành một phần hồn cốt của Sài Gòn… Những điều tưởng chừng rất đỗi xa lạ với những người trẻ, nhưng kỳ thật lại gần gũi vô cùng trong ký ức, trong tiềm thức, trong những câu chuyện.. còn đọng lại từ ông bà, bố mẹ và những quyển sách. Nhà báo Phạm Công Luận, tác giả của nhiều cuốn sách có tiếng về Sài Gòn, khi xem Sài Gòn xưa đã chia sẻ: “Cuốn sách của Lê Hưng Trọng khiến tôi lạc quan khi thấy những người còn rất trẻ, lớp người tạo dựng nên một Sài Gòn của tương lai, thể hiện mạnh mẽ sự tự hào và tình cảm yêu quý, gắn bó với vẻ đẹp của quá khứ trên vùng đất này, cho dù họ không hề có ký ức về một thời đã qua. Nếu họ yêu thương từng con đường, hàng cây, tòa nhà cổ, họ sẽ gìn giữ, bảo bọc, ca ngợi, phổ biến đến cộng đồng những cảm xúc này”. Theo Afamily