Đang xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, TP HCM sẽ chọn một số quận làm thí điểm. Đến 2025, Sài Gòn sẽ là đô thị thông minh Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Khảo cổ học và bảo tồn di sản Chiều 8/11, tại hội nghị góp ý đề án Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025do HĐND TP. HCM tổ chức, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp xuyên suốt quá trình xây dựng, nghiệm thu đề án. Ông Tuyến nói rằng, thành phố thông minh không chỉ là giải pháp giải quyết các vấn đề nội tại của thành phố về giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội… mà còn mở ra cơ hội, tiềm năng hợp tác quốc tế rất lớn. TP HCM đang xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh và sẽ chọn một số quận làm thí điểm trong quá trình xây dựng đề án gồm quận 1, 2, 12… Công viên phần mềm Quang Trung là nơi đang thí điểm đồng bộ các giải pháp đô thị thông minh trong nội khu ở TP HCM. Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Dương Anh Đức nêu vấn đề thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức, vị thế dẫn đầu cả nước đang trên đà suy giảm. Không những chỉ số năng lực cạnh tranh của TP HCM nhiều năm qua tụt hạng so với các tỉnh thành trên cả nước, vừa qua còn bị xếp cuối bảng trong 12 thành phố ở Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh và chất lượng sống. Ông Đức khẳng định, đề án này áp dụng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách giúp thành phố vượt qua các thách thức. Đề án xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở để người dân có thể tham gia quản lý, góp ý, xây dựng với chính quyền… Trong đó, người dân là trung tâm, thụ hưởng các tiện ích, sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; thực phẩm an toàn; học sinh có thể học tại các trường đạt chuẩn chất lượng tốt; nước sạch, không khí trong lành; tỷ lệ tội phạm thấp và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng. Ngoài ra, đô thị thông minh giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, bền vững, bảo đảm lợi ích cho các thế hệ tương lai. Đồng thời, người lao động có cơ hội học kỹ năng, kiến thức; được cung cấp không gian sống vừa tầm thu nhập; hệ thống giao thông tốt… giúp họ nâng cao năng suất lao động, cạnh trạnh tốt trên thị trường thế giới. Góp ý cho đề án, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, khi xây dựng đô thị thông minh, TP HCM trước mắt cần giải quyết 8 vấn đề tồn tại để đem lại chất lượng sống tốt cho người dân. Đó là giải quyết tham nhũng, chính sách chưa ổn định, trình độ con người hiện nay chưa tốt, đạo đức đi xuống, người dân chưa được tham gia quản lý nhà nước… Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đề nghị TP HCM liên kết chặt chẽ các bộ ngành để kết nối được thuận lợi. Trước mắt, khi xây dựng thành phố thông minh phải giảm thủ tục hành chính, giảm quá tải bệnh viện. Đại biểu Tăng Hữu Phong bày tỏ băn khoăn khi không phải người dân nào cũng sử dụng được thiết bị công nghệ thông tin, để tham gia các ứng dụng của thành phố thông minh. “Chúng ta phải quan tâm đến việc phục vụ nhóm cư dân này như thế nào, vì chắc chắn vẫn còn một bộ phận người dân không tương thích với đề án”, ông Phong nói. Hồi đầu tháng 10, đề án này được ông Tuyến trình HĐND TP HCM, kỳ vọng khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội, người dân. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để có thể ra quyết định một cách tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác. Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị. Theo vnexpress