Người đàn bà góa và chiếc chân giả “chắp vá” từ những mảnh vải vụn


Khi chiếc chân giả hư hỏng, bà Đào lại dùng vải vụn, ốc vít chèn vá với hi vọng có thể kéo dài tuổi thọ của nó.

Người đàn bà lạ kỳ trên đường phố Sài Gòn

Người đàn bà hơn 30 năm vá xe đêm giữa Sài Gòn

Một buổi sáng, chúng tôi tìm đến nhà bà Thái Hạnh Đào (59 tuổi, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) – người thợ sửa chữa quần áo cũ bị cụt một chân, một tay nhưng vẫn gồng gánh nuôi con gái.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Ngồi trên chiếc ghế cũ, bà Đào dùng tay trái đưa từng đường may thẳng để vá chiếc áo sứt chỉ cho khách. Bà kể: “Thuở nhỏ, tôi theo mẹ ra chợ thì bất ngờ bị ô tô đâm, phải cưa tay và chân phải. Từ đó, tôi đi đứng dựa vào chiếc chân giả, còn cánh tay phải vẫn vậy!”.

Khi trưởng thành, bà Đào kết hôn với một người đàn ông. Năm 2000, họ vui mừng đón chào thiên thân bé nhỏ. Những tưởng người đàn bà cụt chân tay sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên gia đình ngờ đâu, khi con gái – bé Gia Phúc được 18 tháng tuổi, tai họa bất ngờ ập tới. Bà bảo lần đó làm việc nhà, bà đi trên nền ướt nên chiếc chân giả trượt ngã rồi xô người vào chảo dầu đang sôi, khiến toàn thân bỏng nặng.

Để có tiền chạy chữa, thuốc thang, chồng bà đã bán căn nhà đang ở. Số tiền còn lại, họ mua mảnh đất trong nghĩa địa để dành. Sau đó, mạnh thường quân đã ủng hộ gia đình 25 triệu đồng để cất cái nhà nhỏ trú nắng tránh mưa.

 

Công việc hằng ngày của bà Đào chính là khâu vá quần áo từ chiếc máy may cũ.

Công việc hằng ngày của bà Đào chính là khâu vá quần áo từ chiếc máy may cũ.

Không lâu sau, chồng bà ra đi vì cơn bạo bệnh. Mọi gánh nặng cuộc sống dồn lên đôi vai người vợ cụt chân tay. Bà tâm sự: “Ông ấy ngã xuống, gia đình tôi càng khó khăn hơn trước. Tiền thuốc men, chi phí sinh hoạt trong nhà,…đổ dồn lên kẻ tàn tật như tôi. Khi ấy, tôi chẳng biết xoay như thế nào?

Cuối cùng, tôi đành chắt chiu mua lại cái máy khâu cũ để sửa quần áo nuôi con. Nhưng nhà  nằm sâu trong các ngôi mộ, cỏ cây um tùm nên ít người ghé tới sửa chữa. Tháng nào nhiều khách, tôi kiếm được chừng 100.000 đồng, có tháng chỉ được vài ba chục. Tất cả chi tiêu trong gia đình đều trông vào tiền trợ cấp khuyết tật”.

Với số tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng, bà Đào phải thắt chặt mọi chi tiêu hàng ngày. Bà bảo, dù cuộc sống nghèo khó đến mấy cũng phải dành một khoản cho con gái được đi học. Thậm chí, bà nhịn ăn mặc để có tiền mua cho em Phúc quyển vở cái bút bằng bạn bằng bè.

“Khi chiếc chân hư hỏng, tôi dùng vải vụn, ốc vít để chèn vá…”

Gần 60 năm sống trên đời, bà Đào chỉ có niềm ước ao duy nhất: chân giả đừng hư hỏng thêm nữa. Bà mong đôi chân có thể đứng vững để lo cho bé Phúc đến lúc trưởng thành. Vì vậy đã biết bao nhiêu lần, bà phải dùng vải vụn, ốc vít để “chắp vá” với hi vọng có thể kéo dài tuổi thọ của nó.

Mới đây, được sự giúp đỡ của mọi người, người phụ nữ ấy đã có chiếc chân giả mới. “Tôi được người ta sắm cho chiếc chân mới. Từ ngày ấy, tôi có thể tự tin đi đứng, làm việc mà không lo trượt ngã. Điều đó cũng khiến con bé Phúc an tâm phần nào. Nó không còn sợ hãi, lo lắng khi để mẹ ở nhà một mình”, bà vui vẻ nói.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con người phụ nữ tàn tật nằm sâu trong những ngôi mộ

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con người phụ nữ tàn tật nằm sâu trong những ngôi mộ

Nhắc đến chuyện chiếc chân giả và cánh tay phải cụt thì làm sao có thể sửa chữa quần áo, bà chia sẻ: “Nhiều người cũng thắc mắc như vậy! Thực ra, tôi dùng máy khâu chạy bằng mô tơ nhỏ nên không phải dùng sức chân đạp bàn. Còn khâu đưa vải vào mũi kim, tôi chỉ dùng tay trái làm.

Hồi đầu, tôi cũng lóng ngóng lắm! Nhưng làm miết thành quen, đường chỉ cũng thẳng dần, khách hàng cũng khen. Vì vậy, tôi có động lực làm việc nhiều hơn”.

Tuổi càng cao, sức khỏe của bà Đào càng yếu. Những ngày trái gió trở trời, vết cắt ở chân và tay lại nhức mỏi, đôi vai gầy thêm nặng gánh mưu sinh. Bà bảo, ốm đau nhiều cũng thành thói quen, chỉ qua loa vài viên thuốc kháng sinh là đủ. Hơn cả, bà luôn trăn trở cho tương lai của Gia Phúc.

Hiện tại, con gái bà đang học lớp 12, trường THPT Đa Phước, Bình Chánh. Từ lớp 1 đến nay, em đều đoạt danh hiệu học sinh giỏi và là niềm tự hào của mẹ. Bà cho hay, ngày chồng bà mới mất, em Phúc đã từng có suy nghĩ nghỉ học để giúp đỡ mẹ bớt gánh nặng gia đình. Khi ấy, bà đã động viên con gái tiếp tục đến trường học để tương lai bớt khổ.

Ngoài giờ học ở trường, Phúc thường ở nhà đỡ dần mẹ việc nhà hoặc nhận cắt chỉ cho người ta kiếm thêm tiền mua sách vở.

Theo tin-nhanh


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: