Cụ bà U.90 ‘bắn tiếng Anh’ bán vé số cho anh Tây: Phía sau phận người


Ngày đi bán vé số, đêm về nằm tạm trên một căn gác ọp ẹp đầu hẻm 254 ở đường Bùi Viện, cứ vậy mà giờ bà Lê Thị Hai (còn có tên là Kim Anh) đã hơn 80 tuổi.

Lòng tử tế của một người bán vé số mù lòa trong đêm khuya Sài Gòn

Bà cụ bán vé số ở Sài Gòn

Bà Lê Thị Hai chính là nhân vật trong clip gây xôn xao gần đây, quay cảnh cụ bà lom khom chống gậy bắn tiếng Anh như gió (dù chỉ là “tiếng bồi”) để bán vé số rất điệu nghệ cho anh Tây trong con hẻm nhỏ ở Sài Gòn…

Giữa con phố Tây xa hoa, bà Lê Thị Hai (còn có tên là Kim Anh) nghẹn ngào kể về cuộc đời gian truân của mình

Giữa con phố Tây xa hoa, bà Lê Thị Hai (còn có tên là Kim Anh) nghẹn ngào kể về cuộc đời gian truân của mình

Gian truân hết một kiếp người

Tôi tìm đến phố Tây trong một đêm mưa lớn và mất điện. Cạnh những hàng quán huyên náo, bà Hai đang ngồi co ro dưới mái hiên một căn nhà đang đóng cửa. Hai tay bà giấu xấp vé số ít ỏi vào người vì sợ mưa tạt ướt.

Bà Hai quê gốc ở Mỹ Tho (có thông tin nói bà quê Long An). Từ ngày ba bà theo vợ khác, mẹ khăn gói đưa bà lên Sài Gòn sống trong một căn gác mướn nhỏ xíu chỉ độ đâu 5 mét vuông. Lúc nhà đổi chủ, chỗ này được phường cho phép bà ở đến bây giờ. Ngót nghét 60 năm, căn gác đã quá cũ kỹ với những tấm ván lót mục nát, mái che rách bươm.

“Hôm nào trời yên thì không sao, chứ mưa gió thì coi như bà ngồi sáng đêm vì nước dột vào ướt hết. Đó, như tối nay là khỏi nằm được rồi…”, bà Hai vừa nói vừa đưa tay chỉ dòng nước mưa dưới chân đang ào ào tràn vào con hẻm dẫn vào căn gác.

Trên căn gác tạm bợ đã cũ nát

Trên căn gác tạm bợ đã cũ nát

Bà Hai dò dẫm từng bước mỗi lần lên xuống chiếc cầu thang có thể gãy đổ bất cứ lúc nào

Bà Hai dò dẫm từng bước mỗi lần lên xuống chiếc cầu thang có thể gãy đổ bất cứ lúc nào

Năm 20 tuổi, bà lấy chồng khá giả. Thế mà tình nghĩa vợ chồng cùng với việc bà sinh được một đứa con trai, cũng không giúp bà thoát được sức ép từ lề thói “môn đăng hộ đối”.

Rồi thì chồng bà cũng làm giống như người cha ruột của bà, đang tâm dứt bỏ vợ con mình để đi theo người đàn bà khác. Bà đành lặng lẽ dọn đồ, ôm con về với ngoại. Đất nước thống nhất không lâu thì mẹ bà cũng mất, sau khi chống chọi với bệnh tật suốt 10 năm ròng rã.

Con trai bà dành dụm xây được căn nhà nhỏ, sau khi lấy vợ thì cho bà một đứa cháu trai. Không may một lần ngã cầu thang, cháu bà bị chấn thương sọ não, trở nên lơ ngơ, muốn mổ cần đến 50 triệu, cả nhà đành nuốt nước mắt trở về…

Cái khổ chồng cái khổ. Con dâu bà ngày càng chì chiết, bóng gió nặng nhẹ. Cuối cùng, bà tự rời đi, về căn gác nhỏ giữa phố Tây cho đến tận bây giờ.

Khi tôi bất bình hỏi sao con trai không rước bà về, bà xua tay: “Thôi. Là tự bà đi mà. Nó khổ quá trời rồi! Để vợ chồng nó còn lo cho thằng nhỏ bệnh nữa…”.

Bà Hồ Kim Đông – Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ phường Phạm Ngũ Lão, Q.1 cho biết: Bà Lê Thị Hai đã tự nguyện đăng kí hiến xác và hiến giác mạc nhân đạo vào năm 2014.

Người tốt, kẻ xấu

Bà Hai cố gắng mời chào mấy tờ vé số cuối cùng trước 12 giờ trưa

Bà Hai cố gắng mời chào mấy tờ vé số cuối cùng trước 12 giờ trưa

Mỗi ngày, bà Hai bán được trung bình 50 tờ vé số. Người ta thường mang vé số đến giao, vì bà bị xương khớp đã 30 năm nay, không đi xa được.

“Ấy vậy mà có những đứa xấu lắm con ạ! Có lần bà bị giật mất xấp vé số tận 40 tờ. Lần khác khi bà đang đi bán chỗ chợ Cô Giang, chúng lại giật mất cái túi xách, không có tiền, nhưng có bọc thuốc bà mới lấy, với cái thẻ bảo hiểm y tế phường cho để lo thuốc thang…”, bà Hai nói mà tay run run.

Nhìn cổ tay bà bị lệch, tôi hỏi thì lại biết bà bị bọn thanh niên lái xe lạng lách đụng trúng rồi bỏ chạy cách đây chẳng lâu. Lần ấy bà nằm một chỗ đến tận 2 tháng, trên phường phải xuống lo thuốc men, cơm nước. Bà nói mỗi tháng mấy cô chú còn hỗ trợ bà vài trăm nghìn, nên bà biết ơn họ lắm.

Hồi xưa, lúc mới theo mẹ về đây, bà thấy khu này còn nghèo khổ lắm, nghe người ta hay kêu là ngã tư Quốc Tế. Nhà cửa lụp xụp thưa thớt, im ru, cũng không có gặp người nước ngoài nhiều. Bà còn nghe người ta kể trước đó, trên đường Bùi Viện bấy giờ có một vụ cháy lớn lắm, làm trụi hết nhà cửa, sau này mới từ từ xây lại.

Dân ở trong khu này đến từ nhiều nơi, nhiều trong số đó là người miền Tây như bà, ai cũng nghèo hết trơn. Sau này không biết sao người nước ngoài đến đây ngày càng nhiều. Có người tới chơi, có người ở luôn, nên người ta gọi là khu phố Tây. “Mà bà thấy tên đó để chỉ nhiều người miền Tây sống ở đây như bà hay chỉ người nước ngoài gì cũng đúng. Coi vậy chứ dân còn nghèo dữ lắm. Con đi thử vô mấy cái hẻm mới biết”, bà Hai bảo.

Cứ đến 12 giờ trưa, bà Hai lại ngồi trước con hẻm 254 trên đường Bùi Viện đợi người ta mang vé số đến, cũng để trả lại số vé dư nếu bà không bán hết

Cứ đến 12 giờ trưa, bà Hai lại ngồi trước con hẻm 254 trên đường Bùi Viện đợi người ta mang vé số đến, cũng để trả lại số vé dư nếu bà không bán hết

“Khu này hồi xưa hút chích, đánh lộn dữ lắm! Sau này mới đỡ hơn. Chắc cũng cỡ hai chục năm trước, khu này bắt đầu đông lên, nhất là con đường Bùi Viện. Người ta cho xây quán ăn, quán nhậu quá trời, bà bán vé số cũng đỡ hơn. Mà tính lại cũng như không, vì đi mua cái gì cũng mắc hơn. Có đợt mấy quán ở đây cho khách ngồi tràn ra lề đường, chính quyền không cho, xong bắt đầu trải bạt cho khách ngồi dưới đất nhìn mắc cười lắm!”, bà Hai kể.

Ngày nào bà cũng bước lom khom trên đường bán từng tờ vé số. Ấy vậy mà dư dăm ba chục, bà lại gửi về cho đứa cháu bị bệnh của mình

Ngày nào bà cũng bước lom khom trên đường bán từng tờ vé số. Ấy vậy mà dư dăm ba chục, bà lại gửi về cho đứa cháu bị bệnh của mình

Trời cho bà trí nhớ tốt, nên dù đã đi quá “một đời người 60 năm” như người ta hay nói, bà vẫn còn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện cũ và những người tốt, kẻ xấu từng gặp trong đời

Trời cho bà trí nhớ tốt, nên dù đã đi quá “một đời người 60 năm” như người ta hay nói, bà vẫn còn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện cũ và những người tốt, kẻ xấu từng gặp trong đời

Trời cho bà trí nhớ tốt, nên dù đã đi quá “một đời người 60 năm” như người ta hay nói, bà vẫn còn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện cũ và những người tốt, kẻ xấu từng gặp trong đời

Trời cho bà trí nhớ tốt, nên dù đã đi quá “một đời người 60 năm” như người ta hay nói, bà vẫn còn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện cũ và những người tốt, kẻ xấu từng gặp trong đời

Ngày nào bà Hai cũng chừa lại một tờ vé số. Bà bảo để đó cầu may, nếu trúng bà sẽ cất một căn nhà, rồi kêu con cháu về ở cho chúng đỡ khổ. Ai từng giúp đỡ, bà cũng sẽ trả ơn được phần nào, vì tự bà thấy nợ những người tốt ấy quá nhiều.

Rồi bà đùa: “Vậy mà số nghèo nó khoái bà. Mấy chục năm chưa bao giờ bà trúng đồng nào hết trơn!”.

“Cát bụi rồi cũng trở về cát bụi…”

Có lẽ ít ai biết bà cụ lưng còng ấy đã đăng kí hiến xác nhân đạo từ lâu

Có lẽ ít ai biết bà cụ lưng còng ấy đã đăng kí hiến xác nhân đạo từ lâu

Rồi bà Hai lại hào hứng khoe, xưa bà cũng được đi học, mà hết lớp Nhất thì nghỉ. Vậy mà đến giờ, bà vẫn còn nhớ rõ nhiều đoạn văn tiếng Pháp. Bà cũng nói được một ít tiếng Anh, đủ “làm vốn” để bán vé số cho khách Tây.

Bà còn kể một chuyện rất vui: “Nhiều lần bà nhớ ra một bài văn nào đó, nên thích quá và ngồi đọc to một mình. Sợ người ta nói bà tâm thần, nên tranh thủ lúc đi bán ở Bùi Viện này nè, gặp người nước ngoài là bà đọc thử. Có người hiểu tiếng Pháp nên tỏ ra thích thú, rồi mua giúp bà nhiều vé số lắm! Có điều khi họ trả lời thì bà không có hiểu hết, chỉ làm bộ gật gật thôi!”.

Nói rồi bà cao hứng đọc vanh vách mấy câu tiếng Pháp dài ngoằng và giải thích nghĩa ra cho tôi hiểu. Xong bà móm mém cười. Cái cười khiến tôi ấm lòng sau câu chuyện dài xót xa! Một kiếp người đi qua tất cả sự đời thăng trầm, nhiều khi niềm vui chỉ là những điều đơn giản vậy thôi…

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: