Tư Thân, dĩ nhiên là tuổi Thân, tuổi con khỉ, vốn là bộ đội ra quân, về nhà lấy vợ. Tư Thân quê tuốt miệt dưới, xứ Gò Quao nghèo khổ ruộng phèn nước mặn, dù mấy năm quân ngũ cộng với tánh siêng năng sẵn có nhưng hai vợ chồng mới cưới quay đi quay lại với đủ thứ nghề và mấy công ruộng ở quê vẫn không khá nổi. Lúc thằng Hai ra đời nó cứ đau bịnh riết, hai vợ chồng Tư Thân mới mang nó lên Sài Gòn chữa trị, thuốc thang hết tháng lại năm, chỉ cầu thằng nhỏ khỏe mạnh mà về. Trong lúc chị vợ trong bịnh viện chăm thằng nhỏ thì Tư Thân chạy tới chạy lui, mua cái này cái kia giùm các nhà khác, cũng nuôi bịnh ở đó, mới đầu là sẵn tiện giúp người ta thôi, rồi được người ta cho vài đồng lẻ, gom ngày cũng kha khá, thấy vậy Tư Thân mới làm mạnh hơn, gần như trở thành một đầu mối mua bán hàng, lấy thuốc, đóng tiền… vừa là giúp đỡ mọi người, mà mình cũng kiếm ít bạc lẻ. Thằng Hai ra viện nhưng chưa khỏi hẳn, bác sĩ hẹn tái khám, Tư Thân bèn bàn với vợ, mình ra thuê cái nhà trọ coi chừng thằng Hai, tui về nhà kiếm ít vốn lận lưng, coi bộ trên Sài Gòn mua bán dễ sống hơn dưới quê, mình à. Vậy là làm liền. Lúc này tánh lanh lợi, chịu khó, dễ thương của Tư Thân mới phát huy, mua thiếu, được giá, bán hết hàng liền liền, tất nhiên gia tài cũng chỉ là trái dừa lạnh, vài gói mèo, đôi chai nước… bỏ trong cái thùng xốp, bán quanh cổng bịnh viện hoặc đi chỗ này chỗ nọ, tùy có sự kiện, hay chỗ nào đông người là Tư Thân tới bán. Mới đầu ngày kiếm ba chục, rồi kiếm năm bảy chục, bữa nào hên kiếm một hai trăm, hàng hóa nhiều dần, rồi một cái thùng xốp không đủ thành ra hai cái, Tư Thân mới kiếm cái đòn gánh, gánh luôn hàng của mình hai đầu, ai mua gì bán đó, thậm chí muốn có bữa nhậu dã chiến với bia lạnh, nem chua với tương ớt, Tư Thân cũng có luôn. Ba năm ròng rã mua bán, vợ chồng Tư Thân mới thuê được cái phòng trọ đàng hoàng, tháng triệu bạc, sắm sửa được tivi, tủ lạnh, bếp núc đầy đủ, thằng Hai khỏe mạnh hẳn, lúc này đi học mẫu giáo nên vợ Tư Thân mới đi làm giúp việc nhà cho người ta, làm theo giờ, ngày hai ca, cũng kiếm ba bốn triệu một tháng, còn được nhà chủ thương, cho cái này cái nọ. Cuộc sống gia đình sáng sủa dần, tháng tháng còn gửi về quê cho cha mẹ được năm ba trăm làm quà, Lễ Tết vợ chồng khính nính đồ đạc, rạng rỡ dắt díu nhau về quê, tuốt miệt Gò Quao, cũng bảnh như ai. … Bữa đó Tư Thân đi bán tới trưa thì cũng mệt, mới vô ngồi bóng cây nghỉ, lấy cơm vợ ra ăn, thì có một ông khách nọ cũng đi bộ, ghé lại mua chai nước, rồi xin phép ngồi kế bên uống, ông khách sang trọng quá nên Tư Thân cũng ngại, hổng dám nói chuyện, chỉ cúi mặt ăn cơm, hỏi gì trả lời nấy. Lúc người khách hỏi, chú quê đâu, Tư Thân thiệt thà nói em quê Kiên Giang, hỏi tới nữa, Kiên Giang khúc nào, mới nói Gò Quao, người khách lạ im lặng một hồi, rồi giựt mình, nói, tui cũng quê Gò Quao nè. Vậy là Tư Thân mừng rơn, bỏ cơm, mới quay qua nói chuyện, hỏi thăm nhà cửa, dòng họ, thì ra cũng cùng một xã, bên đầu kinh xáng bên ngay khúc giữa, tuy không biết nhau nhưng cũng biết tới ông thầy Hai y tá chích thuốc dạo, ông Bảy thiến heo, bến đò kinh tây hồi xưa có con nhỏ đưa đò đẹp hết biết… chuyện mãi không dứt. Tư Thân thấy cũng vui, như gặp bà con xa ở Sài Gòn, mới rủ ông khách nọ làm vài lon bia, hai người ngồi dưới cái bệ xi măng sát gốc cây, bày bia lạnh ra uống, lúc này mới thiệt thà hỏi thăm ông khách nọ, ổng nói thôi kêu ổng là anh Ba đi, mười mấy năm rồi ổng không về quê, sống ở nước ngoài, là Việt Kiều, thỉnh thoảng có về Việt Nam chỉ ghé Sài Gòn một bữa rồi đi. Làm đâu hai lon bia thì chia tay, anh Ba phải về đi mần còn Tư Thân đi bán tiếp, anh Ba đòi trả tiền mà Tư Thân nhứt quyết hổng lấy, bà con cùng quê, gặp nhau mừng hết lớn, cho tui đãi lon bia cho mát dạ tui mà anh Ba. Anh Ba mới xin số điện thoại, nói bữa nào gọi, làm sâu sâu hơn chút, đặng kể chuyện Gò Quao cho anh Ba nghe, cho đã. … Bữa khác, đâu chừng mấy tháng sau thì có số điện thoại anh Ba gọi Tư Thân, mà hổng phải anh Ba gọi, là người khác, nói anh Ba bị tai biến, té trong khách sạn ở Sài Gòn, người ta lấy số điện thoại anh Ba để gọi cho người thân mà thấy toàn tên nước ngoài, có đầu danh bạ là Tư Thân, số 4 Thân LoveGQ, tưởng đâu bạn gái nên mới gọi. Tư Thân lật đật gánh đồ vô bịnh viện thăm, bịnh viên kêu đóng tám trăm ngàn Tư Thân cũng đóng, hỏi bà con sao Tư Thân nói ông đó là anh Ba tui, thực ra anh Ba tên chữ là Henry Nguyễn. Được đâu hai bữa thì anh Ba tỉnh, nhưng còn yếu, cảm ơn Tư Thân nhiều lắm, lúc này mới báo công ty, rồi thu xếp giấy tờ, xin chuyển qua bịnh viện sang trọng hơn, tuốt bên quận 7, hỏi anh Ba có thân nhân nào khác không, anh Ba lắc đầu, thôi có chú Tư đây được rồi. Chỗ mới xa quá, Tư Thân đi bộ qua không nổi, sẵn có vợ đang làm mướn bên đó, mới kêu vợ, nói mình tranh thủ ra vô chăm anh Ba, ảnh ở một mình chắc buồn mà sanh bịnh, cuối ngày Tư Thân đi xe buýt dẫn thằng Hai qua chơi, nói chuyện với bác Ba, thằng nhỏ biết gì đâu, gặp bác Ba mừng rơn, kể chuyện này chuyện nọ, rôm rả lắm. Anh Ba nói với Tư Thân, vợ chồng chú tốt quá, gặp nhau qua đường mà cần chi tử tế vậy. Tư Thân cười nhe hàm răng trắng trên gương mặt đen sạm, bậy nà anh Ba, mình cùng dân Gò Quao chớ có phải qua đường. Lúc mọi người về hết, anh Ba nằm ngó ra cửa sổ, nước mắt chảy dài. Chừng tháng sau thì anh Ba về nước, trước khi đi, anh Ba mới kêu Tư Thân tới, cho ít tiền, nói ít chứ thực ra một ngàn đô đối với nhà Tư Thân là cả gia tài. Nhưng Tư Thân không lấy, nhứt quyết không lấy, nói anh Ba khi dễ tụi em quá, ai làm vậy kỳ lắm, nhứt quyết không lấy nha. Rồi sau vợ chồng tiễn anh Ba về, còn chống gậy nhưng cũng tự đi ra sân bay được, thằng Hai nhỏ xíu mới quấn bác Ba được mấy bữa, giờ nghe bác Ba đi thì nó khóc thiệt tình, làm bác Ba nó cũng chảy nước mắt theo. … Mấy tháng sau có một người gọi điện cho Tư Thân, tự xưng là vợ của Henry Nguyễn, Tư Thân quên mất, hổng nhớ Henry nào, thì ra là anh Ba Gò Quao mình chớ ai, mới hay anh Ba mất rồi. Anh Ba có bịnh cũng lâu, rồi bị té nên bịnh trở nặng, về nhà được mấy tháng thì không qua khỏi. Anh Ba không con cái, hậu sự đã lo xong, giờ muốn đem cốt của mình về đặt ở Gò Quao, nhắn lại là chuyện này phải nhờ Tư Thân lo. Tư Thân, như thường lệ bản tánh, làm liền chớ đắn đo gì. Lúc nhận cốt của anh Ba, mới thấy có lá thơ gửi cho Tư Thân, đại khái cảm kích cái tình nghĩa Gò Quao, của Tư Thân, và dặn đem cốt mình đặt ở đâu, gặp ai, làm vầy làm vầy… … Lúc luật sư kêu Tư Thân ra lãnh một trăm ngàn đô của anh Ba để lại cho mình, Tư Thân còn không biết nó trị giá bao nhiêu, một trăm ngàn đô là cỡ hai tỉ mấy, anh luật sư mặc đồ măng sết với cà vạt đỏ nói với Tư Thân vậy, làm hai vợ chồng bật ngửa, cũng không biết hai tỉ mấy là nhiều cỡ nào, hả mình, Tư Thân hỏi vợ. Chị Tư cười hiền lành, làm sao nhiều bằng cái tình nghĩa của mình, mình sống buôn bán cái tình nghĩa đó, thứ tình nghĩa xứ Gò Quao, lời quá. Theo Đàm Hà Phú