Hầu hết những người đạp xích lô Sài Gòn có cuộc sống chật vật, gia đình mỗi người một nơi. Với họ, chiếc xích lô là “ngôi nhà” di động gắn với cuộc đời lang bạt của họ. Một thời Sài Gòn: xích lô máy Đời xích lô ở Sài Gòn Chạy xích lô như người đi “câu cá” Đó là lời ví von đầy hóm hỉnh của ông Lê Văn Ngà, sinh năm 1952, về nghề chạy xích lô. Ông Ngà bắt đầu chạy xích lô từ năm 17 tuổi. Chớp mắt mà cuộc đời ông cũng quay đều theo những chuyến xe xích lô rong ruổi khắp Sài Gòn ngót nghét 40 năm. Ở góc đường quen thuộc Hai Bà Trưng – Bà Lê Chân (Q.1), ông Ngà đậu xe đón khách đi chợ, chở các tiểu thương trong chợ Tân Định. Ông Lê Văn Ngà đang buồn rầu chờ đón khách đi xe Khi đó, giá một chiếc xích lô lên đến 5 chỉ vàng. Ông Ngà cũng dành dụm sắm một con xe làm nghề. “Hồi trước, xe cộ đâu có đông đúc như bây giờ. Ai ra đường cũng gọi xích lô. Tôi chạy xích lô nuôi được cả nhà 4 miệng ăn. Còn giờ, cả khu chợ Tân Định này còn cao lắm 3 xe xích lô chạy thôi. Vậy mà cũng “bữa đực, bữa cái”. Đa phần là nhờ khách quen”, ông Ngà giọng buồn buồn kể. Mỗi ngày, ông thu nhập có khi 100.000 đồng, có hôm chỉ vài chục ngàn đồng. Ông ví von chạy xích như người đi “câu cá” vậy, đâu phải bữa nào cũng có “cá”. Nói tới đây, ông Ngà trầm ngâm: “Nói thẳng ra, xích lô giờ tàn rồi nhưng tôi biết phải làm sao”. Chạy xích lô ai mà không biết cực khổ. Ông Ngà cũng mấy lần muốn chuyển nghề khác mà không ai nhận vì ông già rồi. Ông chỉ còn bám víu vào chiếc xích lô cũ kỹ như cái tuổi đời thăng trầm của mình để kiếm sống qua ngày. Vậy mà ông vẫn lạc quan: “Tôi không có buồn đâu vì số phận mình đã an bài rồi. Nhiều khi nghĩ lại, nhìn xuống, tôi thấy nhiều người còn khổ hơn tôi. Bởi vậy, tôi có chiếc xích lô chạy là quý lắm rồi, không đòi hỏi thêm gì nữa. Giờ tôi chỉ mong sức khỏe thiệt tốt để tiếp tục chạy xích lô. Có ít tiền cho mấy đứa cháu mua bánh kẹo là vui rồi”. Được bữa nào thì chạy bữa đó Sau 21g, khu chợ đêm trái cây nằm sát bên bến xe Chợ Lớn vẫn nhộn nhịp “kẻ buôn, người bán”, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Ngọc – người đạp xích lô quanh khu chợ đang cặm cụi chất những thùng hàng, cần xé trái cây… của người bán nằm gọn trên “con ngựa sắt”. Cẩn thận hơn, ông lấy sợi dây đai, chằng móc vào hai thanh xe cố định hàng không bị lật ngã. Trái cây, giỏ xách… chất cồng kềnh, ông không ngồi đạp mà kéo đầu xe cho đỡ mất sức. Có những chuyến hàng ít, ông tất bật dọn phụ người bán, phóng lên xích lô và đạp nhanh chở hàng về tới bến đỗ theo yêu cầu của khách. Sau chuyến hàng cuối cùng, ông đậu chiếc xích lô nép vào một góc đường. Thong thả lấy trong túi áo điếu thuốc, mồi lửa, ông rít một hơi thật dài và vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những chuyện vui buồn của nghề đạp xích lô. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Ngọc (56 tuổi), đã gắn bó với nghề này cũng được hơn 25 năm. Trước đây, gia đình đông anh em và cũng không mấy khá giả. Cuộc sống trải qua nhiều biến cố, lớn lên, ông và các anh chị em đều tự bươn chải, tìm công việc mưu sinh. Ban đầu, ông làm nghề lượm ve chai cũng hơn 20 năm, rồi tích góp tiền mua được chiếc xích lô hoạt động ở khu chợ này, ai thuê gì chở nấy. Ông Ngọc đang chở vị khách cuối cùng dưới đêm khuya se lạnh ở Sài Gòn của tháng cuối năm Cô Phụng (51 tuổi, sống tại Q.6), người bán trái cây ở khu chợ đêm hơn 15 năm, cho biết: “Tôi bán trái cây ở đây bao nhiêu năm thì nhờ ông Ngọc chở hàng cũng ngần ấy năm đó. Hồi trước, người chạy xích lô ở khu chợ này cũng nhiều. Nhưng giờ, tôi chỉ thấy còn ổng là chạy xích lô chở hàng mướn thôi. Trời nắng hay trời mưa, ổng cũng không nghỉ bữa nào. Lúc trước, ông ấy chạy được bao nhiêu là gửi tiền về nuôi mẹ già. Từ ngày mẹ ổng già rồi mất, ổng chuyển sang giúp đỡ anh chị em”. Kết thúc công việc, đêm đến, ông Ngọc lấy xe làm giường, vỉa hè là nhà để ngủ tạm. “Nhà tôi ở xa quá khu chợ này quá. Nhiều khi, khách quen kêu chở hàng dồn dập, chạy liên tục. Tôi xong công việc cũng tầm 1 – 2h sáng, nếu về nhà nghỉ nữa thì không kịp thức sớm chở hàng cho khách. Có khi, tôi ngủ ngoài đường 2 – 3 ngày thì mới về nhà. Tôi sống ngoài mưa ngoài gió vậy đó chứ không có bệnh gì hết, mạnh mẽ như thường”, ông Ngọc vui vẻ kể. Còn ông Đặng Tài Trước (68 tuổi, quê huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có hơn 30 năm trong nghề cho biết, trước đây ở quê làm vườn, quần quật quanh năm nhưng vẫn nghèo khổ. Ông bỏ quê lên Sài Gòn làm thuê làm mướn rồi tích góp số tiền mua được chiếc xích lô hoạt động tại góc đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Q.5). Mặc dù lệnh cấm xe xích lô đã có từ nhiều năm nay, nhưng những người đạp xích lô không có chiếc xe đồng nghĩa với việc mất đi chén cơm. Vì thế, họ vẫn bám víu nghề được ngày nào hay nào đó. “Hằng ngày, tôi chạy chở các mối quen đi khám bệnh, những bà nội trợ quanh các khu chợ ở Q.5. Ở quê không nghề, không nghiệp, tôi lên Sài Gòn chạy xích lô, kiếm tiền lo cuộc sống. Mỗi tháng, tôi chi tiêu tiết kiệm và gửi về cho vợ. Hai vợ chồng tôi không có con cái gì. Nghĩ cũng rầu lắm, nhà có 2 vợ chồng mà mỗi người một nơi”, ông Trước bộc bạch. Mặc dù nghề xích lô không còn thịnh như ngày trước nhưng những người lao động nghèo vẫn lạc quan và đều có cùng suy nghĩ rằng: “Chạy được bữa nào hay bữa nấy”. Theo thegioitiepthi