Với những cư dân gắn bó lâu năm của Sài Gòn, họ có rất nhiều cách để lưu giữ ký ức về thành phố của mình. Đối với chú Thanh, ông lưu giữ ký ức bằng chính quán cà phê của mình. Quán cà phê vợt cuối cùng của vùng Chợ Lớn. Quán cà phê vợt lâu đời mỗi năm chỉ đóng cửa 10 phút ở Sài Gòn Cheo Leo, quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn Đi uống cà phê kiểu xưa sau lưng chợ Thiếc ở Sài Gòn Nhắc đến món cà phê vợt nổi tiếng gắn bó với đời sống Sài Gòn thuở trước, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến quán chú Ba ở khu vực ngã tư Phú Nhuận hay quán Cheo Leo nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, là một trong những quán cà phê vợt hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở Sài Gòn vẫn còn một quán cà phê vợt khác cũng đã tồn tại qua hàng nhiều thập kỷ, là nơi lưu giữ lại ký ức của cuộc sống cư dân Chợ Lớn của một thời quá vãng. Lặng lẽ ở một góc chợ Thiếc, một trong những khu chợ sầm uất nhất quanh khu vực Chợ Lớn, là quán cà phê của gia đình chú Lưu Nhân Thanh. Gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ là một cái tủ gỗ bày lỉnh kỉnh những ly tách, ấm chén đã ám màu thời gian nép mình trong một gian nhà cũ kỹ. Vài ba bộ bàn ghế chắp nối được bày dọc dưới mái hiên. Ấy vậy mà quán cà phê đặc biệt ấy đã tồn tại hơn 30 năm trời giữa bao nhiêu thăng trầm của vùng đất này. Quán cà phê của chú Thanh nằm lọt thỏm trong một góc chợ Thiếc, nơi tập trung sinh sống của khá nhiều cư dân gốc Hoa. Những vật dụng nhuốm màu thời gian Những vị khách thường xuyên ở quán cà phê của chú Thanh là những cư dân trong xóm chợ đa phần là người gốc Hoa hay những người lao động, buôn bán tiện đường ghé lại làm một ly cà phê còn nóng hổi. Trong số khách ấy, có những ông cụ bà người Hoa đã sống gần trọn một thế kỷ. Mỗi ngày họ đến quán vào lúc sáng sớm để gặp nhau, chuyện trò, gợi nhắc ký ức của những ngày tháng xa xôi hay nỗi hoài niệm về cố hương mà bởi loạn lạc, biến thiên của thời cuộc, họ đã phải đành đoạn mà rời bỏ để ra đi. Và chất xúc tác để những câu chuyện được thăng hoa chính là ly cà phê được pha bằng vợt vải. Mỗi ngày, chú Thanh phải thức dậy từ lúc trời còn chưa sáng chuẩn bị mọi thứ để kịp phục vụ cho những vị khách đầu tiên trong ngày. Cà phê được cho vào vợt vải và đun trong một chiếc siêu đất. Theo chú Thanh, ngày trước, những chiếc siêu này được làm bởi những lò gốm ở vùng Lái Thiêu, Bình Dương. Sau khi được đun sôi đủ độ, cà phê sẽ được sang qua một chiếc ấm sắt tây đặt trên một chiếc bếp nhỏ khác để giữ nóng liên tục. Theo chú Lạc, một người khách quen của quán, món cà phê vợt này vốn được những người Hoa sáng tạo nên để phục vụ cho nhu cầu của số đông những người lao động không có nhiều thời gian nhâm nhi cà phê pha phin như giới thượng lưu, trí thức. Nhưng sau đó, chính hương vị đặc biệt của nó đã chinh phục được cả những người ở tầng lớp trên rồi dần được phổ biến ra khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Thế nhưng, đến hôm nay, trong cả khu vực Chợ Lớn, chỉ còn duy nhất quán cà phê của chú Thanh là còn pha cà phê theo cách này. Bằng thứ tiếng Hoa giọng Quảng Đông, ngày ngày, những cư dân trong xóm lại gặp nhau ở góc quán bé nhỏ này để nhắc lại những câu chuyện về một thời đã qua. “Bán hàng cà phê lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng nó thành thói quen rồi. Với lại, mình mà không bán thì mấy người khách họ biết đi đâu!” Cứ như vậy, ngày qua ngày, người đàn ông với cái dáng người gầy còm và ánh mắt chứa đầy sự u buồn lặng lẽ với cái quán nhỏ của mình. Khi được hỏi có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ nghỉ ngơi ở cái tuổi đã xế chiều này không, chú Thanh cười hiền rồi trả lời: “Nhiều lúc cũng mệt chớ. Lớn tuổi rồi đâu còn sức vóc như thời trai trẻ được. Bán hàng cà phê lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng nó thành thói quen rồi. Với lại, mình mà không bán thì mấy người khách họ biết đi đâu! Vậy là mỗi sáng vẫn lọ mọ dậy từ sớm để mở cửa quán.” Những chiếc lồng chim được chú Thanh chăm sóc rất kỹ lưỡng và là một thú vui của chú khi tuổi đã xế chiều. Cái giá 6000 đồng một ly cà phê có lẽ sẽ làm nhiều khách mới tìm đến lần đầu khá ngạc nhiên bởi nó quá rẻ so với thời buổi đắt đỏ bây giờ. Theo lời chú Thanh, cái giá này so với hơn chục năm trước đây không thay đổi. Nhiều lần chú cũng đã nghĩ đến chuyện tăng giá nhưng rồi lại thôi. “Đã không nghĩ chuyện lời lãi thì tăng giá làm gì. Chưa kể khách ở đây toàn ông già bà cả hay người lao động nghèo, mình tăng giá cũng thiệt cho họ lắm!” – Chú Thanh thật thà chia sẻ. Cứ vậy ngày qua ngày, nhịp sống nhộn nhịp và xô bồ vẫn ngày ngày tiếp diễn trong khu chợ Thiếc. Khuất lấp trong đó là những kiếp người như chú Thanh hay những vị khách đặc biệt ở quán cà phê của chú. Họ có một cuộc đời khác, một nếp sống khác bình yên và chậm rãi, bỏ mặc những phù hoa của thời thế ở ngoài kia. Và cũng chính từ đó, theo một cách tình cờ, họ đã tái hiện một cách trọn vẹn ký ức về Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, không phải bằng những tấm ảnh, những thước phim mà bằng chính nếp sống của mình. Theo saostar.vn