Nhắc đến phương Nam thường người ta nghĩ ngay ra Sài Gòn đầu tiên, trước đây Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc viễn Đông và Sài Gòn thì luôn được nhớ đến với cái gì đó phóng khoáng, xô bồ nhưng thật gần gũi và dễ thương. Điều đặc biệt nhất, bên trong nó còn mang nhiều “chất” vỉa hè như cà phê bệt. Tới Sài Gòn đi đâu cũng phải ghé cà phê bệt Cà phê bệt và nét văn hóa người Sài Gòn Các bạn trẻ thường xuyên tụ tập ăn vặt, uống cà phê tại đây vào buổi xế chiều cho đến đêm. Đối với Sài Gòn, cà phê không còn là danh từ ẩm thực nữa, mà nó mặc nhiên như là nơi đến, một điểm hẹn của tất thảy mọi người khi mà cần hẹn hò hay giải quyết công việc gì đó: “Cà phê nha!”. Nét riêng Ở cái thời khắc giao nhau đông qua xuân đến, không khí rất thoáng vào buổi sớm, nắng vàng, trời se lạnh, được ngồi công viên hay tại một vỉa hè nào đó của Sài Gòn và trên tay là ly cà phê thì thật là “bá cháy”, đó là theo cách nói của người Sài Gòn. Và nói đến cà phê vỉa hè thì người ta thường nghĩ ngay đến cà phê bệt. Đi đâu ở cái thành phố này, người ta cũng dễ dàng nhìn thấy hàng ngàn, hàng vạn “quán” như thế. Mà nói như người Sài Gòn: Chưa ra cà phê bệt công viên thì chưa biết Sài Gòn rồi. Cà phê bệt ở Sài Gòn có rất nhiều, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là khu lề đường Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Nguyễn Trung Trực, Công Xã Pari, Hồ Con Rùa, công viên cây xanh 30/4, công viên 23/9 (Q.1)… Tuy nhiên, địa điểm lý tưởng nhất và thu hút rất đông các bạn trẻ là khu vực công viên 30/4 (Trước cổng Dinh Độc lập, bên hông Nhà thờ Đức Bà, đường Hàn Thuyên), đây được mệnh danh là “quán cà phê” lớn nhất Sài Gòn, thông thường, “quán” này đông khách nhất vào lúc chạng vạng cho đến đêm. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, cà phê bệt lại trở thành nét riêng của Sài thành, nơi hàng triệu người từ khắp mọi miền của Tổ quốc sum vầy. Cái phong cách cà phê này nó cũng giống tính cách của những con người sống tại đây, không gò bó hay câu nệ, nhiệt tình và hòa đồng. Chỉ cần 10 ngàn đồng là bạn có thể thỏa thê ngồi cả ngày thưởng thức không khí trong lành từ những hàng cây xanh và ngắm trời đất, ngắm những con phố, tòa cao ốc và các công trình kiến trúc nổi tiếng thành phố này. Và điều đặc biệt, chẳng ai làm phiền bạn, chẳng ai đuổi và cũng chẳng ai đòi tính thêm tiền với bạn, ở nơi đây như không còn thời gian và khoảng cách. Nơi khoảng cách gần lại Một buổi sớm, bầu trời mùa Xuân trong vắt, không khí thơm lành. Công viên cây xanh 30/4, nằm lọt thỏm giữa những địa danh biểu tượng Sài Gòn hơn 300 năm tuổi. Đây là vị trí tọa lạc đẹp nhất thành phố. Nơi này được xem là công viên lâu đời với hàng trăm cây xanh cổ thụ rợp bóng mát. Cũng từ lâu, công viên này được xem là “lá phổi xanh” giữa siêu đô thị sầm uất và ngột ngạt nhất Việt Nam này. Và cũng nơi này, từ sáng cho đến đêm khuya, nhất là dịp cuối tuần hay lễ Tết, nó như điểm lựa chọn dừng chân số 1 của người dân và du khách. Đó không chỉ là địa điểm thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí của người dân, mà trên hết còn là chốn hẹn hò, tán gẫu lý tưởng của giới học sinh – sinh viên và của giới trẻ Sài Gòn dịp cuối tuần để “xả xì choét”. Khá đông các nhóm tụ tập, ít thì 2-3 người, nhiều thì có thể lên tới hơn chục người. Nhiều nhóm còn mang cả ghi-ta vừa đàn hát, vừa thưởng thức cà phê hay tranh luận về đề tài gì đó. Nơi đây không gian như kết nối được tất cả mọi người với nhau. Đã “bệt” thì tất thảy đều gần gũi và thoải mái cười đùa, hát hò mà chẳng sợ làm phiền ai. Khu vực gần đó còn có cà phê bệt Hồ Con Rùa, thú vị ở chỗ có thể làm nơi gặp gỡ, hẹn hò, trò chuyện. “Góc bệt” này đông đúc nhất về đêm và cũng là nơi tập trung nhiều hàng ăn vặt trong “truyền thuyết” của giới trẻ Sài thành như bắp xào, bánh tráng trộn, cá viên chiên, hồ lô nướng, gỏi cuốn… Cà phê bệt là nơi mọi người có thể tha hồ ngồi tán gẫu dưới những tán cây xanh cả trăm năm tuổi. Đúng với tên gọi “bệt” nên không bàn, không ghế, chỗ ngồi là những khoảng vỉa hè, lối đi dưới những tàn cây xanh mát đầy tiếng chim. Chính cái phong cách bình dân, độc đáo nhưng không kém phần lãng mạn đó, cà phê bệt đã thu hút rất đông người thưởng thức, không chỉ trong giới học sinh – sinh viên mà giới văn phòng hay khách nước ngoài cũng thường ghé qua. Đến đây, lựa chọn một góc ngồi trong công viên, vừa nhâm nhi cà phê vừa trò chuyện cùng bạn bè đã trở thành một thú vui quen thuộc của người dân Sài Gòn. Cảm nhận cuộc sống rõ hơn Với đa phần người dân Sài Gòn, văn hóa thưởng thức cà phê vỉa hè (cùng trà đá), trong đó có cà phê bệt nói riêng là cái gì đó rất gần gũi và thân quen. Nếu ngồi cà phê bệt những nơi này vào buổi tối, sẽ dễ dàng cảm nhận Sài Gòn với một nhịp sống rất khác, rất chậm, rất thong thả và cũng rất yên bình từ trong tâm hưởng. Và với Sài Gòn, cà phê bệt hay cà phê vỉa hè như một thứ văn hóa vốn có của nó. Con người Sài Gòn cũng ngộ lắm, họ có thể vào những nhà hàng sang trọng để dùng bữa trưa, bữa tối, nhưng người ta cũng sẵn sàng ngồi vỉa hè để thưởng thức ly cà phê và trò chuyện với những người mình chẳng quen biết nhưng vẫn thấy vui vẻ và thoải mái. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm và đổi thay, cà phê Sài Gòn vẫn là một thứ gắn liền với đời sống và là nét văn hóa rất riêng của người thị thành. Giữa những xô bồ, người ta rất cần một nơi để tìm về, để nghỉ ngơi, trò chuyện, và có khi cũng chỉ để gặm nhấm nỗi buồn ở góc quán quen, nơi đưa người ta trở về quá khứ. Và cũng chính sự bình dân, độc đáo nhưng không kém phần lãng mạn của cà phê bệt lại là điều thu hút giới trẻ Sài thành. Khách ghé chân chỉ cần ngồi xuống là sẽ có người đến vui vẻ phục vụ tận nơi, với giá cả hết sức bình dân. Sài Gòn là thế, ồn ào xô bồ đấy, nhưng tất thảy ai đã tới đây đều tìm thấy một chút bình yên thân thuộc, đơn giản thôi, chỉ từ ly cà phê vỉa hè. Với rất nhiều người, cà phê thật gần gũi và thân quen. Ngồi cà phê bệt bất chợt nhận thấy có một Sài Gòn rất khác, chậm, thật chậm, thật nhẹ nhàng, thay cho khung cảnh ồn ào, vội vã hàng ngày, nơi đây một Sài Gòn bình yên đến lạ. Theo baoxaydung