Sài Gòn mưa, đến một quán dimsum, nhấm chiếc há cảo nóng hổi dai dai, miếng vằn thắn chiên giòn giòn bên ly trà đào thơm ngọt, quả thật thích thú vô cùng. Dimsum tuy là một món ăn Trung Hoa nhưng theo thời gian, cùng với sự định cư của dân tộc Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn, dimsum đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Sài Gòn. Dimsum là tên gọi chung của các món ăn được chế biến bằng cánh bọc một lớp bột bên ngoài phần nhân. Bao gồm nhân mặn, nhân ngọt, nhân chay, … tùy khẩu vị rồi đem hấp hoặc chiên giòn. Có thể ăn không hoặc chấm kèm với xì dầu pha chua ngọt, tương ớt. Nhân tôm cam hồng ửng lên bên trong chiếc bánh trắng mọng, quả là kích thích thị giác lẫn vị giác Dimsum hấp dẫn thực khách bởi sự hài hòa đẹp mắt của nó. Với loại dimsum hấp, vỏ bánh phải mỏng vừa đủ để thấy nhân thịt, nhân tôm căng mọng bên trong. Chiếc bánh tròn trịa, mềm mượt, cắn vào một miếng cảm nhận hương vị của vỏ bánh dai dai, phần nhân ngọt ngào thơm lựng và không được khô. Tùy theo sở thích của thực khách mà dimsum biến hóa các loại nhân khác nhau Với bánh chiên cũng tương tự, vàng ươm nhờ trộn bột vỏ với lòng đỏ trứng, giòn rụm nhưng không được ngậm quá nhiều dầu. Chính vì thế, để làm được một mẻ dimsum ngon lành cần rất nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ. Bánh chiên cũng đẹp và không kém phần tinh tế Dưới sức sáng tạo của các đầu bếp nghệ nhân, một bữa tiệc dimsum có thể lên đến hàng trăm loại khác nhau Ở Sài Gòn, dimsum được bán nhiều ở khu trung tâm quận 1, quận 5, quận 3. Bắt đầu từ các quán ăn nhỏ của người Hoa, dimsum lan rộng đến ẩm thực đường phố và giờ đây đã nằm trang trọng trong các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng. Dẫu lề phố hay trên bàn tiệc, dimsum đều ngon lành theo cách rất riêng của nó. Và Sài Gòn vốn dĩ rất bao dung, từ lâu đã “kết nạp” dimsum vào danh mục các món ăn không thể không thử khi đến với vùng đất hòa hảo đến kỳ lạ này. Bá Nguyễn