Sài Gòn – Thiên đường ẩm thực của Việt Nam


Nếu như ở mỗi vùng miền, địa phương đều có niềm tự hào và đặc trưng riêng đối với ẩm thực, thì Sài Gòn lại may mắn sở hữu tất cả. Đó là nơi giao thoa ẩm thực từ khắp mọi miền đất nước, là nơi mà những người con xa xứ có thể tìm lại chút hương vị quê nhà. Có những mảnh đất bạn chưa từng đặt chân đến ở phía Bắc Việt Nam, thì bạn cũng có thể dễ dàng tìm được món ăn truyền thống nơi đó ngay tại Sài Gòn. Hãy cùng KUL News khám phá bản đồ ẩm thực Việt Nam tại Sài Gòn nhé.

Văn hóa ẩm thực đường phố Sài Gòn xưa

Thiên đường ẩm thực dưới lòng đất đầu tiên ở Sài Gòn hút du khách

1. Bánh khọt Vũng tàu

Món bánh khọt với lớp vỏ làm từ trứng gà, bột gạo, nước cốt dừa và nhiều loại nhân khác nhau như tôm, sò, thịt, chả cá đã nứt tiếng gần xa. Khi ăn bánh khọt, người dân thành phố biển Vũng Tàu thường dùng kèm với nước mắm pha chua ngọt, rau sống các loại như cải xanh, xà lách, tía tô, diếp cá… và đu đủ thái sợi.

2. Bánh căn Nha Trang

Bánh căn có hình dạng gần giống với bánh khọt, nhưng loại bánh là bột gạo nướng trong khi bánh khọt là bột gạo chiên. Đặc biệt khuôn bánh làm từ đất sét của làng gốm Bàu Trúc, chỉ vậy thôi là đủ để biết món ăn này đậm chất địa phương như thế nào rồi.

3. Nem tai Nam Định

Nem tai được làm từ bì, thịt lợn trộn thính và gia vị, rồi được nắm lại trong lá sung và lá đinh lăn. Khi ăn, bạn sẽ hết sức bất ngờ từ mùi thơm đặc trưng và vị ngọt, béo ngậy, là món ăn rất được ưa chuộng trong các đám cưới tại Nam Định và cả trong bữa ăn thường ngày của người dân nơi đây. Cái khéo léo tài tình chính là gia vị khi pha chế trộn nem phải cho đều tay, bóp thuần thục để nem được nhuyễn và đều, mà đặc biệt là cả nước mắm phải tổng hợp đủ vị cay, chua, mặn, ngọt, thơm thơm của tỏi và ớt.

4. Phở chua Lạng Sơn

Phở chua gồm bánh phở, khoai lang thái chỉ chiên giòn, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, lạc rang, dưa chuột, lạp sườn… Phần nước dùng hay được gọi là nước lèo vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp thịt trước khi quay, và tất nhiên có vị hơi chua. Khi ăn trộn lượng nước dùng vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.

5. Bánh bèo huế

Bánh Bèo làm bằng bột tẻ lọc mịn, được chắt đầy mỗi chiếc “chén vỏ hến” đó rồi đưa cả mẹt vào nồi hấp chín. Khi đưa ra mời khách, nhà hàng rắc thêm lên mặt bánh nào là bột tôm khô, thịt nạc, tóp bì dòn tan. Mẹt bánh Bèo rộn lên những sắc màu hấp dẫn hoà với làn hơi nóng nghi ngút.

6. Bún chả Hà Nội

Bún chả là món ăn ở miền Bắc Việt Nam, phổ biến nhất là ở Hà Nội. Món này có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước dùng có vị thanh nhẹ hơn. Bún chả thường có cùng một lúc hai loại chả: Chả viên và chả miếng. Chả viên được làm từ thịt nạc vai lợn băm thật nhuyễn nặn viên, ướp trộn với muối, tiêu, nước mắm trên 35 độ đạm, đường, hành khô băm thật nhuyễn, dầu thực vật hoặc mỡ nước.

7. Bánh tằm bì Bạc Liêu

Cấu trúc của một dĩa bánh gồm có bành tằm, bì, nước cốt dừa. Riêng bánh tằm bì Bạc Liêu còn điểm xuyết thêm một vài viên xíu mại giúp cho đĩa bánh tăng thêm chất lượng. Tại Sài Gòn, món bánh tằm có một chút thay đổi cho phù hợp với khẩu vị người dân với giá đỗ chần, dưa leo thái sợi, bì heo, thịt, mỡ hành, đậu phộng kết hợp với nước mắm chua ngọt và nước cốt dừa. Đây là một món ăn khá kén người nhé!

8. Hủ tiếu Mỹ Tho

Đây là món ăn đặc sản chiếm rất nhiều cảm tình của người dân Sài Gòn bởi vị thơm từ gạo đặc trưng của vùng sông nước miền Tây qua những sợi bánh hủ tiếu. Gạo để làm bánh hủ tiếu phải là gạo Nàng Thơm, Nàng Út hay Nàng Thơm Chợ Đào, đặc sản của địa phương Mỹ Tho. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có vị thơm hơn hẳn, sợi bánh dai mềm và không có vị chua.

Được biến thể từ hủ tiếu Nam Vang nhưng thành phần món ăn được phá cách một chút để làm tô hủ tiếu thêm hấp dẫn hơn

9. Mì Quảng

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Gạo là loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chống lên nhau và thái sợi. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng (hay còn gọi là dầu lạc) phi với củ nén đập dập chín thơm thoa lên bề mặt của bánh.

Nước nhưn dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng như gà, heo, cá, bò.

10. Bánh tráng nướng Đà Lạt

Được du khách ưu ái gọi là pizza Đà Lạt, bánh tráng nướng trứng là món ăn vặt nổi tiếng của người dân thành phố hoa mà ai đặt chân đến đây đều phải thưởng thức cho bằng được.

Tên gọi của món pizza đặc biệt này bắt nguồn từ các thành phần chính tạo nên món ăn là bánh tráng và trứng gà, được điểm xuyết thêm ít hành lá và tép khô. Không chỉ đơn giản về thành phần, món ăn này còn rất đơn giản trong cách chế biến. Đầu tiên, chiếc bánh tráng được đặt lên vỉ nướng, trứng gà đánh tơi với hành lá, tép khô rồi dàn đều lên bề mặt bánh.

Cái hay của món ăn là người bán phải nướng làm sao để chiếc bánh chín giòn đều mà không bị cháy. Muốn như vậy, khi nướng bạn phải xoay tròn đều chiếc bánh trên vỉ nướng.

11. Bún cá Châu Đốc

Thịt cá mềm ngọt, nước lèo có màu vàng đặc trưng của nghệ cùng hương vị đậm đà đem là những nét đặc trưng riêng của bún cá Châu Đốc.

Món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia, trải qua nhiều nhiều biến tấu trong món ăn đã trở thành ón ăn đặc trưng của người Việt. Món ăn đơn giả chỉ gồm có cá lóc, nước lèo và bún tươi, vài miếng thịt heo quay, điểm nhấn trong món ăn được tạo nên từ những miếng cá lóc tươi ngon được rút xương tỉ mỉ và xào sơ với nghệ và mùi vị nước lèo không lẫn vào đâu được.

12. Nem cua bể Hải Phòng

Nem cua bể là một món ăn đặc trưng trong ẩm thực Hải Phòng với nguyên liệu chủ đạo là hải sản như tôm, cua bể. Do cách gói nem độc đáo theo hình vuông của người Hải Phòng mà nó còn có tên là nem vuông hay đầy đủ hơn là nem vuông cua bể, nem vuông hải sản. Thường sử dụng cua đồng, đôi khi dùng cua biển để chế biến, nem cua bể được coi là hai món ăn có tính đại diện rõ nhất cho phong cách chế biến ẩm thực của người Hải Phòng.

13. Bún bò Huế

Bún bò Huế nghe thì giản dị mà lại có hương vị riêng độc đáo với vị cay nồng từ ớt, mặn mà của mắm, và nước lèo thanh ngọt vô cùng hấp dẫn.

Mặc dù ở Sài Gòn hầu hết các quán bún đều sử dụng sợi bún to chứ không phải sợi nhỏ như ở Huế, nhưng hương vị vẫn đảm bảo được 70%.

Theo kul.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: