Đi đến đâu ở Việt Nam thì chỗ đầu tiên bạn được khuyên nên đến thăm chính là cái chợ. Ở đó có những thứ bạn cần cho một chỗ ở mới, có các sản vật từ thiên nhiên đến nhân tạo và hơn hết thảy, ở đó đặc sệt một thứ văn hóa vùng miền, và cho dù bạn có thích hay không thì bạn cũng phải ít nhiều hít thở với nó, chia sẻ và gắn bó với bầu không khí ấy. Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ, ý tôi là chợ chính thức được bản đồ ghi nhận chứ không kể các chợ chồm hổm, chợ chiều, chợ chạy, chợ lạc xoong, chợ chìm, chợ đen, chợ…búa. Sài Gòn nhiều chợ kinh khủng, từ lớn lớn như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông đến nho nhỏ như cái chợ phường, chợ xóm, từ chợ bán buôn từng mặt hàng riêng biệt như chợ vải, chợ cá, chợ rau, chợ hóa chất, chợ phụ tùng… đến những cái chợ bán hầm bà lằng xắng cấu như chợ Nhỏ, chợ Dân Sinh.. Dù là chợ gì thì luôn đậm đặc không khí của một Sài Gòn, năng động, tình cảm và phóng khoáng. Người ta lo ngại cho số phận những cái chợ một khi hệ thống siêu thị bán lẻ tràn ngập khắp thành phố, các siêu thị càng ngày càng lớn, hàng hóa đa dạng, dịch vụ hoàn hảo và rất nhiều tiện ích khác. Nhưng chợ vẫn còn đó, dù vẫn nóng, vẫn dơ, vẫn ồn áo và náo nhiệt, nhưng vẫn không ít khách hơn là mấy, có lẽ vì người ta đi chợ đôi khi không phải để mua hàng, người ta đi chợ như đi thăm người quen vậy, ở đó luôn có thứ tình cảm mà ở siêu thị không có, có lẽ vì người ta đi chợ không phải vì giá ở chợ rẻ hơn, người ta đi chợ để được gặp nhau, được nghe, được nói, được chào hỏi… Ở Sài Gòn, khi vô trong chợ bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên hoặc đại từ nhân xưng. Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là “cưng”, “con”, “em gái”, “chế” hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như “chị Hai, cô Ba”.. còn nếu lớn tuổi bạn có thể được gọi là “má”, “ngoại” hay “dì Hai, thím Hai” rồi xưng con ngọt xớt. Ở Sài Gòn, khi đi chợ bạn luôn nhận được những tiếng mời chào dễ thương đến nỗi cho dù có đủ gan từ chối bạn cũng không thể không mỉm cười cảm ơn: “Nè cưng, ngồi xuống ăn ly chè mát đi”, hay: “Má ơi, vô đây con thử đôi guốc này coi vừa chưn hôn má, không mua cũng được”… Nếu là đàn ông đi chợ với vợ thì bạn cũng được chào mời dù biết bạn chẳng mua gì: “Em trai ngồi ghế chơi đi để chị chọn đồ cho bà xã hen, uống café hôn để chị kêu”. Nếu vô coi hàng rồi mà không ưng ý thì cũng đừng ra mặt kẻo người bán họ buồn, nếu không ưng thì cứ cảm ơn rồi đi, bạn sẽ vẫn nhận được nụ cười tươi như khi bạn đến: “Bữa khác ghé lại nghen mấy cưng”. Ở Sài Gòn đi chợ phải ăn mới đúng điệu, chợ nào cũng có hàng ăn, ngay trong chợ hoặc phía sau, bên hông, hoặc giả đâu đó mà bạn không cần biết. Hàng quán đôi khi xập xệ và tạm bợ lại còn trông hơi mất vệ sinh vậy chớ ăn ngon lắm, đồ ăn nóng hổi và đầy đủ gia vị. Thường mỗi hàng một món, có chỗ chuyên bán nước, có chỗ chỉ bán đồ ăn sẵn, nhưng đừng ngại, bạn có thể ngồi ở hàng phở mà kêu tô bún bò cũng có người bưng tới, có thể ngồi ở hàng café mà kêu cơm tấm cũng được phục vụ vui vẻ, cũng có chỗ thì thì bạn có thể uống trà đá miễn phí, đến đã khát thì thôi. Có lần tôi đi ngang một chỗ bán quần áo ở chợ Bến Thành, thấy chị bán hàng đang ăn bún riêu, tôi buột miệng nói: “nhìn ngon quá”, chị ngước mặt đầy mồ hôi nhìn tôi sởi lởi: “Ngon dữ, ăn không, ngồi đây đi em trai, chị kêu vô cho, một phút có liền, ăn đi chị bao mà”. Từ đó tôi là khách của bà bán bún riêu chợ Bến Thành, lần nào ghé cũng 2 tô đúp, tôi có thể nói ai đi chợ Bến Thành mà chưa ăn bún riêu của bả thì coi như chưa biết chợ Bến Thành vậy. Đi chợ ở Sài Gòn cảm giác lạ lắm, người bán luôn tìm cách làm vừa lòng bạn như không hề vụ lợi, ở chợ bạn được coi như thân tình, như bà con, như bạn bè, bạn có thể trao đổi với người bán về chuyện học của con bạn hay chuyện ông hàng xóm khó chịu của bạn, bạn luôn được lắng nghe và chia sẻ, bạn luôn được động viên và giúp đỡ rất chân tình. Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới chỗ bán sành sứ và giới thiệu rằng bạn là anh/chị/em/bà cô/ bà dì của họ… rằng bạn phải được mua giá sỉ, rằng bạn là VIP… bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư, không hề, thiệt tình đó bạn và bạn không bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó, cho dù có mua phải một món hàng bị hớ giá hoặc tìm không ra món đồ mình thích. Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ cho dù bạn không đòi hỏi, mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái, mua hai cái áo tặng thêm cái nón, mua có cái bóp được đãi ly cafe… không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng, hãy nhận bằng cả tấm lòng. Có lần tôi mua một sợi dây nịt với giá 200 ngàn, khi đi một vòng tôi phát hiện cũng sợi dây nịt đó được bán chỗ khác với giá 120 ngàn, tôi quay lại cười với gã bán: Nè anh, sợi dây này bên kia bán có trăm hai, sao nãy anh bán tôi hai trăm? Gã cười xềnh xệch: chắc em lộn giá, thôi để em đền anh cái bóp xịn hen, bóp này hàng hiệu luôn, giá tới năm trăm đó. Tôi coi cái bóp thấy cũng ưng ý, dù biết tỏng nó chưa tới tám chục, cũng vui vẻ cầm. Sau này mỗi lần ghé, gã đều nói, anh cứ đi một vòng, chỗ nào bán rẻ hơn em đền anh gấp đôi, còn bao anh café nữa, thiệt, nói vậy chớ tôi chẳng hỏi ai bao giờ, tôi tin gã. Vợ chồng tôi trước có hay mua đồng hồ ở cổng chợ Bến Thành, mỗi lần một cặp. Sau này mỗi lần đi vô chợ là chị bán đồng hồ lại kêu lại, nói, thằng Hai, chị để dành cho tụi em cặp này bữa giờ, đẹp lắm, giá gốc luôn, hàng xịn đó. Lần nào cũng một cặp nữa, riết không dám đi cổng chính, toàn quẹo vô chợ từ bên hông chợ, vì đi cổng chính thể nào cũng mua một cặp, không thể từ chối chị được. Có lần chúng tôi đi du lịch, vợ tôi gặp một phụ nữ khác cũng đi với gia đình, cô bạn kia cũng chào tôi và tỏ ra mừng vui không xiết, thế là hai bên xúm lại, trò chuyện, giới thiệu chồng, con, gia đình rồi cùng ăn uống vui vẻ, tôi cứ nghĩ đó là một cô bạn thân của vợ tôi mà tôi chưa biết. Sau khi chia tay nhau và cùng hẹn sẽ đi Thái Lan, tôi hỏi lại vợ xem bạn này là thế nào thì vợ cười ha hả, anh không nhớ hả, là nhỏ bán túi xách ở Chợ Sài Gòn đó. … Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ. Cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người Sài Gòn. Đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì, đôi khi chỉ là để được nghe một câu nói: “nè cưng, lâu quá không thấy ghé” Theo Đàm Hà Phú