Từ mùng 9 Tết, tức 24-2, đường phố TP.HCM đã hết thông thoáng như những ngày trong Tết. Sài Gòn nè, Sài Gòn… Tìm khoảng lặng giữa lòng Sài Gòn hối hả Xe cộ chen chúc và lúc nhúc người từ hai đầu cửa ngõ đổ vào TP như những ngày trước từ nơi đây đổ về Nam và ngược về Bắc. Sự ngột ngạt đã trở lại với Sài Gòn như nó vốn có và như thế mới đúng “bản diện” của Sài Gòn. Những người trở lại TP này là những bộ phận không thể thiếu được để xây dựng cho một tương lai TP đang trỗi mình hằng ngày. Họ là những người góp phần làm nên bộ mặt TP từ cuộc mưu sinh không dễ dàng gì của họ. Từng chuyến xe đò chật bến thả xuống từng con người tay xách nách mang món quà quê vào Sài Gòn để tặng bạn bè – những người có nhiều lý do để không về quê dịp Tết. Rồi sáng mai họ sẽ vào các nhà máy, công xưởng đang cần thợ ngày sản xuất lấy hên đầu năm. Sáng mùng 9 Tết đã thấy anh thợ may, chuyên vá, sửa, đơm nút, lên lai, xuống lai quần áo ngồi ở chợ Ga (quận Phú Nhuận) đạp cần mẫn. Anh là người miền Bắc, chỉ cần cái bàn máy may với một chút tay nghề, một chút cẩn thận và một chút uy tín, không hứa lèo thì mỗi năm anh đều sống được một cách đàng hoàng. Bên cạnh là chị bán bắp luộc, bán xôi người miền Trung đang nhận lì xì khai trương từ một bác già vốn là khách hàng quen thuộc. Qua Tết, đường phố Sài Gòn lại đông đúc. Ảnh: HTD Những người vào Sài Gòn sớm không cần phải đi đánh nhau để cướp lộc, chen chúc nhét từng đồng lẻ vào tay tượng thần. Sài Gòn đã mang lại cuộc sống đàng hoàng cho những người mần ăn đàng hoàng. Chữ đàng hoàng này tùy theo sự hiểu biết và mong mỏi có giới hạn của từng con người. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã từng viết với một sự nhận xét không chút nào thiên vị cũng làm sung sướng người đọc Sài Gòn, rằng Sài Gòn là một TP xa hoa. Quá “chất” khi ông hạ bút không chút lưu tình khi nhận xét như vậy. Biết đâu bây giờ ông chẳng sửa lại là “Sài gòn là một TP rất rất xa hoa”. Cung cách ăn chơi ở đất này đã nổi tiếng từ lâu: “Sài Gòn là chốn ăn chơi/ Cái nón cũng bán cái tơi cũng cầm”. Nhưng hơn 50 năm về trước, ông Bình Nguyên Lộc cũng viết: “Nhưng Sài Gòn là một TP của làm việc. Nhưng không đâu người Sài Gòn làm việc nhiều bằng ở đây. Đó là một trường hợp cần cù và nhẫn nại mà ai muốn theo gương phải tới đó mà thọ giáo”. Đây là ông nói người nông dân Triều Châu trồng cải ở Bình Đông. Cái khu Bình Đông đó giờ không còn người trồng cải nữa, xung quanh nó đã là phố xá khang trang, sầm uất. Người trồng cải Bình Đông ngày xưa của Dương Ngạn Địch bây giờ đã để lại vô số con cháu định cư vĩnh viễn ở cái đất Thầy Ngòn – Đề Ngạn này. (Dương Ngạn Địch là thủ lĩnh nông dân phản Thanh phục Minh của Trung Quốc, năm 1679 ông sang thần phục chúa Nguyễn và trở thành người có công trong việc phát triển vùng đất Mỹ Tho). Đó là những người nhập cư đất Sài Côn thế hệ F1. Họ đã xây dựng Sài Gòn để cho những người nhập cư nhiều thế hệ sau này khắp Bắc Trung Nam dập dìu ở vùng đất “hồn dâng Chợ Lớn, tim trao Sài Gòn” (Bùi Giáng). Sài Gòn là vùng đất đầy mời gọi và dung nạp các con dân tứ xứ. Họ đến đây để xây dựng Sài Gòn và Sài Gòn mang lại cuộc sống họ đang kiếm tìm bằng chính sức của mình. Sài Gòn sau ba ngày Tết đã trở lại chính cái bản diện thực của mình từ những ngày thật lặng lẽ. Biết rằng TP sẽ đi vào vòng tuần hoàn kẹt xe, kẹt ngõ, chen chúc vì đường sá chưa đáp ứng được sự gia tăng của dòng người nhập cư nhưng Sài Gòn không thể thiếu họ – những người góp phần làm nên bộ mặt của TP tương lai. Theo PLO