Tui gọi nó là mùi Sài Gòn, nhưng thực sự tui vẫn đang hổng biết diễn tả nó ra sao. Cầu Nhị Thiên Đường – thiên đường tuổi thơ tôi Công trường Quách Thị Trang: “Tình cũ làm sao quên” Cái mùi Sài Gòn, nó là thứ mà không có từ ngữ nào có thể viết ra rõ ràng, là thứ không có hình ảnh nào diễn tả được trọn vẹn. Cái mùi Sài Gòn, tui chỉ biết rằng, khi rời xa mảnh đất này thật xa và đủ lâu để mà mọi giác quan của mình, luôn thấy có cái gì đó thiếu thiếu. Để rồi khi trở về, tui hít hà vài hơi cho đã cơn nhớ rồi phải nói thật to rằng: “Hầy dà, đúng là cái mùi Sài Gòn, hổng lẫn vào đâu được”. “Hầy dà, đúng là cái mùi Sài Gòn, hổng lẫn vào đâu được”. Cái mùi Sài Gòn không có điểm đặc trưng nào cả, y như cái tính hào sảng của mảnh đất này với bao kiếp người lang bạt. Hay nói cách khác, cái mùi Sài Gòn đã được những mảnh đời phương xa mang tới, tạo nên. Ở khu thị dân nghèo, nó là cái mùi từ quần áo ít được giặt qua với nước xả vải, thậm chí là chỉ giặt với cục xà bông thường thôi, nó là cái mùi từ nồi thịt, nồi cá kho mặn chát mà còn cay xè để ăn được nhiều cơm. Ở khu sang trọng như đường Đồng Khởi, nó là cái mùi của thơm, của dứa khi người ta đốt đèn cầy bỏ vào đó. Hay đơn giản là mùi nước hoa hơi nồng của một ông cậu, bà dì tuổi trung niên, trẻ hơn thì nước hoa sẽ thanh hơn. Bình dân nhất, thì có lẽ đó là mùi từ cục xà bông. Thực sự tui cũng không biết diễn tả ra sao. Cái mùi đó nó như kiểu mùi của một người mới tắm xong, tất nhiên là trừ mùi của dầu gội à nha. Cái mùi Sài Gòn không có điểm đặc trưng nào cả, y như cái tính hào sảng của mảnh đất này với bao kiếp người lang bạt Người ta vẫn bảo, Sài Gòn như một cô gái đỏng đảnh, sáng nắng chiều mưa, chỉ có hai mùa. Nhưng không phải dậy à nha. Với tui, ban sáng khi “ánh vàng mặt trời đã nhẹ nhàng hôn lên bờ má”… tui, đó là mùa xuân, tiếp đến “buổi trưa ăn bưởi chua” là mùa hè, “xế chiều ngồi vót tàu cau bó chổi” là mùa thu, và ban đêm, khi “con phố đã lên đèn mà lên đèn phải xuống phố”, đến rạng sáng mơ, là thời điểm mùa đông. Tương ứng với mỗi mùa này cũng đã tạo ra những cái mùi Sài Gòn, một thứ hằm bà lằng đặc trưng của nhiều nơi. Vào ban sáng, khi không khí đang trong lành nhất, bạn đi qua một con đường nhiều cây cối như Nguyễn Đình Chiểu, 3/2, Công viên Gia Định, quanh quanh Dinh Thống Nhất, hẳn sẽ cảm nhận được sự thoáng mát như đang ở trên cao nguyên. Hay nếu như bạn đang ở nhà, và nếu trong xóm có ông cậu nuôi gà chọi, cứ khoảng 4h30 lại vang tiếng gáy, không khác gì như ở thôn quê. Không chỉ có thế, cái mùi “mùa xuân” Sài Gòn vào ban sáng còn là nhiều những mùi khác, như cái mùi gạo nếp từ nồi hấp nè, cái mùi lạp xưởng nè, mùi mỡ hành nè… rồi cơm tấm, không chỉ là cái mùi khói bay ra từ chỗ nướng sườn, mà còn là mùi gạo tấm khi người bán mở nắp nồi, tạo ra luồng khói nhìn rất thích mắt, mùi của nước mắm ngọt. Rồi bánh mì nữa, mùi “bánh mì bơ sữa, đặc biệt thơm ngon, 2 ngàn một ổ” (giá cũ òi), cái mùi của bánh mì không ruột những chỗ khô khô… chỉ là cái mùi khói bay ra từ chỗ nướng sườn mùi của cà phê Nếu như tối qua có mưa, cái mùi Sài Gòn nó còn thể hiện ra ở cả những vũng nước đọng. Cái mùi này có nhiều nhất ở chợ. Nó là một thứ mùi giống mùi nước cống nhưng hổng phải là mùi nước cống. Bởi cái hôi của nó không hắt, hôi mà còn hôi dịu dàng nữa hà. Bởi vì nó đã được trộn thêm những mùi từ đồ thực phẩm tươi, mùi vải (vải vóc)… Ở các chợ xe máy Tân Thành hay đồ điện tử Nhật Tảo, tất nhiên là còn có cái mùi nhựa, mùi của vật ở thể rắn. Chắc chắn vào “mùa xuân” Sài Gòn, hổng thể bỏ sót cái mùi của cà phê. Mà dân Sài Gòn ngộ lắm ha. Hông phải ai cũng cố ý trộn đậu xanh, đậu nành vào cà phê đâu. Những “con nghiện ít nhất phải 3 cữ/ngày mới thỏa cơn”, họ bảo á, tui thích trộn một ít đậu vào như vậy để cà phê nó có cái mùi dịu nhẹ và thơm hơn. Cuối xuân chớm hè, cái mùi Sài Gòn dần có nét đặc trưng của những thành phố lớn. Đó là cái mùi khói xe, và nói chung chung lại nhứt là mùi của con người, mùi của sự đông đúc. Rồi nó còn là mùi của bã nước mía mới xay, lại là mùi thịt, cá kho từ những quán ăn bình dân,… Rồi tới giờ chiều, đặc trưng nhất chắc chắn là mùi mưa. Mưa bình thường hổng nói, mưa kiểu ngắt ngừng như con nít đái dắt cơ mới chịu à. Bởi lúc đó nó mới có mùi của đất bốc lên. Mà nói chứ cái mùi này hổng tốt cho sức khỏe đâu nhen. Nó rất dễ gây bệnh khi hơi đất ngấm vào các lỗ chân lông đó nhen. Đặc trưng nhất chắc chắn là mùi mưa À mà quên, đã mưa thì phải có mùi áo mưa. Cái mùi này hồi nhỏ thằng tui ghét lắm, vì nó kiểu như mùi làm mình say xe vậy á. Bởi, ba má trùm áo mưa ra sao là nhất quyết thò cái đầu ra ngoài. Cuối buổi chiều cũng là lúc mà những xe đẩy hủ tíu hay cơm tấm đêm bắt đầu. Khói từ xe hủ tíu, từ cái vỉ nướng sườn nè, cộng thêm việc mình đi trong mưa nữa. Úi cha ta nói, nó ghiền gì đâu hà. Đến tối, thời điểm “con phố đã lên đèn”, Sài Gòn tiếp tục dạng mùi của một thành phố dân cư đông đúc Đến tối, thời điểm “con phố đã lên đèn”, Sài Gòn tiếp tục dạng mùi của một thành phố dân cư đông đúc. Nhưng mà “đã lên đèn” thì mình phải lên đồ hoi. Với giới trẻ, hông kể lại các mùi nước hoa, cái mùi này dường như sẽ là mùi từ những bia, rượu đắt xèng, rồi mùi shisha trái cây nữa nè. Nếu những có người yêu thì hẳn sẽ có mùi của “gấu”, hihiii. Bình dân hơn, cái mùi Sài Gòn lúc này là mùi từ những quán nhậu vỉa hè, cũng là mùi bia, trộn lẫn với mùi đồ nướng. Đặc biệt nhứt thời điểm này, nếu bạn có ở gần, ven sông thì chắc chắn luôn nhen, bạn sẽ được trải nghiệm mùi của biển. Cái mùi mà khi cơn gió lướt qua ngang ta, cảm tưởng ngay về vị mặn như đang ở Vũng Tàu vậy á. Nếu bạn có ở gần, ven sông thì chắc chắn luôn nhen, bạn sẽ được trải nghiệm mùi của biển Rồi cũng đã đến nửa đêm, không kể những khu “xuyên màn đêm”, cái mùi Sài Gòn lúc này sẽ hợp với những ai sống nội tâm, vì đây cũng chính là thời điểm nhiều cái mùi trong ngày diễn ra thật chậm chạp, mà bạn có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về chúng hơn. Đó có thể là mùi xe cộ, mùi từ những chiếc Su Xì Po của một tay chơi, mùi từ xe rác của các chú, các dì công nhân, mùi của cống, mùi của cà phê, mùi của cơm tấm, hủ tíu… Sài Gòn không bao giờ ngủ, vì tiền hổng bao giờ đủ, nên buổi tối sẽ là một cái kết bài hoàn hảo cho cái mùi của Sài Gòn. Đây là những trải nghiệm của riêng tui, thực sự vẫn còn thiếu rất nhiều, rồi như tui đã nói từ đâu, thực sự tui dẫn còn “mông lung, hổng rõ vấn đề” để diễn tả cái mùi Sài Gòn. Theo Sài Gòn của tôi