Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, nhưng anh lại đeo đuổi con đường nhiếp ảnh báo chí, nhiếp ảnh thời trang và khởi sự với studio nhiếp ảnh thương mại Stop &Go. CEO Tomato Childrens Home Nguyễn Thúy Uyên Phương: Kiên định với con đường mình tin là đúng Bí quyết hạnh phúc của Nghệ nhân ẩm thực, mẹ đơn thân Đoàn Thu Thủy: Liều lĩnh sống trọn vẹn từng phút giây Anh Phan Quang, Chủ nhân chuỗi khách sạn Stop and Go Boutique & Dã Quỳ Đà Lạt Đang ở độ chín về tuổi đời, tuổi nghề, có tên tuổi trong làng báo, anh lại bỏ ngang đi du học Mỹ, và bước vào con đường nhiếp ảnh ý niệm, với nhiều triển lãm cá nhân tạo dấu ấn như “Nhật ký người nông dân”; “Không gian/Giới hạn”… Từng bán tranh mấy trăm ngàn USD mỗi năm, anh lại quyết định “lên ngàn”, khởi nghiệp với Stop and Go Boutique và chuỗi villa Dã Quỳ – những không gian mộc mạc ấm áp giữa Đà Lạt sương mù như một lời mời gọi nên thơ… Và bây giờ, anh lại “xuống biển”, để gầy dựng một giấc mơ mới cho đời mình, một resort nhỏ nhắn giữa eo biển Đại Ninh, nơi có một làng chài cả trăm năm nay vẫn xưa cũ và trong lành như biển. Từ thiết kế, in ấn, làm xưởng mộc, làm khách sạn, resort, sáng tác… cuộc đời anh là câu chuyện vượt ra khỏi những giới hạn của bản thân, của nghề nghiệp, của kinh doanh và nghệ thuật, để sống cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, cho mình, và cho bè bạn. Đến với Dã Quỳ một buổi sáng đầu Đông, bạn sẽ được chữa lành bởi một lối cũ hoang dại, dẫn đến khu vườn cũng hoang dại của ngày xưa. Phan Quang chẳng làm gì nhiều, chỉ đơn giản là đưa bạn trở về nhà. Nhà là mình thôi mà, với khu vườn cũ, những bức ảnh đã cũ, những chiếc bàn, chiếc ghế mộc mạc giống như nguyên thủy, có khiếm khuyết, có rạn vỡ, nhưng đầy cảm xúc, đầy ký ức. Nếu như trong tác phẩm của anh, con người vùng vẫy đủ kiểu để tìm lại bản ngã của mình, kháng cự sống trong những chiếc lồng ngột ngạt với đầy vết thương, sự vỡ nát, bấp bênh, hoang tàn… thì trong những không gian nghỉ dưỡng do anh tạo dựng lại tràn ngập một bầu trời tự do, khoáng đãng, tinh tế và bay bổng. Như một cách để anh tìm lại sự cân bằng cho chính mình, và cho du khách mỗi lần ghé chân ngơi nghỉ. Ngồi với Quang một buổi tối ở Stop and Go Boutique giữa bạn bè, trong tiếng hát của dịu nhẹ của hai ca sĩ còn trẻ măng với những bản nhạc tình mới mẻ, giữa mùi thơm ngào ngạt của món gà rừng nướng trên bếp than hồng, nhấm nháp ly rượu chát, mới thấm cái ấm áp ngọt ngào của tình người giữa giá lạnh triền miên. Nằm rất gần trung tâm Đà Lạt, nhưng Stop and Go Boutique lại như một ốc đảo xanh tươi yên tĩnh đến kỳ lạ, nép mình bên hàng thông hiếm hoi còn sót lại trên đường Võ Trường Toản vốn lổn nhổn đầy nhà xây đủ kiểu. Các bạn nhân viên ở đây hầu hết đều rất trẻ, nhiệt tình đón tôi ngay từ phút đầu tiên vào sớm tinh mơ khi cả thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Không gian chụp hình ở đây cũng rất lãng mạn, còn có cả rặng dã quỳ rực rỡ. Mỗi phòng là một thiết kế khác nhau, giản dị, mộc mạc, nhưng ẩn dấu vẻ kiêu sa thầm lặng bởi những đóa hoa dại và những chiếc màn cửa màu trắng sang trọng, phản chiếu thứ ánh sáng huyền hoặc… Ít ai biết, để gầy dựng một boutique nhỏ nhắn với tinh thần thẩm mỹ riêng biệt như thế giữa Đà Lạt tràn ngập những khách sạn cao cấp giống hệt nhau, Quang đã… run bần bật! “Lúc đó không có nghề, cũng không biết học ở đâu? Làm sao cho khách tới? Không có nhiều tiền nữa. Thu vén hết mọi nguồn tích lũy từ bao nhiêu năm của hai vợ chồng chỉ có hơn 1 tỷ, nghĩ phải bắt đầu khởi nghiệp thôi, cùng lắm thất bại quay về số không, cũng có cái nhà để ở, rồi lại tính tiếp thôi, chứ đâu có nghĩ gì xa xôi. Thế là liều làm. Không có tiền nhiều, nên ban đầu cứ tự đục đẽo, từ từ mới dám thuê thợ, tiết kiệm từng chút thế là bắt đầu hình thành. Thêm nữa, khách sạn ở Đà Lạt thường rất chán, chật chội, giống nhau, vì những chủ đầu tư làm dạng nhỏ nhỏ vậy thì không có nghề, còn các khách sạn lớn họ thuê dân chuyên nghiệp rồi. Mình nên đi theo cách khác. Các kiến trúc sư thường bị mắc lỗi là không có kiến thức thực tế. Họ vẽ lên rất đẹp đẽ, công năng, nhưng cái nào cũng giống cái nào. Có được khoảng không gian xanh chưa ai xây cất, thế là tự mình lên ý tưởng thiết kế. Muốn tồn tại phải tập trung vào đối tượng khách hàng mà mình muốn nhắm tới, giấc ngủ của họ thế nào? Họ di chuyển ra sao? Đầu tư cái gì là quan trọng nhất? Còn phần nào có thể tiết giảm tối đa để hạ giá thành xuống. Khách sạn phải có công trình phụ, nếu không quy hoạch ngay từ đầu sẽ phá vỡ bố cục ngay. Với lại thợ tôi thuê cũng chưa chuyên nghiệp, tôi có kinh nghiệm, nên sự trao đổi thẳng thắn giữa hai bên mới hiệu quả. Từ đây tôi bắt đầu nghề mộc luôn. Sau này mọi người bắt đầu kêu tôi làm thiết kế cho nhà. Khánh Vân bạn tôi là vị khách đầu tiên. Làm nhà xong cho cô ấy, ai cũng khen đẹp. Thế là sẵn mình có thợ thầy trong tay, kêu kiến trúc sư về nữa, tôi thành nghề chủ thầu, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa trang trí nội thất. Mấy khách sạn nho nhỏ sau này thấy tôi làm thành công cũng nhờ tôi tư vấn cho họ cách vận hành luôn, vì họ rất đuối trong quản lý nhân sự. Họ chỉ có số vốn, muốn xây resort, nhờ tôi chỉ cho cách vận hành ra sao…”, anh Quang tâm sự. Stop and Go Boutique được ví như một ốc đảo xanh tươi yên tĩnh đến kỳ lạ Những ngày đầu tiên anh buôn bán thế nào? “Tôi có nhiều kênh để marketing, từ Facebook, mobile video, live streamiing, social networks như Twiter, forums… Nhưng quan trọng nhất là phải tạo ra sự khác biệt trong thiết kế kiến trúc, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, nếu không có gì níu lại trong sự cạnh tranh quyết liệt này là thua. Tôi phải đứng riêng ra, cơ cấu giá cũng khác biệt. Khảo sát hết khách du lịch, các bảng giá ở Đà Lạt qua dữ liệu data, dùng nó để quy chiếu lại đã thành điểm đến chưa? Khi đó mới xác định giá. Bình quân giá phòng ở đây giao động từ 300 đến 500 ngàn/phòng. Nếu tôi cũng bán 500 ngàn là tự cạnh tranh với họ, chứ đâu có khác biệt. Còn trên 1 triệu là lại cạnh tranh với các resort cao cấp khác. Tôi cứ bán 900 ngàn đến 920 ngàn/phòng, phân khúc đó không cạnh tranh với ai, giá cũng dễ chịu. Bao nhiêu năm thì anh… dứt lỗ? “Một năm đầu thu hồi vốn rồi, bởi năng suất luôn đạt 92,5%, còn riêng tôi thì 4 tháng không được ngủ ở khách sạn của mình. Bởi tôi rất cần ngủ trong khách sạn để biết mình thiếu cái gì, cần điều chỉnh thế nào, nhưng không có cơ hội ngủ luôn. Năm rồi cũng đạt 92,7%. Nhiều lúc từ Sài Gòn lên phải thuê khách sạn kế bên ngủ tiếp cho đầy giấc! Stop and Go đầu tư hơn 2 tỷ, phải vay thêm 800 triệu của ngân hàng nữa nhưng run bần bật, vì từ xưa tới giờ có vay mượn ai đâu. Nhưng sau một năm tôi đã trả hết nợ, gối đầu này, chụp đầu kia, gói ghém tối đa, mua cái đinh cũng tính, trong trạng thái không có tiền, chắt bóp, còn thẳng băng ra thì xây dựng cũng mất hơn 5 tỷ. Khi hỏi anh làm thế nào để tạo dựng một đội ngũ nhân sự trẻ và yêu nghề, yêu Stop and Go đến vậy? Anh cười xòa, nụ cười bình dị chất phác y hệt dân miền biển Bình Định quê anh: “Cần nhất là tạo ra một cơ chế thoáng cho nhân viên. Nhân viên của tôi dễ thương lắm, vì mình chăm lo cho các em từng chút một. Đâu có khách sạn nhỏ nào ở Đà Lạt dám trả bảo hiểm, ăn, du lịch, kỷ niệm sinh nhật… Mười mấy phòng thôi nhưng gần 20 nhân viên. Mấy resort mới dám làm trung bình 1,4 đến 1,5 nhân viên. Còn mình một phòng gần 2 nhân viên Tôi đặc biệt tuyển nhân viên không ai có nghiệp vụ, tự mình đào tạo hết, cũng không quan tâm đến trình độ, bằng cấp nữa. Toàn tuyển “tay ngang”, quan trọng là tính tình, tố chất tùy theo vai trò. Có bạn đang giảng dạy cũng đến làm cho tôi. Bạn nào ra đi Quang ủng hộ hết, nhưng đi vài bữa lại trở về…”. Nguyên tắc làm việc của anh cũng giống như tính cách của chính mình, phục vụ mọi người bằng tấm chân tình, có thể sai xíu họ cũng không trách móc gì. Còn hệ thống chuyên môn quá máy móc mà lạnh lùng cũng không hay. Khó khăn nhất trong kinh doanh khách sạn là tìm được một người quản lý tâm phúc, giỏi nghề. “Đời quản lý đầu tiên một anh làm vườn về làm quản lý, sau đó anh ra đi, mình cũng thuê vài người quản lý chuyên nghiệp về, nhưng không có ai gắn bó lâu dài với mình cả, vì cách làm việc của họ rất máy móc, trong khi đối với mình, không bao giờ được nói không. Khách hàng yêu cầu cái gì cũng phải tìm mọi cách xử lý. Nhìn mọi người tôi có thể đoán ai sẽ đi với mình trong đường dài. Tôi quyết định đưa một em từ buồng phòng lên làm quản lý khi quan sát cách cô ấy làm, cách cô góp ý với tôi từng chi tiết nhỏ trong phòng. Tôi nói với em: “Em phải chấp nhận cuộc chơi với anh, đi dường đài, nếu em chấp nhận, trong vòng hai năm em sẽ lên cấp quản lý”. Mỗi tháng cho cô ấy đi học về huấn luyện quản lý khách sạn, huấn luyện đào tạo làm lãnh đạo. Từ không biết chữ nào về kế toán, bán hàng, tôi phải hướng dẫn từ đầu. Có lúc cô ấy bị căng thẳng, chồng thì bỏ, tôi phải động viên liên tục. Giờ thì cô ấy nhàn rồi, tôi đi xa nửa tháng cũng yên tâm. Cô ấy phục tôi, còn tôi đặt niềm tin nơi cô ấy, nên cô ấy cũng cho tôi niềm tin. Phải sử dụng người kiểu đó chứ nếu quản lý mà ở với mình không đủ lâu thì không thể. Nghề này cần nhất là giữ được phong độ ổn định”. Về marketing, anh sắm hẳn một đội dưới Sài Gòn toàn là sinh viên. “Mình không rành công nghệ thì tìm một bạn giỏi nhất về công nghệ để nhờ bạn ấy hướng dẫn cho sinh viên và nhân viên của mình để bộ máy chạy trơn tru, mình kiểm soát chất lượng chừng ba tháng, khi thấy các bạn tự quyết được rồi thì buông luôn”, anh nói. Nguyên tắc của anh là ai làm được việc gì thì giao luôn việc đó hoàn toàn quyết định, để anh còn lo đầu việc khác, chứ không ngồi đó giữ rịt nhân viên, bởi anh quan niệm “mình làm được 9 điểm, nhân viên làm được 7 điểm là ok rồi”. Có lẽ nhờ thế mà anh có thể triển khai thêm nhiều đầu tư khác nữa như thiết kế in ấn, xưởng mộc, đầu tư resort… chứ một mình làm sao nổi. Công ty in ấn thiết kế anh cũng quản lý theo cách như vậy. Gầy dựng được vài năm, bắt đầu có khách hàng, một bạn từng làm CEO xuất sắc của một ngân hàng mới 27 tuổi, kêu anh bằng chú lúc ấy muốn về: “Con muốn nghỉ ngành ngân hàng, tìm không gian mới, vì ngành ngân hàng giờ rất nguy hiểm. Mình là người chân thật, không thể làm ăn gian dối, cấp trên “ép” xuống mình làm cũng chết, không làm cũng chết”. Anh nói: “Không được, mày đừng có theo tao, tao không đủ lương trả mày như ngân hàng đâu”. Nhưng bạn ấy vẫn quyết tâm theo anh. Anh quyết định gia hết công ty in ấn thiết kế cho bạn ấy quản lý và thỏa thuận: “Lương bình thường thôi, vốn liếng, đường xá, cơ sở hạ tầng mấy năm nay anh làm hết rồi, mày vô đi, lợi nhuận 50-50. Mỗi năm tổng kết kết lại, làm ra 10 đồng, anh lấy 5 đồng. Nhưng cái này sẽ mãi mãi, chứ bây giờ mày thấy 50% là ngon, nhưng sau này thấy ông Quang không làm gì mà lấy 50% đừng có nóng ruột nha”. Với Giám đốc công ty nội thất anh Quang cũng áp dụng theo cách y chang vậy: “Mày chơi cuộc chơi này không? Trong vòng ba năm đầu tao làm hết, chứ mày làm không nổi đâu, khách hàng gặp mày không tin đâu. Cuộc chơi 10 năm, đến năm thứ ba trở đi mày được 50% lợi nhuận. Còn 50% đó mày làm gì tao không biết. Nếu nhận thêm nhân viên thì tự cắt 50% của mình xuống, chứ anh không cắt phần của anh”. Thế là anh em xắn tay vào làm, sức trẻ, làm ngày làm đêm, hôm qua bạn ấy mới ký hợp đồng 2 tỷ, về mừng hết lớn, anh kể. Anh Quang tự tay chế tác nhiều món đồ Còn chất xám, thiết kế mẫu mã thì anh Quang đảm nhận hết. Không phải anh trực tiếp làm, anh có tư duy thẩm mỹ, cùng với đội ngũ kiến trúc sư khoảng 8 người, mỗi người có thế mạnh riêng, sẽ triển khai ý tưởng của anh ra giấy. 8 bạn kiến trúc sư này làm việc với Quang theo kiểu bán thời gian, nhưng luôn ưu tiên cho Quang. Quang cũng không nuôi đội ngũ sáng tạo này bằng lương, mà trả tiền theo từng dự án. “Có công trình là 8 bạn đó lao vào làm liền, mình trả tiền cao, sau khi các bạn vẽ xong mình điều chỉnh lại, nhờ vẽ lại, lần thứ hai mới đưa cho khách hàng, khách hàng điều chỉnh lại, rồi phải vẽ lại lần nữa… ba lần vẽ như thế xác suất thành công sẽ cao hơn”, anh cho biết. Con số 88 Lý Tử Trọng dường như mang đến cho Quang sự khởi đầu may mắn. Mọi chuyện sau đó đều suôn sẻ. Hiện có nhà đầu tư trả 1,4 triệu USD cho Stop and Go, nhưng Quang không có ý định bán. Anh lại tiếp tục đầu tư một resort ở vùng biển Đại Ninh hơn 1 triệu USD, một giấc mơ mới của đời mình. Đất Đà Lạt đã quá đắt, anh cần một không gian mới đủ rộng để anh thỏa sức sáng tạo. Tìm một eo biển nhỏ gần Mũi Né, nơi có một làng chài ven biển tồn tại cả trăm năm nay, với những người dân chài hiền lành chất phác và những thuyền đánh cá nho nhỏ gần bờ, ý tưởng một resort mang màu sắc bản địa trong cả chất liệu và tinh thần đã khiến anh vô cùng hào hứng. “Làm resort dưới biển vui hơn, đủ để làm hết sức của mình. Một thử thách mới cả về tinh thần, ý tưởng, chất liệu. Làm quen với người dân làng chài, tìm hiểu kỹ về văn hóa Chăm, tôi phát hiện ra rất nhiều điều lý thú. “Công nghệ” rẻ mà chất từ khách sạn đầu tiên anh cũng áp dụng xuống resort ở biển, xây hà tiện tiết kiệm tối đa, vì đâu có đủ vốn, mua đất là hết tiền rồi. Anh cũng chủ động tuyển dân biển ngay tại địa phương, nói tiếng địa phương có thể hơi khó nghe, miễn làm sao tỏa được tấm chân tình. Có thể xách cái vali không đúng điệu, nhưng xách va li bằng cả cái tâm, chứ không xách vali lên rồi thả cái đụi thì cũng vậy. “Hồi xưa tôi ôm suốt ở khách sạn, dạy các em kỹ lắm. Giờ thì ôm suốt ở resort, ăn bờ ngủ bụi với nhân viên”, anh nói. Để làm được hệ cửa cho toàn bộ resort cũng là một câu chuyện hi hữu. Nhiêu cửa cũ đó tiền gỗ không cũng phải 800 triệu, mình mua có 27 triệu. Đi ngang Ninh Thuận, thấy một tiệm phế liệu có nhiều cửa lắm, tôi nói bao nhiêu gỗ tôi mua hết, họ nói 30 triệu, mình trả 27 triệu, họ bán. Giờ đủ cửa cho khách sạn, chỉ cần thuê một nữ họa sĩ vẽ chừng 50 triệu là đủ dàn cửa cho khách sạn, vừa tạo ta được ngôn ngữ riêng, vừa rẻ tiền… Có lẽ con người nghệ sĩ và con người kinh doanh trong anh đã hòa làm một, để tạo dựng cho riêng mình một cách đi riêng, một nội lực mạnh mẽ để sẵn sàng bứt phá mỗi khi có cơ hội. Anh đã vượt ra khỏi những giới hạn, những không gian tù túng, cũ kỹ, như chính tên gọi một triển lãm tranh của mình, để tạo dựng những tác phẩm sắp đặt cỡ lớn như tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm “Nhật ký người nông dân” tại phòng tranh Quỳnh năm 2010, “Không gian/Giới hạn”, và bây giờ là những khách sạn, resort đi vào lòng người, phục vụ con người một các thiết thân hơn, như “hơi thở nhẹ” của từng vùng miền anh đặt chân tới. Chia sẻ về những nỗ lực liên tục để tự bứt phá, làm mới mình trong kinh doanh và trong nghệ thuật, anh Quang thoáng chút trầm tư: “Hồi xưa chụp ảnh phóng sự, chụp ảnh nội thất, đi nhiều, thấy nhiều, thẩm mỹ thấm vào mình một cách tự nhiên. Mình vốn là dân kinh tế chứ đâu phải nhiếp ảnh. Ra trường năm 1998, không xin được việc làm. Dân miền Trung, nghĩ vô cơ quan nào lương hơn 1 triệu/tháng, làm sao có cơ hội vô Sài Gòn? Tôi nhớ mãi hồi đó ở chung cư, thức trắng hai ngày hai đêm trên sân thượng, nghĩ mình sẽ phải làm gì với cuộc sống này? Đầu tiên phải biết xã hội này như thế nào đã. Thế là xin đi chụp thể thao. 6 tháng trời bỏ tiền tự mua phim, mua máy, nhưng nhuận bút chỉ được 420 ngàn đồng! Tay phóng viên thể thao dẫn dắt tôi vào nghề không cho vào cơ quan, chỉ ngồi ở đầu đường. Chính điều đó hun đúc tôi bằng mọi giá phải vươn lên. Thế là bỏ ngang, đi phụ mọi người chụp hình, thà nhịn đói chứ không nhận thù lao đồng nào, dần dần được nhận chụp hình quảng cáo. Về báo Sài Gòn tiếp thị mười mấy năm với những phóng sự hình gây dấu ấn, nhưng tôi lại quyết định rẽ ngang làm nghệ thuật, sáng tác ảnh, triễn lãm cá nhân, rồi quyết định đi du học ở Mỹ 6 tháng. Mấy năm trước bán tranh ghê lắm, mỗi seri 50-70 ngàn USD, nhưng thu nhập không ổn định, gặp mối thì như vô mánh, còn bình thường thì túi rỗng, làm sao đủ tiền cho con ăn học. Thế là quyết định khởi nghiệp với Stop and Go. Resort ở Đại Ninh là câu chuyện mới thú vị, về lâu về dài, tôi muốn đây là nơi tụ hội của bạn bè. Mê cung đường đèo Đại Ninh, con đường dễ đi, phong cảnh lại rất đẹp, còn hoang sơ, tôi muốn làm cái gì đẹp đẽ cho bạn bè cùng hưởng. Buổi sáng thức dậy, thả bộ xuống xóm chài thấy cá từng thúng tươi rói, người dân vừa bán vừa cho. Bữa cơm ở đây chỉ 20 ngàn vừa có canh cá, ghẹ luộc chấm muối ớt ăn đã đời luôn. Cá từ biển đánh vào chưa hề ướp vào ngay bếp rồi, ngọt ngay. Dân làng còn lành lắm… Tôi muốn rủ bạn bè về đây cùng làm du lịch, dựa vào nhau cùng phát triển, chứ mỗi người cứ bo bo riêng mình làm sao thay đổi được cái nghèo. Làm sao một cá nhân có thể duy trì căn nguyên của mình giữa một cộng đồng trong khi vừa tìm kiếm sự đổi mới khỏi những gì người ta đã làm hay đã tin tưởng? Giới hạn là câu chuyện của cá nhân tôi, làm sao có thể cải biến giới hạn đó để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn? Tôi muốn khơi dậy ý thức của tôi, cách tôi giao tiếp với thế giới và kháng cự lối sống trong những chiếc lồng vô hình hiển hiện ở khắp mọi nơi, để tạo nên những không gian mới. Ở đó tôi có thể tự do sáng tạo, làm được điều mình thích với tư duy của riêng mình”. Theo bizlive