Từ cô bán vải chợ quê đến nữ doanh nhân thành đạt đất Sài Gòn


Hết lớp 12, chị Thủy ở nhà bán vải. Lúc đó, chị không dám mơ đến ngày thành CEO của một công ty xây dựng kiêm chủ 3 nhà hàng như bây giờ.

Triết lý vì cộng đồng của doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú

CEO Tập đoàn Hưng Thịnh: Là doanh nhân, có 2 chữ nhất định phải đặt lên vị trí hàng đầu

Những ai theo dõi cuộc thi đầu bếp giỏi năm2014 trên truyền hình hẳn không thể quên thí sinh Đoàn Thu Thủy. Dù chỉ về đích thứ ba, chị Thủy lại có lượng người hâm mộ lớn. Tham gia cuộc thi chính là một bước đi trong tham vọng trở thành bà chủ nhà hàng đã có từ 17 năm trước của chị, khi ôm con từ miền Tây lên TP HCM lập nghiệp.

Chị Thủy chọn cáchsống giản dị dù kinh tế dư giả.Ảnh: Na Sơn.

Chị Thủy vốn người gốc Huế. Thời thơ ấu, chị theo cha mẹ vào Giồng Riềng, một huyện vùng sâu tỉnh Kiên Giang sinh sống. Học hết lớp 12, nhà khó khăn, chị từ bỏ ước mơ trở thành nhà ngoại giao, ở nhà buôn bán với mẹ. Hai năm sau, chị kết hôn với mối tình đầu.

Thu nhập từ sạp vải chẳng đáng là bao, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ chật vật. Năm 29 tuổi, nghe một người bạn khuyên nên làm xà lan chở gạo xuất khẩu sẽ khá hơn, chị gom góp và vay mượn đi đóng xà lan chở hàng. Chưa có một chút kiến thức nào về lĩnh vực này, chị thậm chí phải gọi điện đến tổng đài 1080 nhờ mách chỗ đóng xà lan.

Từ khi chở gạo xuất khẩu, chị lên TP HCM nhiều hơn và nhìn thấy cơ hội phát triển sự nghiệp ở đây. Chị trăn trở nhiều đêm, không muốn trải qua cuộc sống tẻ nhạt nơi miền quê yên tĩnh, không muốn từ bỏ những ước mơ đổi đời vì người chồng không cùng chí hướng. Cuối cùng, đêm trước 30 Tết năm 2001, chị viết lá thư gửi lại cho chồng rồi dắt con gái chưa đầy 4 tuổi lên Sài Gòn, chỉ với vài triệu đồng trong tay và một chiếc xà lan, bắt đầu cuộc sống mới.

Ở trọ trên thành phố, khi xin cho con vào học ở Nam Sài Gòn (quận 7), chị nhớ mình là phụ huynh duy nhất trong lớp đưa con đến trường bằng xe máy, còn lại toàn xe hơi: “Đó chính là động lực để tôi cố gắng cày cuốc, để có tiền mua ôtô chở con đi học, mua nhà tốt cho con và có thể đón ba má từ quê lên ở cùng”.

Chị thuê thêm xà lan, từ chở gạo xuất khẩu chuyển sang chở bùn nạo vét, chở vật liệu xây dựng. Khi có vốn lớn hơn, chị đóng thêm nhiều xà lan to để chở cát san lấp mặt bằng. Từ những công trình nhỏ như san lấp khu dân cư, chị dần nhận những công trình lớn hơn như san lấp cảng, nạo vét luồng vào cảng…

Công việc tiến triển nhưng chị hiểu rằng nếu chỉ làm theo kinh nghiệm là không đủ, cần có lý thuyết để tầm nhìn sâu rộng hơn. Ban ngày đi làm, tối chị đi học về quản lý, đàm phán, kỹ năng mềm. Không có ai trông con hộ, chị mang theo con tới lớp học.

Dần dần, chị có thêm kinh nghiệm cũng như có nhiều mối quan hệ làm ăn. Sau 4 năm dắt con lên thành phố, chị đạt được mục tiêu mua xe hơi, mua nhà ở khu tốt.

Chị Thủy luôn cảm ơn công việc khô cằn trong ngành xây dựng đã giúp chịđổi đời và có điều kiện đểtheo đuổi niềm đam mê ẩm thựcẩm thực. Ảnh: NVCC.

Trong khi tất bật với việc thi công nạo vét luồng lạch và san lấp mặt bằng, chị Thủy vẫn không quên niềm đam mê nấu ăn. Hồi mới lên Sài Gòn, thấy các tiệm ăn khách ra vào nườm nượp, chị mơ một ngày nào đó sẽ mở được một nhà hàng để thoả niềm đam mê từ bé. Chị hiểu, mình sẽ không đủ sức để cả đời theo con đường xây dựng, nặng nhọc, vốn phù hợp với nam giới hơn.

Chị chuẩn bị bước rẽ cho mình bằng cách học các lớp nấu ăn với những nghệ nhân nấu ăn nổi tiếng, mua nguyên liệu để thử làm món mới và mời đồng nghiệp hay bạn bè đến “kiểm chứng” tay nghề.

Làm việc gì chị Thủy cũng tính toán. Tham gia cuộc thi đầu bếp cũng là một bước đi giúp chị tiến sâu hơn vào con đường ẩm thực. Để chuẩn bị cho cuộc thi, chị từng xin vào phụ việc trong một nhà hàng nhằm học cách trình bày và chế biến của họ.

Tháng 11/2015, chị mở được nhà hàng đầu tiên, chuyên các món ăn xứ Quảng đồng thời xuất bản cuốn sách ẩm thực thứ nhất. Từ đó đến nay, chị mở thêm hai nhà hàng nữa và sắp ra cuốn sách ẩm thực thứ ba viết về bánh dân gian.

“Khi bước vào con đường ẩm thực, tôi giống như cá trở về với nước, say mê vô cùng”, chị Thủy tâm sự. “Công tác ra Bắc vào Nam suốt 17 năm qua, tôi nhận ra nhiều vùng miền có những món ăn rất độc đáo nhưng nay đã thất truyền. Tôi muốn lưu giữ lại tất cả những món ăn, để thế hệ sau này biết được Việt Nam từng có những món ngon như vậy. Tôi muốn đầu tư sao cho món Việt phải xứng tầm với giá trị thật của nó”.

Với sự tinh tế trong nấu ăn và tài quản lý, chị Thủy được ban tổ chức lễ hội Thăng Long tại Hoàng Thành Hà Nội 2016 tín nhiệm trao vị trí “quản bếp” với hàng chục món, phục vụ cho hàng nghìn du khách mỗi ngày.

Chị Thủy nói về phương châm làm việc của mình: “Hãy gõ cửa sẽ mở, cánh cửa nào tôi cũng mạnh dạn gõ”. Chính vì dám mạnh dạn gõ cửa và quyết đoán trong công việc, chị Thủy được anh em thuỷ thủ đoàn đặt cho biệt danh “Tư liều”.

“Ngoài ra, gọi là ‘liều’ cũng vì chị ấy luôn sẵn sàng bảo vệ anh em nhân viên”, ông Cao Thái Ngọc, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại công trường, người từng gắn bó với công ty hoạt động trong lĩnh vực nạo vét, san lấp cảng… của chị Thủy từ năm 2009 bổ sung.

Chị Thủy cho rằng chính sự liều lĩnh đã giúp mình gặt hái nhiều thành công, dù cũng từng thất bại khi nhận công việc mình chưa am hiểu.

Tuy nhiên, với chị, cú liều quan trọng nhất là năm 30 tuổi, dẫn con gái rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. “Giờ nhớ lại, tôi luôn cảm ơn biến cố ly hôn đã đánh thức một con người khác trong tôi. Không có biến cố ấy, tôi sẽ không nhận ra mình mạnh mẽ, quyết liệt đến thế nào. Không có biến cố ấy, có lẽ tôi giờ đây vẫn là một người đàn bà nhàu nhĩ ở một vùng quê, sống mòn với những cảm xúc đã chai sạn và kiếm từng đồng bạc lẻ với công việc nhàm chán”, chị Thủy tâm sự.

Chị Thủy bên con gái đầu lòng Vương Anh trong khuôn viên một nhà hàng của chị tại quận 1, TP HCM.

Làm mẹ đơn thân, chị Thủy tuy vất vả gánh vác mọi việc nhà nhưng đó cũng là cơ hội để chị được ra mọi quyết định cho cuộc đời mình. Chị luôn đề cao quan điểm, là phụ nữ, trước hết hãy độc lập, hãy tự lo cho mình, và hãy là đại gia của chính mình. Đó cũng chính là điều tâm huyết chị luôn nhắc nhở con gái.

Người mẹ này từng nổi tiếng mạng xã hội với những lời dạy con gây bão “không xài túi đắt tiền mà rỗng”, “không lấy chồng vì tiền”, “ăn bữa nay phải lo bữa mai”. Ở tuổi 40 chị thụ tinh nhân tạo để con gái có em bầu bạn. Dù công việc bận rộn, chị vẫn cố gắng tự tay nấu ăn cho ba mẹ và các con, đưa con trai nhỏ đi học mỗi ngày.

Trong mắt cô con gái đầu lòng Vương Anh, chị Thủy là người “khi đã quyết tâm thực hiện việc gì, sẽ cố gắng hết sức, làm việc không biết mệt mỏi để đạt được mục tiêu đã đặt ra”.

“Trải qua bể dâu, tôi không có ý định kết hôn nữa. Tôi giờ có con, có nhiều đam mê, tham vọng nên thiếu một người chồng cũng là điều bình thường”, chị chia sẻ.

Là giám khảo của cuộc thi chị Thủy tham gia, đầu bếp Phạm Tuấn Hải – sau này trở thành một người bạn của chị Thủy – cho rằng: “Kinh nghiệm trong kinh doanh và cuộc sống đã cho chị Thuỷ một tính cách rất dứt khoát và cương trực”. Ông Hải nhận xét món ăn của chị Thủy cũng như chính tính cách con người chị vậy, mộc mạc nhưng đậm đà.

Theo  Vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: