Các công trình giao thông TP.HCM sẽ ‘chạy’ nhanh hơn?


Để giải ngân được hơn 79.000 tỉ đồng đầu tư công trong năm nay, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục dự án. Tuy nhiên, để các dự án giao thông thật sự được “phá rào”, chỉ chạy nhanh 1 khâu là chưa đủ.

Tổng vốn kỷ lục, không thể chờ cuối năm mới “chạy”

 

UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai các công trình trọng điểm. Chương trình được ban hành sớm hơn so với các năm trước bởi áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất lớn, lên tới 79.263 tỉ đồng.

Từ trước đến nay, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo thành phố nhìn nhận do các nguyên nhân chính như phân bổ vốn làm chậm, vướng thủ tục dự án, thủ tục xây dựng. Bên cạnh đó, công tác GPMB nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm; giá vật liệu tăng ảnh hưởng tiến độ xây dựng; thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Vì thế, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay UBND TP.HCM đã phân bổ xong toàn bộ số vốn năm 2024 trước ngày 31.12.2023. Nhờ vậy, đến thời điểm giữa tháng 1, các đơn vị đã hoàn tất việc lập kế hoạch giải ngân với tiến độ chi tiết từng dự án theo từng tháng, kèm theo nhiệm vụ cần thực hiện với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Các công trình giao thông TP.HCM sẽ 'chạy' nhanh hơn?- Ảnh 1.

Giải ngân đầu tư công trong 2 tháng đầu năm của TP.HCM đạt hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2023

Thông thường, trong công tác đầu tư công, những tháng đầu năm chủ yếu dành cho công tác chuẩn bị để thời gian tiếp theo trong năm chi trả bồi thường, thi công xây lắp, từ đó giải ngân được vốn. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cũng thừa nhận đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công thường những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên. Ngoài ra, đối với các công trình hạ tầng, không phải vốn ngân sách ghi 1.000 tỉ đồng sẽ chia đều 12 tháng để 6 tháng phải đạt tỷ lệ giải ngân được 50%. Mỗi dự án có đặc thù nguồn vốn riêng và không tịnh tiến theo mốc thời gian. Có thể 6 tháng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 20 – 30% nhưng hết tháng 12 vẫn đạt 100%.

Tuy nhiên, năm nay Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Phải rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư để quý 1, quý 2 hoàn thành thủ tục đầu tư và GPMB, dành 6 tháng cuối năm tập trung thi công xây lắp”.

Để đạt mục tiêu đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban ngành rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công – dự toán. Đồng thời, tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Không gỡ đồng bộ, 30% không thấm vào đâu

Yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ được ông Đ.T, đại diện một đơn vị đang làm chủ đầu tư một số dự án giao thông lớn, ví von là “giải phong ấn” cho các dự án đầu tư công, bởi từ trước đến nay, thủ tục luôn là cửa ải khó khăn nhất. Tuy nhiên, nếu để áp đúng quy định thì thời gian thực tế có thể rút ngắn rất ít. Cụ thể, công tác thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng được chia thành 2 giai đoạn: lập dự án và thực hiện dự án. Trong giai đoạn lập dự án, đối với các dự án nhóm A, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định không quá

40 ngày, tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Ở bước này có thể linh động rút ngắn được 12 ngày nhờ áp dụng luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. Giai đoạn thực hiện dự án gồm: thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật; thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát…; tổng thời gian thực hiện hết khoảng 180 ngày. Áp dụng tất cả các quy định hiện nay thì có thể rút ngắn được 44 ngày. Tổng cộng, nếu yêu cầu rút ngắn 30% thời gian ở tất cả các khâu thì khâu thẩm định phê duyệt dự án có thể giảm từ 220 ngày xuống còn 164 ngày. Nếu trừ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu thì giảm từ 100 ngày xuống còn 70 ngày.

“Gần như chỉ khâu thẩm định dự án và thẩm định thiết kế từ các cơ quan chuyên môn mới có thể cố gắng để rút ngắn được khoảng 30 ngày. Đấy là theo quy định, còn thực tế thời gian triển khai dài hơn nhiều. Đơn cử thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định không quá 40 ngày nhưng có cụm từ “tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ” nên có thực trạng họ trả hồ sơ hoặc chuyển lấy ý kiến nhiều nơi, sau đó lại chủ đầu tư đi tổng hợp ý kiến giải trình, rồi ký lại tờ trình. Lúc ấy mới tính lại thời gian từ ngày nhận tờ trình hoàn chỉnh. Cứ thế, nói là 100 ngày nhưng có khi phải gấp 3 – 4 lần thời gian. Đó mới chỉ là 1 khâu, còn những khâu khác nữa. Mỗi chỗ chậm vài ngày, 1 tháng là dự án đã chậm cả năm rồi”, ông Đ.T nói.

Đúng như chia sẻ của ông Đ.T, các dự án đầu tư công không chỉ vướng ở 1 khâu phê duyệt hồ sơ mà thực tế khâu nào cũng ì ạch, nhất là công tác bồi thường GPMB. Còn nhớ hồi tháng 3.2023, lãnh đạo TP.Thủ Đức “hứa” bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Giao thông thi công 3 cây cầu trọng điểm là cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu vào quý 2. Tuy nhiên, chỉ có cầu Nam Lý được khởi công đúng hẹn; cầu Tăng Long đến 28.10.2023 mới chính thức có đủ mặt bằng để khởi công; còn cầu Ông Nhiêu kỳ vọng cuối tháng 10.2023 hoàn thành GPMB nhưng đến nay vẫn chưa thấy có thông tin mới. Các dự án trễ hẹn mặt bằng khiến ngành giao thông TP đến hết quý 3 vẫn “xất bất xang bang” lo trễ hẹn giải ngân. Tổng kết năm 2023, TP.HCM chỉ giải ngân được 67% vốn đầu tư công (gần 46.000 tỉ đồng), không đạt mục tiêu đề ra.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho rằng lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công thành căn bệnh trầm kha suốt nhiều năm qua nằm ở thể chế có một phần, như cơ chế, đền bù đất đai, thủ tục đấu thầu dự án…; nhưng yếu tố mang tính quyết định nhất là tình trạng lãnh đạo các cấp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, hồ sơ chạy từ sở này qua ban kia.

Sở nào, địa phương nào chậm ở khâu nào, cần xem xét rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thậm chí có chế tài cụ thể. Quan trọng nhất, từng đơn vị phải cởi bỏ được tâm lý sợ chịu trách nhiệm, nâng cao tinh thần phối hợp vì mục tiêu chung của TP. – TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế

“Hai năm qua có thể thấy rõ TP.HCM đã có nhiều hành động quyết liệt, thực chất đẩy nhanh công tác giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án giao thông. Tuy vậy, thực tế hầu hết các dự án đều vẫn chậm tiến độ, không vướng ở khâu này thì mắc ở khâu kia. Muốn các công trình thật sự chạy nhanh được, người đứng đầu địa phương, lĩnh vực phải rà soát, phân loại các dự án vướng ở đâu để có giải pháp tháo gỡ cụ thể, vào cuộc một cách chi tiết, chủ động. Đồng thời, có giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho từng sở, ngành, địa phương cũng như nêu trách nhiệm người đứng đầu. Sở nào, địa phương nào chậm ở khâu nào, cần xem xét rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thậm chí có chế tài cụ thể. Quan trọng nhất, từng đơn vị phải cởi bỏ được tâm lý sợ chịu trách nhiệm, nâng cao tinh thần phối hợp vì mục tiêu chung của TP”, TS Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.

Bên cạnh kế hoạch rút ngắn thời gian làm thủ tục, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương trực thuộc có chế tài và xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Hằng tháng, Sở Nội vụ cùng với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Kho bạc Nhà nước TP tham mưu, đề xuất phê bình, khiển trách, kỷ luật tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: