Người muốn đăng ký cư trú có thể thao tác trên trang web tại nhà, không cần đến trụ sở công an để làm thủ tục. Trong 7 ngày nhận hồ sơ, cán bộ thụ lý sẽ trả lời kết quả. Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7 hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, xóa đăng ký thường trú, tạm trú hay khai báo tạm vắng theo quy định. Trong Thông tư số 55/2021 vừa được Bộ Công an ban hành để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, cơ quan chức năng khẳng định từ ngày 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú, tạm trú hay khai báo tạm vắng qua Internet. Theo thông tư này, nếu không có điều kiện đến trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú để làm thủ tục, công dân nộp hồ sơ đăng ký cư trú trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hay cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Ảnh chụp màn hình cổng dịch vụ công quản lý cư trú của Bộ Công an. Khi nộp hồ sơ online, người yêu cầu đăng ký cư trú cần khai báo thông tin theo mẫu trên trang web. Sau đó đính kèm bản scan hoặc bản chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết. Quá trình làm việc, người dân có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu đã cung cấp khi có yêu cầu của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trong 7 ngày làm việc kể từ lúc nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú bằng văn bản, qua thư điện tử (email) hoặc trên các cổng dịch vụ công. Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú gồm: Tờ khai; giấy tờ chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc các loại hợp đồng liên quan nơi ở (thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền,…). Cơ quan chức năng có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú, xác nhận thông tin về cư trú và không hoàn trả lệ phí (nếu đã nộp lệ phí) khi phát hiện giấy tờ, tài liệu công dân cung cấp bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả. Đáng chú ý, Luật Cư trú 2020 liệt kê 5 địa điểm không được đăng ký thường trú mới. Những nơi này gồm: Chỗ ở trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang công trình; chỗ ở trên đất lấn, chiếm hoặc nơi bị cấm xây dựng; chỗ ở đã bị thu hồi đất, khu tái định cư, khu vực đang có tranh chấp; chỗ ở bị cơ quan chức năng tịch thu và chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước. Theo Zing News