Khi chợ Tân Định (phường Tân Định, quận 1, TP HCM) bước vào tuổi xuân thì, bà Hai đã lon ton theo mẹ ra ngồi chợ. Hình ảnh cô bé chừng bốn – năm tuổi, lũn tũn ngồi cạnh đống dừa trái ở góc chợ. Đó là đầu những năm 40 của thế kỷ trước, sau này bà vẫn nghe mẹ kể lại. Để rồi cái duyên cái nghiệp chợ vận vào đời cô bé ấy gần 80 năm qua. Phía sau hình ảnh 2 chiếc võng đong đưa bên lò khoai nướng của người mẹ nghèo ở Sài Gòn Câu chuyện cảm động người mẹ hiến tạng con trai chết não cứu sống 5 người Chợ Tân Định xưa 1.Ngồi nhìn bà bán hàng, cách vén tóc, nét môi cười hay câu chuyện với khách (hình như hầu hết khách quen) dễ có cảm giác mài mại đã gặp bà ở đâu đó, ở một góc chợ bất chợt. Khó tả, nhưng càng nhìn, bà càng giống một hình mẫu của người tiểu thương của Sài Gòn, không có tuổi, quen quen, lạ lạ… Với bà, tuổi đã ngoài 80 nhưng sự minh mẫn vẫn ánh lên trong đôi mắt, trong lời kể và cả nỗi bồi hồi khi nhắc chuyện ngày xưa. Khắp chợ Tân Định gọi bà bằng má Hai, dù tên khai sinh của bà khá đẹp: Võ Thị Thu. Hồi bà mới lớn, người ta gọi trỏng trơ “Hai”, “nhỏ Hai” đến “chị Hai”, “cô Hai”, sau này là “má Hai”. “Mỗi lần nghe người ta hay đổi cách kêu thì hay đã già thêm”, bà cười khanh khách, giọng nghe còn trong trẻo lắm! Là chị của mười mấy đứa em nên người mẹ cặp nách mang bà ra chợ, liền sau là cô em kế, để vừa bán vừa tiện trông con. Người cha là chủ một vựa dừa trái lớn vào bậc nhất chợ Cầu Muối, nên đám con trai lớn một chút ở vựa phụ cha. Không khác bây giờ, ông gom dừa của thương lái chở ghe từ Bến Tre lên. Chủ vựa phân loại, bỏ sỉ cho mối hàng từ các miệt Long Điền, Cấp (một cách gọi cũ của Vũng Tàu), Phước Hải… một phần giao ở các chợ và vợ con bán lẻ. Cũng chỉ ít năm theo mẹ ra chợ, chưa đầy mười tuổi, “nhỏ Hai” đã đứng bán dừa, sau thêm cô em gái. Khi chị em đủ cứng, người mẹ giao luôn sạp cho con, trở lại vựa. Cái vựa ấy tồn tại đến cuối những năm 80, những người con trai vẫn thay cha buôn bán. Nó chỉ mất sau một trận hỏa hoạn ở chợ Cầu Muối, người ta tiện thể giải tỏa luôn. 2.Trong ký ức của bà Hai, những năm 40 – 50 của thế kỷ trước, chợ Tân Định là một trung tâm mua sắm hạng sang của Sài Gòn. Kẻ mua, người bán nườm nượp dù chợ chỉ họp vào buổi sáng. Từ khuya, những chuyến xe ngựa từ Bà Điểm, Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức đã chen chúc ở cuối chợ, ngay đường Mã Lộ, xuống hàng. Vì vậy, con đường mới đổi tên “Mã Lộ”. Ba bốn giờ sáng, cả chợ đã chộn rộn tiếng ngựa gõ móng, tiếng cót két xe đẩy. Không tính mặt tiền đường Hai Bà Trưng, ba con đường nhỏ bên hông gồm: Nguyễn Văn Nghĩa, Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn Hữu Cầu) và Mã Lộ đủ thông thoáng để người – ngựa đi vòng quanh. Ban đêm, phía đường Trần Văn Thạch có chợ đêm, mua bán xôm tụ đến khuya. Sạp dừa của hai chị em bà Hai ở góc đường Nguyễn Văn Nghĩa, khu hàng trái cây. Ban đầu họ bán chung, sau mỗi người một sạp nhưng vẫn ở kế nhau cho đến ngày người em gái mất, cách đây gần 10 năm. Má Hai Hồi ấy, cả chợ Tân Định chỉ có mình chị em bà Hai bán dừa, từ nước đến khô, không như bây giờ, ai ai cũng bán. Dừa lấy nước nguyên quầy, chở bằng xe ngựa từ vựa sang chợ, chị em phải gọt vỏ. Dừa khô bán nguyên trái, không bào cơm. Thời con gái mới lớn, sạp dừa đã đông khách, có lẽ bởi cái duyên bán hàng của hai cô con gái mới lớn, xinh tươi như hoa. Khách mua nườm nượp, mà phần đông là trai trẻ, chẳng rõ ghiền dừa ngọt hay mê “nhỏ” bán? Những năm 60, người ta dần cấm xe ngựa, thay thế bằng xe tải, bà gọi là cam – nhông. Lúc này, cái sạp càng đông khách, dù “cô Hai” đã có chồng và một nách lít nhít con. Nhất là khi đám lính Mỹ hay ra vô rạp Mô – đẹc (Moderne) kế chợ, phát hiện ở góc đường có cô bán dừa, bèn rủ nhau xếp hàng mua nước dừa và kiếm cớ chọc ghẹo. Mỗi buổi chợ, hai chị em bán hết một xe cam – nhông, thuê bảy, tám người gọt vẫn không kịp, tiền chỗ (hoa chi) mất 5 đồng bông mai mỗi sạp. Tiền không kịp đếm, chỉ dồn vô giỏ, cuối ngày mới kiểm. Người chồng, thua bà tới 4 tuổi, lúc nhỏ cũng phụ bán thịt heo cho cậu ruột ở chợ Bến Thành. Khi cưới, vợ đã 22, còn chồng chưa tròn 18. Cưới xong, chồng về chợ Tân Định phụ vợ. Có đồng ra đồng vô, đám con sạch sẽ, đi học đường hoàng. Ông vắn số, lìa đời năm mới 33 tuổi vì bạo bệnh, sau khi kịp gửi vợ năm đứa con. Mất chồng, bà Hai ở vậy nuôi con đến giờ. Bà Hai kể, chợ Tân Định ngày xưa nuôi sống biết bao kiếp người. Không thiếu những phận đời lang thang, không nhà cửa đã chọn góc chợ làm chốn dung thân. Khi đông có cả trăm người, kẻ kéo xe, bốc vác, người dọn hàng, gánh nước mướn cho các chủ sạp. Chợ buôn may bán đắt nên đồng tiền công cũng hào phóng, tuy thỉnh thoảng giới không nhà cũng giành giựt, gây lộn nhưng tuyệt nhiên không hề thấy nạn trộm cắp. Vài lần, thời còn xuân sắc, bà Hai đã xắn tay dẹp loạn mấy nhóm côn đồ, đòi bảo kê ở chợ. Bây giờ kể lại, những người chứng kiến một “má Hai” quắc mắt vung gậy đánh đám thanh niên lêu lổng chạy có cờ đều lắc đầu “ngó bả vậy nhưng dữ lắm á”. Còn bà thì cười: “Lúc đó chúng sợ tui gọi anh em tui bên cầu Ông Lãnh sang nên chạy đó thôi”. Phải dữ thì dữ vậy nhưng trong tận cùng của người ngồi chợ, giúp kẻ nghèo khó là một việc để tạo phước của nghiệp chợ. Hồi đầu những năm 70, có một đứa nhỏ chưa đầy mười tuổi lăn lóc kiếm sống ở góc chợ Tân Định. Dân chợ biết tên thằng nhỏ là Bảy, gọi theo thứ sinh ra. Tuy Bảy có mẹ cha ngay cạnh nhưng chẳng được phút giây chăm bẵm vì ai cũng tất tả mưu sinh. Mỗi khi nhìn đứa nhỏ rách rưới, bà lại liên tưởng đám con mình đủ đầy, thấy những người gần gũi xung quanh thằng nhỏ, bà lại lo lắng, xót xa vì ở chợ “nên nhanh mà hư cũng nhanh”. Dần dà, thành duyên thành nợ, bà nhận Bảy về nuôi. Đứa nhỏ ấy nay đã bước sang tuổi 60 vẫn sống với “má Hai”. Bây giờ, ngày ngày anh vẫn ra phụ mẹ dọn hàng như hồi 50 năm trước, lo lắng miếng cơm, ly nước. Lúc rảnh, anh đọc cho bà nghe một vài trang sách, đó là những câu chuyện của kiếp người,nhân tình thế thái… thứ mê mẩn nhưng luôn xa xỉ với bà. Khi đủ lớn, mấy người con của bà Hai cũng theo nghiệp mẹ. Trong chợ Tân Định bây giờ, người thì bán dừa, người làm mứt dừa bỏ mối. Còn bà, sau dăm ba bận loanh quanh dời chỗ vì người ta sắp xếp lại sạp, hai chị em vẫn ngồi cạnh nhau, cùng bán một thứ mà cả đời đã bán. Những năm 80 – 90, tuy không bằng thời son trẻ nhưng chợ vẫn đông đúc, nhộn nhịp cả ngày. Vào mỗi dịp lễ Tết, như bao sạp khác, sạp dừa sáng đèn tới 9 giờ đêm. “Bây giờ nghĩ lại thấy mà ham”, bà Hai tiếc rẻ, miệng chép, mắt dòm xuống hơn chục trái dừa mà người bỏ mối đã gọt sẵn. Hì hụi dọn hàng từ 4 giờ sáng tới trưa, hai mẹ con mới bán được vài chục trái và vài bịch cơm dừa khô. Đã ngoài 20 năm nay, bà Hai hiểu vì sao người ta dần ít đến chợ. Lối sống vội vàng đã cấm cản phần đông cư dân đô thị Sài Gòn được nhẩn nha trong cái chợ – một chốn mà khi ai lạc bước vào sẽ không thể vội vàng. Dần dà, thị dân đã đánh mất một lạc thú vốn là bản sắc. Nên bây giờ, vẫn ở trong ngôi chợ Tân Định ngót nghét trăm năm kia, có cô bán vải kia đang rầu rĩ khi mỗi ngày thêm vắng người dòm, kẻ hỏi, mà trong sự rầu rĩ đó có vài phần so đo nhan sắc với dì, mẹ ngày xưa. Theo baophapluat