Phía sau hình ảnh 2 chiếc võng đong đưa bên lò khoai nướng của người mẹ nghèo ở Sài Gòn


Hình ảnh hai đứa trẻ nằm ngủ say trên hai chiếc võng được cột tạm ở vỉa hè, người mẹ một tay nướng khoai, một tay đong đưa chiếc võng để ru các con khiến không ít người cảm động. Đằng sau hình ảnh ấy là cuộc đời lắm truân chuyên của một người phụ nữ mạnh mẽ.

Người mẹ ngậm dầu phun lửa mỗi đêm ở phố Tây Bùi Viện để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học

Người phụ nữ bán những ‘chiếc bánh tuổi thơ’ giữa Sài Gòn

Chị Tư bán khoai lang nướng bên hai chiếc võng đong đưa trên hè phố

Bé Nhi mếu máo khóc, nó cứ quần lấy chân chị Tư khiến việc nướng mấy củ khoai trở nên khó khăn hơn. Chị bồng con bé ngồi vào ghế rồi nói: “Để mẹ mắc võng lên cho con nằm nghen”. Để đám khoai nằm ngay ngắn trên bếp than, chị tranh thủ cột chiếc võng nhỏ xíu lên hàng rào rồi đặt bé Nhi vào trong, con bé ôm bình sữa nằm lim dim chìm vào giấc ngủ. Chị Tư một tay đong đưa chiếc võng, một tay lăn tròn mấy củ khoai, mắt không quên trông chừng nhóc Khôi đang ngồi chơi gần đó.

Sài Gòn đêm, khu chợ vẫn nhộn nhịp kẻ ra người vào, chị Tư ngồi trên vỉa hè cặm cụi nướng mấy củ khoai. Hỏi sao lại đem hai đứa nhỏ ra đường ra xá bán buôn thế này, lỡ sơ ý nó chạy ra đường thì biết làm sao? Chị nói nhỏ xíu:

– Có ba mẹ con, đi đâu cũng phải đưa tụi nhỏ đi cùng chứ em!

“Ủa rồi anh nhà đâu chị?”, tôi buộc miệng hỏi nhưng lại thấy câu hỏi của mình hơi vô duyên.

– “Thôi nhau rồi” – chị nói lẹ làng như sợ ai đó kịp nghe thấy.

Chị Tư vừa nướng khoai vừa chăm cho bé Nhi ngủ.

Chị Tư vừa nướng khoai vừa chăm cho bé Nhi ngủ.

Chị Tư người miền Tây, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Trà Vinh nhưng vì giận ba má chị bỏ lên thành phố để lập nghiệp. Hồi đó còn trẻ chị làm ít chơi nhiều, đâu có biết trên thành phố này tồn tại được là điều đâu dễ dàng. Rồi chị trắng tay, ba má thương cho chị ít vốn để làm lại từ đầu.

Hồi cưới anh, hai vợ chồng dắt díu nhau ra khu chợ này mưu sinh. Anh thì sửa xe, chị thì bán cà phê. Cuộc sống tuy không dư dả nhiều nhưng đủ để nuôi mấy đứa nhỏ. Nhưng hơn một năm trước anh gặp chuyện không hay.

“Ổng chơi với nhóm bạn, tụi nó hay tới gửi nhờ mấy chiếc xe. Sau này công an tới mới biết mấy chiếc xe đó là đồ ăn trộm. Chồng chị bị liên luỵ tội bao che cho tội phạm, nên cũng đi trại” – chị mở lòng hơn với tôi về khoảng thời gian khốn khó của mình.

Chồng chị bị bạn bè liên luỵ nên lâm vào tù tội.

Chồng chị bị bạn bè liên luỵ nên lâm vào tù tội.

Năm anh đi trại, bé Nhi mới có mấy tháng tuổi, thằng Khôi cũng còn nhỏ xíu. Cuộc sống bỗng chốc bị xáo trộn, chị Tư một mình gồng gánh gia đình. Nhiều bữa cơm không đủ ăn, nhưng ba má dưới quê gọi lên hỏi thăm chị cũng không dám than nửa lời.

Ráng ráng cho hai đứa nhỏ cứng cáp một chút, chị ra vỉa hè bán khoai lang nướng. Chị nói: Ở cái thành phố này chỉ cần chịu khó làm việc thì không sợ đói. Còn ba mẹ con nên đi đâu chị cũng dẫn hai đứa nhỏ theo để tiện bề chăm sóc. Bán buôn có khi tới 11h, 12h thành ra chị đem theo hai chiếc võng để thằng Khôi, bé Nhi chợp mắt xíu xiu trong lúc đợi mẹ mưu sinh.

Nhóc Khôi và bé Nhi theo chân mẹ mưu sinh ở góc đường.

Nhóc Khôi và bé Nhi theo chân mẹ mưu sinh ở góc đường.

“Chị lo được cho hai đứa nhỏ mà!”

Tôi hỏi nhóc Khôi: “Con bao nhiêu tuổi rồi?”. Thằng nhỏ đưa 2 ngón tay lên nói: “Con 5 tuổi rồi”. Tôi tròn xoe mắt: “Ủa 5 tuổi sao đưa có 2 ngón tay? Phải đưa 5 ngón tay chứ!”. Thằng nhỏ cười hi hi rồi xoè bàn tay ra.

Nhóc Khôi rất lém lỉnh.

Nhóc Khôi rất lém lỉnh.

Thằng nhỏ 5 tuổi nhưng theo mẹ suốt ngày nên chưa được đến trường mẫu giáo như những đứa trẻ khác. Bé Nhi thì mới 20 tháng tuổi nhưng cũng đã dần quen với không gian của phố phường. Hai đứa nhỏ luôn tò mò với tất cả những thứ ghé ngang qua hàng khoai của mẹ. Là chiếc xe máy của khách, chiếc điện thoại của tôi, máy ảnh của cậu bạn hay một em bé nhỏ xíu được mẹ dẫn đi dạo phố…tất cả đều đầy lý thú với hai đứa trẻ.

Hai cô cậu nhóc ngồi trò chuyện cùng em bé.

Hai cô cậu nhóc ngồi trò chuyện cùng em bé.

Chị Tư bảo tháng 9 này sẽ cho thằng Khôi đi học, nhưng buổi tối cũng sẽ theo mẹ đi bán vì buổi tối chẳng có ai giữ trẻ cả, để con ở nhà một mình chị không yên tâm. Hổm rày khách đến mua đông quá chừng, chị Tư cũng không biết tại sao. Hỏi ra thì biết có người chia sẻ hình ảnh của 3 mẹ con lên mạng xã hội nên mọi người đến mua ủng hộ.

Mọi người ghé mua mấy củ khoai, rồi gửi ít tiền cho mấy đứa nhỏ mua sữa. Cầm tiền của mọi người tặng chị Tư lúng túng không nhận. Chị biểu thằng Khôi đem tiền thừa trả cho khách, thằng nhỏ chạy lon ton lại trả, chị khách dịu dàng nói: Cô cho con để mua sữa uống mà. Thằng Khôi hồn nhiên đáp: Nhưng con có sữa rồi!

Hình ảnh của ba mẹ con được chia sẻ trên mạng xã hội.

Hình ảnh của ba mẹ con được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nhìn sự lóng ngóng của người phụ nữ chất phát ấy, tôi tin chị thật sự bối rối khi nhận số tiền từ trên trời rơi xuống. Chị nói: “Người ta thấy mấy mẹ con ngồi ngoài đường nên thương, nhưng nhìn vất vả vậy thôi chứ mấy mẹ con chị không thiếu thốn đâu. Hồi đầu hơi khó khăn, nhưng trời thương cho chị bán buôn được, để dành được ít tiền chị có thuê mặt bằng để bán cà phê buổi sáng. Buổi tối đi bán khoai vì bỏ thì tiếc, em nghĩ coi ngồi bán mấy tiếng được thêm mấy trăm ngàn thì ai hông ham”.

“Ngoài kia còn rất nhiều người khó khăn hơn 3 mẹ con chị, tự nhiên nhận tiền này chị thấy không hay lắm! Giờ chị dư dả rồi, chị tự lo được cho hai đứa nhỏ được, mong mọi người đừng ghé cho tiền nữa, ngại lắm” – Chị tâm sự.

Mọi người tìm đến ủng hộ ba mẹ con khá đông.

Mọi người tìm đến ủng hộ ba mẹ con khá đông.

Từ ngày vắng anh, có lẽ chị đã quen với việc một mình đối mặt với mọi thứ. Chị sợ phải mang ơn một ai đó. Trời về khuya vỉ khoai nướng cũng chỉ còn vài củ, chị mừng nói nay được về sớm. Tôi hỏi chị có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chán nản không? Chị cười gọn trơn: “Chán nản, buồn bực thì giải quyết được gì hả em! Lạc quan đi rồi chuyện gì cũng qua”.

Ngồi bấm điện thoại một lúc thì điện thoại đứng hình, tôi hù nhóc Khôi: “Rồi con làm hư điện thoại của chú rồi”. Thằng nhỏ lém lỉnh áp điện thoại lên tai rồi nói: “Alo! Siêu nhân hả? Siêu nhân đang ở đâu đó, qua sửa điện thoại giùm đi, qua lẹ lẹ nghen!”.

Thằng nhóc sáng sủa, hoạt bát chắc cũng nhờ được ra đời sớm. Tôi luôn nể phục những người phụ nữ mạnh mẽ như chị Tư, nhưng tôi cũng không biết việc cứ để hai đứa nhỏ theo chân mẹ mưu sinh mỗi đêm ở góc chợ này liệu có thật sự tốt?

Đường phố lúc nào cũng đông đúc xe cộ, chị Tư thì không phải lúc nào cũng trông chừng được hai đứa nhỏ.

Đường phố lúc nào cũng đông đúc xe cộ, chị Tư thì không phải lúc nào cũng trông chừng được hai đứa nhỏ.

Theo kenh14


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: