Bối cảnh kinh tế bất ổn, biến thể Omicron bùng phát khiến thị trường smartphone toàn cầu trong quý I sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Canalys, Samsung là hãng có thị phần smartphone cao nhất quý I với doanh số trên toàn cầu chiếm 24%, tăng từ 19% của quý IV/2021 và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Vị trí thứ 2 thuộc về Apple với thị phần 18% nhờ nhu cầu của người dùng với dòng iPhone 13 ở mức cao. Trong khi đó, Xiaomi xếp thứ 3 với thị phần 13% do các mẫu Redmi Note được nhiều người đón nhận. Thị phần các hãng smartphone toàn cầu trong quý I. Ảnh: Canalys. Tính cả thương hiệu OnePlus, thị phần của Oppo trong quý I xếp thứ 4 với 10%, Vivo là cái tên cuối cùng trong top 5 với thị phần 8%. Các hãng còn lại có thị phần tổng cộng 27%. Nhìn chung, lượng smartphone bán ra trên toàn cầu trong quý I giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số lý do đến từ bối cảnh nền kinh tế không thuận lợi và nhu cầu mua sắm chững lại. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys, các hãng lớn như Samsung, Apple vẫn duy trì được doanh số nhờ mở rộng danh mục thiết bị. Với Apple, hãng có mẫu iPhone SE 2022 mới ra mắt trong phân khúc tầm trung, còn Samsung có dòng A và M cho phân khúc trung cấp trở xuống bên cạnh Galaxy S22 ở tầm cao. “Các hãng smartphone Trung Quốc gặp khó về nguồn cung với những dòng máy giá rẻ, kế hoạch mở rộng ra toàn cầu cũng bị ảnh hưởng do thị trường nội địa chững lại”, nhà phân tích Sanyam Chaurasia nhận định. Nhu cầu của người dùng với dòng iPhone 13 luôn ở mức cao trong đầu năm 2022. Ảnh: Reuters. Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của Canalys cho biết thị trường smartphone toàn cầu chững lại trong quý I do bối cảnh kinh tế bất ổn, bao gồm biến thể Omicron bùng phát và xung đột Nga – Ukraine. “Số ca mắc Covid-19 tại các thị trường tăng mạnh do biến thể Omicron dù tỷ lệ nhập viện thấp, độ bao phủ vaccine cao giúp nhiều hoạt động trở lại bình thường. Các công ty cũng đối mặt tình trạng bất ổn do xung đột Nga – Ukraine, nhiều địa phương tại Trung Quốc bị phong tỏa và đe dọa lạm phát. Những lý do trên khiến nhu cầu từ người dùng chững lại. Các hãng smartphone phải tự trang bị kiến thức để nhanh chóng nhận thấy cơ hội và rủi ro mới, trong khi vẫn tập trung vào chiến lược dài hạn. Tin tích cực là tình trạng thiếu hụt linh kiện có thể cải thiện sớm hơn dự kiến, giúp giảm áp lực về chi phí”, bà Peng cho biết. Theo: Zing news